Bạc Liêu: Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương nhờ nguồn vốn Quỹ HTND
08:45 - 24/10/2024
(Quỹ HTND) - Nguồn vốn Quỹ HTND trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân tỉnh Bạc Liêu xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Nguồn vốn Quỹ HTND cho vay trồng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao


Nguồn vốn này cũng góp phần để tỉnh hoàn thành mục tiêu thu nhập của người dân vùng nông thôn. Để đưa vốn kịp thời đến hội viên, nông dân, các cấp Hội Nông dân đã tích cực giải ngân cho vay nhân rộng các mô hình lợi thế của địa phương; đẩy mạnh các hình thức vận động tạo nguồn vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản vay đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, đạt hiệu quả. 


Hướng hoạt động về cơ sở, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng đa dạng, thiết thực là phương châm được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh triển khai thực hiện. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt công tác phát triển nguồn vốn Quỹ HTND. 


Thông qua đó, các cấp Hội triển khai thực hiện có hiệu quả công tác Hội và các phong trào, tăng cường hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân, tạo động lực thi đua trong sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương.  


Hàng năm, công tác quản lý hoạt động cho vay và thu hồi nguồn vốn Quỹ HTND được các cấp Hội tập trung chỉ đạo thường xuyên theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, 100% nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh và Trung ương ủy thác được cán bộ Hội ND tỉnh trực tiếp giám sát việc giải ngân, đảm bảo nguồn vốn không bị tồn đọng, trên địa bàn không có nợ quá hạn. 


Qua hơn 10 năm hoạt động, lũy kế của nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bạc Liêu tính đến ngày 30/9/2024 đạt trên 31 tỷ đồng, đã giải ngân cho khoảng 2.500 hộ sản xuất, kinh doanh vay với 212 dự án. 


Các mô hình được nông dân áp dụng chủ yếu là nuôi sò huyết, nuôi dê, nuôi lươn, nuôi cua đinh, nuôi chồn hương, nuôi bò sinh sản cùng các mô hình trong lĩnh vực trồng trọt. Nhờ nguồn vốn này, nông dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã có điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập.

Tại tỉnh Bạc Liêu, vận dụng nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) thông qua việc đầu tư phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp địa phương tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, giúp chuyển đổi cơ cấu ngành nghề... Từ đó góp phần đạt các tiêu chí trong xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.    


Cùng với việc tập trung các nguồn lực đầu tư thực hiện xây dựng NTM như: Đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng cơ sở y tế đạt chuẩn, xây dựng trường học, cơ sở vật chất văn hóa...


Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) và công tác cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ngân hàng CSXH tỉnh Bạc Liêu.


Mười hộ hội viên nông dân xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) vừa được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân 200 triệu đồng để mua con giống, xây chuồng trại, mua thức ăn nuôi heo thịt. Mới đây, tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), 3 hội viên nông dân ấp Giồng Giữa B cũng được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân khoản vay 100 triệu đồng để trồng cây ăn trái trong nhà lưới. Nguồn vốn này giúp nông dân có thêm nguồn lực tài chính mở rộng quy mô sản xuất. 


Hội viên nông dân xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) cũng đã tiếp nhận 700 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để thực hiện 3 dự án sản xuất nông nghiệp. Từ nguồn vốn này, bà con thực hiện 2 dự án trồng lúa - màu và 1 dự án trồng rau cần. Dự án trồng lúa - màu ở ấp Tường 3B (xã Vĩnh Thanh) có 10 hộ hội viên tham gia, trong đó có gia đình ông Trương Văn Tâm.  Nhà ông Tâm có 1,5 công đất, sau khi được vay vốn 20 triệu đồng, ông mướn thêm 2 công đất mở rộng diện tích trồng rau má.


Mỗi tháng, gia đình ông thu hoạch khoảng 800kg rau má, với giá rau má thu mua tại ruộng như hiện nay là 7.000 đồng/kg, mỗi tháng nhà ông Tâm “bỏ túi” hơn 12 triệu đồng.  Có thời điểm, giá rau má lên đến 15.000 đồng/kg, thu nhập của người nông dân càng được cải thiện. Từ đó, nhiều nông dân bỏ canh tác lúa, chuyển hẳn sang trồng rau má, có lúc, toàn xã Vĩnh Thanh có hơn 80ha trồng rau má. Rau má trở thành “thế lực” mới trên đồng đất Vĩnh Thanh bên cạnh cây rau cần nước vốn đã nức tiếng gần xa. 


Có thể khẳng định, nguồn vốn Quỹ HTND đã tiếp thêm nguồn lực cho Hội Nông dân các cấp trong việc đưa nội dung hoạt động Hội vào thực chất, góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua do Hội phát động và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong phát triển nông nghiệp.
Thu Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng