Đồng vốn Quỹ mở hướng thoát nghèo
16:22 - 02/05/2024
(Quỹ HTND) – Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương đã tạo điều kiện cho hàng trăm hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh vay vốn để xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất gia tăng thu nhập.
Các hộ nông dân vay vốn đều có thu nhập tăng hơn trước khi tham gia mô hình, dự án vay vốn; qua đó hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể, liên kết trong phát triển kinh tế, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh



Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND các cấp đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai thực hiện. Đặc biệt, ưu tiên đối với những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay.


Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các ban, ngành có liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân. Bên cạnh đó, Hội ND tinht cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả.


Quỹ HTND được hoạt động với phương châm “phi lợi nhuận”, trở thành kênh tín dụng trợ giúp nông dân vay vốn với lãi suất thấp, ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Chính vì vậy, thời gian qua từ nguồn vốn vay Quỹ đã góp phần xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả cao tại địa phương.


Với những cách làm hiệu quả, Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát số hộ hội viên, nông dân cần được vay vốn. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ hội viên; xây dựng các dự án mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương, giúp hội viên vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.
 
Hội ND tỉnh đã tích cực chỉ đạo, điều hành và quản lý tốt nguồn vốn Quỹ HTND; thực hiện tốt công tác vận động, xây dựng và phát triển Quỹ.


Dựa trên cơ sở nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân, Hội ND tỉnh Hải Dương đã khảo sát địa bàn, đánh giá khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, lợi nhuận đem lại và hướng dẫn lập dự án vay vốn cho các mô hình vay vốn nhóm hộ.

 
Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân 201 dự án nhóm hộ, cho 2.734 hộ vay với tổng số tiền quay vòng và bổ sung 82,75 tỷ đồng.


Quy mô mỗi dự án từ 300 - 500 triệu đồng, định mức vay vốn từ 30-100 triệu đồng/hộ, vốn vay được đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thuỷ sản.Đến nay, tổng số nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 96,470 tỷ đồng, hỗ trợ cho 3.301 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh. 


Trong đó: Trung ương Hội ủy thác 16 tỷ đồng được triển khai tại 28 dự án; cấp tỉnh 40,5 tỷ đồng thực hiện ở 99 mô hình nhóm hộ; nguồn cấp huyện 16,2 tỷ đồng cho 523 hộ vay; nguồn cấp cơ sở hơn 23,7 tỷ đồng cho 1.155 hộ vay. Vốn được hình thành từ các nguồn: Ngân sách cấp 48,511 tỷ đồng; ủng hộ 17,477 tỷ đồng; bổ sung 14,482 tỷ đồng.


Hiện nay, đa số các mô hình dự án vay vốn Quỹ HTND trên địa bản tỉnh đều cho hiệu quả kinh tế cao, nông dân vay vốn sản xuất kinh doanh đều có lãi. Song song với hoạt động cho vay vốn, các cấp Hội ND đã gắn với tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. 


Cụ thể: Các cấp Hội đã tổ chức 310 lớp dạy nghề cho 10.933 lao động nông thôn, tổ chức 8.346 buổi tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ trong lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho trên 579.000 lượt người.


Tại địa phương, có nhiều mô hình dự án, hộ nông dân vay vốn điển hình làm điểm tham quan, học tập của nông dân trong tỉnh như: Mô hình sản xuất rau an toàn xã Nhân Huệ, thành phố Chí Linh, tổng số tiền vay vốn 500 triệu đồng, cho 13 hộ vay vốn, quy mô 46,8 ha, sản lượng 3,6 tấn/sào/năm, tổng thu 26,5 triệu/sào/năm, lãi 9,2 triệu/sào/năm; mô hình nuôi lợn thịt thương phẩm xã Nam Hồng, huyện Nam Sách, vay 500 triệu đồng, cho 13 hộ vay vốn, quy mô 1.000 lợn thịt/năm, doanh thu 7,3 tỷ đồng, lãi 2,1 tỷ đồng/năm….


Đến nay, toàn tỉnh có trên 117.000 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Các cấp Hội ND trong tỉnh đã xây dựng và đang duy trì hoạt động 99 chi Hội Nông dân nghề nghiệp và 259 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 7.995 hội viên, thành lập 457 mô hình kinh tế, 19 HTX, 438 tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết.


Nhiều mô hình được xây dựng với sản phẩm có bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ thuận lợi tại các siêu thị truyền thống và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử.


Từ tác động của hiệu quả sử dụng vốn Quỹ HTND đã góp phần không nhỏ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm. Các hộ nông dân vay vốn đều có thu nhập tăng hơn trước khi tham gia mô hình, dự án vay vốn; qua đó hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể, liên kết trong phát triển kinh tế, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

 
HTX Nuôi gà lai chọi Gia Lương ở xã Gia Lương, huyện Gia Lộc là một trong những mô hình điển hình do các cấp Hội ND hướng dẫn thành lập và hỗ trợ hoạt động.


Trước đây, nhiều người dân xã Gia Lương đã bắt đầu nuôi gà thương phẩm. Năm 2016, sau lớp học nghề chăn nuôi gia cầm do Hội ND huyện Gia Lộc phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức, Hội ND xã đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà lai chọn thương phẩm. Sau khi thành lập, Tổ hợp tác được vay 400 triệu đồng Quỹ HTND tỉnh.

 
Năm 2019, Tổ hợp tác phát triển thành HTX Nuôi gà lai chọi Gia Lương. HTX được vay 500 triệu đồng từ Quỹ HTND của T.Ư Hội. Mỗi hội viên được vay 40 triệu đồng để mua con giống, xây dựng chuồng trại hoặc thức ăn chăn nuôi.


Qua việc được vay vốn từ Quỹ HTND, các hội viên gắn bó với nhau hơn, thường xuyên trao đổi về kỹ thuật chăn nuôi và thị trường tiêu thụ, cùng nhau thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Hay tổ Hội sản xuất và tiêu thụ gà thương phẩm an toàn xã Tân Việt (huyện Thanh Hà) được Hội ND thành lập với 20 thành viên tham gia, tổng quy mô chăn nuôi 14 vạn gà. Để động viên, thu hút các thành viên tổ Hội nuôi gà ở xã Tân Việt tham gia thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi an toàn, Hội ND tỉnh Hải Dương cũng đã hỗ trợ vay các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ HTND, ngân hàng CSXH…

 
Thời gian qua, các thành viên trong tổ Hội đã cùng liên kết mua thức ăn, thuốc thú y và giống gà ri Hòa Phát (Phú Thọ) để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, tăng thu nhập. Nhờ liên kết chăn nuôi mà các thành viên đã giảm được giá thành sản xuất 1kg gà thương phẩm thấp hơn so với các hộ ngoài mô hình là 1.500 đồng/kg.


Mô hình trồng dưa, rau công nghệ cao trong nhà màng, chăn nuôi của ông Phạm Văn Quyện (xã Cổ Bì, huyện Bình Giang) cho thu nhập tiền tỷ/năm.

 
Với mô hình trồng dưa công nghệ cao trong nhà màng, nuôi cá trê, nuôi dê, ông Phạm Văn Quyện là điển hình nông dân sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ HTND tỉnh Hải Dương.


Trước đây, ông trồng rau màu theo phương thức truyền thống, vụ được mùa, vụ mất mùa do ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh. Thấy mô hình nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao, nên từ năm 2021, ông bắt tay vào thực hiện với diện tích ban đầu khoảng 1.500m2, tổng chi phí đầu tư gần 700 triệu đồng. Ông Quyện tập trung trồng dưa lưới và dưa chuột.


Ban đầu khi xây dựng mô hình, ông Quyện đã được Hội ND cho vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND. Có vốn, ông Quyện lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng nên cây phát triển tốt, bình quân mỗi vụ cho thu lãi khoảng 10 triệu/sào/vụ.


Cùng với mô hình trồng dưa, ông Quyện còn có 7.200m2 ao nuôi cá giống và cá thương phẩm chủ yếu là cá trê đồng, rô đồng. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán khoảng 2 tấn cá giống và 5 tấn cá thịt.


Ngoài ra, ông còn nuôi 60 con dê sinh sản và dê thịt. Hiện nay, tổng thu nhập từ mô hình trồng dưa, rau công nghệ cao, nuôi cá, nuôi dê, gia đình ông Quyện có khoản tiền gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, mô hình đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.


Hộ ông Nguyễn Xuân Cầu (phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn) vay 40 triệu đồng Quỹ HTND, kết hợp với nguồn vốn tự có của gia đình để đầu tư mô hình nuôi dê thương phẩm, quy mô 1.000 dê thịt/năm, lợi nhuận 400 - 500 triệu/năm. Hay hộ ông Bùi Bách Hải (xã Lai Vu, huyện Kim Thành) vay 40 triệu đồng từ Quỹ HTND đầu tư mô hình khai thác rươi, diện tích khoảng 6ha, cho thu nhập 20 triệu đồng/sào…


Từ các nguồn bổ sung vào Quỹ, đến nay Quỹ HTND xã Thái Dương, huyện Bình Giang đã phát triển được trên 160 triệu đồng. Tháng 10 năm 2023, Hội lại tiếp tục giải ngân cho 5 hộ vay. Đợt vay này, mức vay đã được nâng lên từ 20 triệu đồng/hộ tăng lên mức 30 triệu đồng/hộ. Các hộ vay vốn đều đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.


Về việc xây dựng Quỹ HTND xã luôn được cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương quan tâm. Mặc dù, một địa phương thuần nông, không có tổ chức doanh nghiệp, nguồn thu từ nông dân nghiệp là chủ đạo nên cũng không có nhiều nguồn lực. 


Những năm gần đây, năm nào đảng uỷ, UBND xã cũng quan tâm chuyển ngân sách cho Quỹ để HTND. Công tác quản lý Quỹ bảo đảm đúng nguyên tắc, theo Điều lệ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về quản lý HTND. Công tác trích, nộp, bổ sung các nguồn phí của Quỹ HTND bảo đảm đúng quy định.


Về công tác cho vay, Hội Nông dân xã Thái Dương thực hiện cho vay đúng đối tượng và có hiệu quả. Các hộ hội viên vay vốn rất phấn khởi, bởi có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế sản xuất. Nhiều hộ nhờ đó mà vượt qua khó khăn, vươn lên có cuộc sống ổn định.


Hộ anh Vũ Văn Mão, hội viên chi Hội Nông dân thôn Kinh Trang vay vốn từ Quỹ HTND xã và sử dụng vốn vay đúng mục đích vào việc phát triển mô hình chăn nuôi lợn thịt.


Trước đây, anh Mão đi làm thuê trên thành phố, năm 2016, anh về quê phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Năm 2019 bỏ nuôi lợn nái, tập trung vào nuôi lợn thịt. Sau khi có thêm nguồn vay từ Quỹ HTND xã được 20 triệu đồng, giúp anh có thêm vốn mở rộng chuồng trại chăn nuôi. Hiện anh có trại lợn rộng 400 m2, nuôi với quy mô hơn 100 con lợn thịt.


Anh Mão luôn tuân thủ nghiệm ngặt vệ sinh phòng trừ dịch bệnh, lắp camera để quản lý, luôn phun sát khử khuẩn khu vực chuồng trại đến việc ra vào trong trại. Tuy những năm gần đây, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh, ảnh hưởng rất nhiều đến việc chăn nuôi, nhiều hộ phải dừng nuôi do thua lỗ, dịch bệnh nhưng trại lợn của gia đình anh vẫn cầm cự vượt qua khó khăn. Lúc được giá, anh cũng lãi được từ vài chục triệu đến hơn trăm triệu đồng.


Các hộ được vay vốn đều được đề nghị từ các chi hội cơ sở, sau đó được thẩm định, nếu hội viên nông dân đủ điều kiện sẽ được giải ngân cho vay.


 Sau khi, giải ngân cho hội viên vay, các chi Hội đều giám sát việc sử dụng vốn vay. Hằng quý sẽ tiến hành thu phí từ các hội viên vay vốn từ Quỹ. Số tiền này cũng được bổ sung vào Quỹ. Sau 2 năm vay vốn, hội viên phải trả vốn vay cho Quỹ. Sau đó, Hội lại dùng vốn đó luân chuyển cho hội viên khác vay.


Ngoài thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và quản lý Quỹ HTND xã cho hội viên nông dân vay vốn, Hội Nông dân xã Thái Dương còn tiếp cận nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh để cho hội viên vay phát triển kinh tế. Vừa qua, Hội đã phối hợp với Hội cấp trên giải ngân 400 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh cho 10 hội viên vay, với mức vay 40 triệu đồng.


Anh Vũ Huy Bảo, chi Hội Nông dân thôn Hà Đông được vay 40 triệu đồng để phát triển mô hình cấy lúa cộng với phát triển dịch vụ cày, cấy, gặt thuê. Để phát triển mô hình, anh đầu tư mua 1 máy cấy, 1 máy gặt, 1 máy cày.


Hiện gia đình anh Bảo đang sản xuất lúa với trên diện tích 10 mẫu ruộng. Ngoài ra, anh còn làm dịch vụ cày, cấy, gặt cho bà con địa phương với diện tích 70 mẫu.


Vừa qua anh Bảo đã được Hội Nông dân xã "tiếp sức" cho vay vốn từ nguồn Quỹ HTND tỉnh. Có thêm vốn "tiếp sức" anh Bảo đã sử dụng vào việc đầu tư, mua nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Anh Bảo tin tưởng vào việc sử dụng đồng vốn vay cũng như việc hoàn trả lãi và gốc.


Thông qua hoạt động cho vay vốn từ nguồn vốn Quỹ HTND để thực hiện mô hình dự án, các hoạt động phong trào của Hội cũng không ngừng được đẩy mạnh và phát triển, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giầu và giảm nghèo bền vững.





 
Xuân Hòa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường