Lạng Sơn: Đa dạng hóa các kênh hỗ trợ vốn cho nông dân
16:14 - 28/02/2024
(Quỹ HTND) - Thời gian qua, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, Hội Nông tỉnh đã thực hiện nhiều đề án và chính sách hỗ trợ về vốn, cây, con giống, quy trình sản xuất để nông dân từng bước xây dựng được mô hình sản xuất đáp ứng được yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Nguồn vốn Quỹ đã giúp hội viên, nông dân huyện Chi Lăng thu nhập từ 200 – 500 triệu đồng/hộ/năm


Theo đó, các cấp Hội đã chủ động tham mưu, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân”. Kết quả hiện đã phát triển nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đạt 1.850 triệu đồng triển khai 03 dự án cho 41 hộ vay với số vốn. 


Nguồn vốn Quỹ của tỉnh triển khai 08 dự án cho 166 hộ vay với số vốn 4.000 triệu đồng; Quỹ của cấp huyện triển khai 13 dự án cho 110 hộ vay với số vốn 3.200 triệu đồng.  


Luỹ kế Quỹ Hỗ trợ nông dân 3 cấp đã triển khai được 1.198 dự án cho 2.236 hộ vay, trong đó: Quỹ Trung ương Hội triển khai được 24 dự án/259 hộ vay; Quỹ tỉnh triển khai được 27 dự án/282 hộ vay; Quỹ cấp huyện 1.147 dự án/1.695 hộ vay. Nguồn vận động ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và cán bộ, hội viên nông dân đóng góp ủng hộ quỹ hỗ trợ nông dân và ngân sách nhà nước cấp được 3.077,262 triệu đồng.             


Bên cạnh đó, các cấp Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng nguồn vốn cho vay trong sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo. 


Kết quả đến nay tổng số dư nợ từ nguồn vốn uỷ thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 244,915 triệu đồng cho 170 hộ vay, nâng tổng số dư nợ cho vay lên 1.043,131 triệu đồng cho 17.263 hộ vay với có 544 tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân quản lý. Tổng dư nợ vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt gần 432 tỷ đồng cho 6.071 hộ vay với 268 tổ vay vốn.  


Trong quá trình cho vay, Hội ND thành phố luôn chú trọng khảo sát, lựa chọn đúng đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả. Các cấp Hội còn tích cực phối hợp với ngành chức năng trên địa bàn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh giúp cho hội viên, nông dân đầu tư đúng hướng. Hàng năm, tổ chức cho hội viên, nông dân đi tham quan các mô hình nông nghiệp hữu cơ làm ăn có hiệu quả, qua đó tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới và kinh nghiệm trong sản xuất.  


Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân học nghề, tổ chức được 97 lớp dạy nghề cho 3.232 hội viên nông dân được học nghề, sau học nghề đa số học viên đã vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình nâng cao thu nhập.  


Hướng tới người nông dân hiện đại trong giai đoạn công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay thì việc chuyển mạnh sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết hợp tác thành khối vững chắc nhằm thay đổi phương thức sản xuất là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, suốt năm qua Hội Nông dân tỉnh rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất theo từng chi, tổ hội nghề nghiệp có ứng dụng khoa học kĩ thuật vào trong quá trình sản xuất. Một trong những điều kiện tiên phong là tập huấn chuyển giao công nghệ, đi tham quan học hỏi mô hình. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.  


Các cấp Hội chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các công ty giống cây trồng, Công ty phân bón, vật tư nông nghiệp tổ chức tập huấn khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật về các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, vệ vệ công trông, vật nuôi, lâm nghiệp, chế biến nông sản cho hội viên nông dân, giúp cho hộ nông dân biết sử dụng các loại giống tốt, các biện pháp canh tác mới, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kết quả trong năm đã tổ chức được 389 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 18.329 lượt hội viên nông dân về chăm sóc mạ, phòng chống rét, tích trữ thức ăn trâu, bò; cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kỹ thuật trồng cây, chăn nuôi gia súc, gia cầm...  


Hội Nông dân các huyện đã phối hợp với công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp tỉnh triển khai cung ứng các loại giống, phân bón theo hình thức trả chậm nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nông dân kịp thời vụ sản xuất, nâng cao năng xuất, sản lượng cây trồng. Kết quả đã hỗ trợ được 32.822 tấn giống, 51.850,2 tấn phân bón các loại tạo điều kiện hỗ trợ nông dân kịp thời vụ sản xuất.  


Đồng thời, các cấp Hội còn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, sở, ngành cung cấp thông tin giá cả vật tư nông nghiệp, hàng hóa nông sản, tổ chức các hội chợ, triển lãm, trưng bày sản phẩm ở các địa phương nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm.        
     

Thời gian qua, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều gia đình hội viên nông dân huyện Văn Quan đã có vốn đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững. Gia đình hội viên Lương Văn Tương, thôn Việt Yên, xã Liên Hội được vay vốn từ Quỹ HTND huyện để phát triển chăn nuôi. Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng, gia đình đã đầu tư chuồng trại, nuôi 3 con lợn nái để chủ động con giống nuôi lợn thịt.


Anh Tương cho biết: Dù nguồn vốn vay không lớn nhưng Quỹ HTND đã giúp gia đình tôi có điều kiện đầu tư chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế. Không những vậy, tôi còn được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, phòng dịch bệnh và có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hộ khác… Qua đó, mỗi năm, tôi xuất bán 2 lứa lợn, trừ các chi phí, thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm.       
     

Hay như gia đình ông Lương Văn Vinh, thôn Khòn Cải, xã Liên Hội, năm 2019, ông được vay vốn từ Quỹ HTND 30 triệu đồng cùng với nguồn vốn của gia đình, ông đầu tư chăm sóc cây hồi với diện tích gần 1 ha, với kinh nghiệm cha ông truyền lại và áp dụng những kiến thức được tập huấn về trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cho cây hồi, ông áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 70 triệu đồng từ rừng hồi… 


Điển hình là anh Nguyễn Văn Chiến - thôn Co Hương, xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH đầu tư chăn nuôi ngựa. Đến nay, gia đình anh duy trì đàn ngựa bạch 6 con, hàng năm xuất bán mang lại thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm.


Ông Nông Văn Chỉ ở thôn Áng Mò, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định được vay 30 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện để trồng quế. 5 năm sau, gia đình ông tiếp tục vay 50 triệu đồng để mở rộng diện tích. Từ năm 2020, một phần cây quế của gia đình ông đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Có vốn, ông phát triển chăn nuôi để có thêm thu nhập và thoát nghèo.         


Những hộ trên chỉ là nhiều trong số hàng trăm hội viên hội nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ HTND để phát triển kinh tế. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội Nông dân huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND. Mặc dù nguồn vốn Quỹ HTND cho vay không nhiều, bình quân mỗi hộ được vay ở mức từ 20 đến 30 triệu đồng, nhưng với thời hạn cho vay 36 tháng nên các hội viên yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế góp phần nâng cao thu nhập.         
  

Có thể nói, nguồn Quỹ HTND đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Từ nhiều hoạt động có ý nghĩa đó, vị thế, uy tín của tổ chức Hội Nông dân các cấp ngày càng được khẳng định, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước.
Anh Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng