Bắc Giang: Dư nợ cho vay tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3 nghìn tỷ đồng
15:23 - 27/05/2021
(Quỹ HTND)- Hội ND tỉnh và Ngân hàng No&PTNT tỉnh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (2016 - 2020) thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa Hội ND - Agribank về việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nguồn vốn tín chấp với ngân hàng NN&PTNT đã tạo điều kiện cho hàng chục ngàn lượt hộ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần xây dựng nông thôn mới

Đến hết năm 2020, Hội ND tỉnh cùng 10 đơn vị Hội cấp huyện và 174 cơ sở Hội đã triển khai hoạt động với Agribank cùng cấp. Hội đã thành lập và quản lý 1.124 Tổ vay vốn với gần 30.000 thành viên tham gia; dư nợ đạt trên 3.180 tỷ đồng (tăng gần 1.700 tỷ đồng so với năm 2016, tương đương 113,6%).
 

Quy mô vay vốn thông qua các Tổ vay vốn tăng lên rõ rệt. Hiện, bình quân dư nợ/ thành viên từ 49 triệu đồng tăng lên 106 triệu đồng; bình quân dư nợ/tổ từ gần 1,3 tỷ lên 2,8 tỷ đồng.
 

Các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với hệ thống Agribank trên địa bàn đẩy mạnh việc tuyên truyền, truyền thông đến cấp ủy, chính quyền, cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55, Nghị định số 116 của Chính phủ; các cơ chế tín dụng hiện hành khác của Agribank,...). Thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng được hai ngành phối hợp thực hiện như: Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ ngân hàng, sổ nghiệp vụ cho Tổ trưởng Tổ vay vốn, hỏi đáp về vay vốn thông qua Tổ,... với nội dung dễ hiểu, ngắn gọn để tuyên truyền đến hội viên, nông dân,...
 

Năm năm qua, hai ngành đã phối hợp tuyên truyền cho trên 490.000 lượt hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức 02 Hội thi "Nông dân tìm hiểu hoạt động Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT", "Hội ND đồng hành cùng Ngân hàng Nông nghiệp" theo hình thức sân khấu hóa từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh thu hút hơn 1.000 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia đem hiệu quả thiết thực. Đồng thời, phối hợp tổ chức 09 hội nghị tập huấn, tọa đàm cho trên 1.500 lượt cán bộ Hội và Tổ trưởng Tổ Vay vốn; có hơn 100 ý kiến đối thoại, trao đổi liên quan tới các chính sách tín dụng được lãnh đạo ngân hàng trả lời làm rõ, tháo gỡ khó khăn giúp đỡ các cấp Hội và hộ vay vốn (phí hoa hồng dịch vụ, bảo hiểm tiền vay, các dịch vụ chéo, hồ sơ vay vốn,...) Qua đó, giúp cán bộ, hội viên, nông dân nắm và hiểu rõ các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. 
 
 
Thông qua việc thực hiện tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn còn giúp nâng cao về năng lực quản lý tài chính của đội ngũ cán bộ Hội các cấp để quản lý tốt các nguồn tài chính của Hội. Hằng năm, các cấp Hội đã phối hợp với Agribank tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 100% cán bộ Hội cấp tỉnh, huyện, cán bộ Hội chủ chốt ở cơ sở và Tổ trưởng, Tổ phó Tổ Vay vốn; phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng chục nghìn lượt hộ hội viên nông dân, giúp các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hội ND tỉnh phối hợp tổ chức 23 lớp bồi dưỡng cho 3.032 lượt cán bộ Hội cấp huyện và cơ sở; Hội ND huyện, thành phố phối hợp tổ chức 65 lớp bồi dưỡng cho trên 7.500 lượt cán bộ Hội cấp cơ sở, chi Hội trưởng, Tổ trưởng Tổ Vay vốn. Thông qua công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đã nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình phối hợp giữa hai ngành. 
 
  
Song song với công tác tín chấp vay vốn để phát triển sản xuất, các cấp Hội đã phối hợp với ngành chức năng, doanh nghiệp tổ chức chuyển giao tiến bộ KHKT, cung ứng vật tư, phân bón, dạy nghề, quảng bá và giới thiệu tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, bao bì sản phẩm,... cho các hộ vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Đến nay, đã có trên 900.000 lượt hội viên, nông dân được tập huấn KHKT, công nghệ mới, cung ứng trên 30.000 tấn phân bón trả chậm, trên 50 máy nông nghiệp cho nông dân theo chính sách hỗ trợ lãi suất trong 03 năm; dạy nghề cho trên 10.000 lượt lao động; giới thiệu việc làm cho 5.000 lượt lao động. Ngoài ra, Hội phối hợp tổ chức 20 hội nghị tọa đàm giữa hộ nông dân với doanh nghiệp về liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp, xây dựng hàng trăm mô hình điểm; tổ chức 60 lớp tập huấn về khởi sự Hợp tác xã cho trên 4.000 người trong ban quản trị và những người có nhu cầu thành lập hợp tác xã; tuyên truyền, vận động các hộ vay vốn tham gia các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổ hợp tác, HTX sản xuất theo chuỗi giá trị.
 

Đáng chú ý đã thành lập 178 mô hình kinh tế tập thể; 15 mô hình liên kết, hợp tác, trên 500 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều, 200 tổ Hội ND nghề nghiệp, trên 30 chi Hội ND nghề nghiệp. Hội ND tỉnh tổ chức 2 lần sự kiện tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, bao bì một số sản phẩm chủ lực như: Ba kích tím Tây Yên Tử, na dai Nghĩa Phương, khoai sọ Khám Lạng,...
 

Thông qua các hoạt động trên giúp các hộ vay vốn mạnh dạn đầu tư, mở rộng nghề mới; củng cố nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn giúp tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của hội viên, nông dân; đồng thời, tạo được niềm tin, sự gắn bó giữa hộ vay với tổ chức Hội.. 
 

Công tác kiểm tra, giám sát chương trình phối hợp với Agribank cũng luôn được các cấp Hội chú trọng và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Hằng năm, Hội ND tỉnh đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động chương trình phối hợp; trong đó, chú trọng nội dung tăng trưởng và chất lượng tín dụng, hoạt động tổ vay vốn, sử dụng phí hoa hồng ủy thác, sử dụng vốn vay... Các cấp Hội đã tổ chức kiểm tra trên 2.000 cuộc; sau mỗi đợt kiểm tra, đều ban hành thông báo kết luận đối với đơn vị được kiểm tra; kiến nghị kịp thời với Aginbank cùng cấp để chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế. 
 

Hàng năm, các cấp Hội chú trọng, quan tâm công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Vay vốn. Bình quân có trên 95% các Tổ hoạt động khá trở lên, tỷ lệ nợ xấu bảo đảm. Từ nguồn vốn tín chấp với ngân hàng NN&PTNT đã tạo điều kiện cho hàng chục ngàn lượt hộ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần xây dựng nông thôn mới. 
 
 
Có thể thấy, hoạt động phối hợp giữa Hội ND và Agribank đã góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các Tổ Vay vốn chính là kênh dẫn vốn hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ vay được tiếp cận nguồn vốn và sử dụng các dịch vụ của Agribank nhanh chóng, thuận lợi, an toàn. Nguồn vốn đã hỗ trợ các hộ vay phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; qua đó hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở địa bàn nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ phát triển nhiều mô hình sản xuất, liên kết hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. 
 

Hồng Lĩnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường