Quảng Ngãi: Tăng trưởng vốn Quỹ HTND đạt gần 62 tỷ đồng
11:28 - 16/01/2024
(Quỹ HTND) – Để thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn, các cấp Hội đã tích cực triển khai và tổ chức nhiều biện pháp đồng bộ nhằm phát triển nguồn vốn như: Tham mưu với cấp ủy, chính quyền cấp bổ sung từ ngân sách địa phương; vận động các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, các mạnh thường quân, hộ hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, hộ khá, giàu… tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ HTND đạt và vượt chỉ tiêu.


 
Trong năm, các cấp Hội đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong công tác xây dựng, quản lý, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND. Theo đó, trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng nguồn vốn do Hội ND tỉnh giao, ngay từ đầu năm, Hội ND các huyện, thị xã, thành phố đã cụ thể hóa và giao chỉ tiêu cho từng cơ sở Hội.



Các cấp Hội hướng dẫn nông dân xây dựng một số mô hình hợp tác và liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp nhằm sản xuất các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu quả về kinh tế


 
Các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đưa vào kế hoạch hàng năm trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp. Nhờ đó, thường xuyên nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ từ các cấp chính quyền trong tỉnh.

 
Năm 2023, ngân sách các địa phương đã cấp bổ sung cho Quỹ HTND các cấp 4.725 triệu đồng; trong đó, ngân sách cấp huyện phê duyệt bổ sung thêm 3.735 triệu  đồng; ngân sách xã cấp bổ sung 990 triệu đồng.

 
Đến nay, toàn tỉnh có 13/13 Hội ND huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng được nguồn Quỹ HTND. Cụ thể: Có 10 đơn vị cấp huyện đạt mức trên 01 tỷ đồng; 03 đơn vị cấp huyện đạt mức từ 500 triệu - 01 tỷ đồng.

 
Một số đơn vị Hội ND huyện, thị xã, thành phố đã tích cực triển khai tốt công tác vận động đã phát triển nguồn vốn đạt hiệu quả, số vốn huy động luôn ở mức cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra.

 
Điển hình như: Huyện Sơn Hà phát triển được nguồn Quỹ HTND đạt mức cao nhất với hơn 4.019 triệu đồng; huyện Bình Sơn đạt trên 2.828 triệu đồng; thành phố Quảng Ngãi đạt trên 2.119 triệu đồng…

 
Bên cạnh đó, 171/171 cơ sở Hội xây dựng được Quỹ HTND (đạt 100%), với tổng số tiền hơn 12.042 triệu đồng. Toàn bộ nguồn vốn trên đã được Hội ND cấp cơ sở chuyển về cho Quỹ HTND cấp huyện quản lý theo đúng Hướng dẫn số 841 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

 
Nhờ sự nỗ lực của các cấp Hội đã tích cực vận động và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp tăng trưởng nguồn vốn, năm 2023, nguồn vốn toàn tỉnh đã tăng trưởng thêm 5.708 triệu đồng (đạt 103,78% chỉ tiêu được giao); nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh hiện đạt 61.731 triệu đồng.

 
Trong đó, nguồn vốn do Trung ương Hội ủy thác 15.260 triệu đồng; nguồn ngân sách cấp 36.159 triệu đồng; nguồn ủng hộ đạt 6.606 triệu đồng; nguồn bổ sung từ kết quả hoạt động khác 3.705 triệu đồng.

 
Thông qua nguồn vốn vay, trong năm, Ban điều hành Quỹ HTND các cấp đã giải ngân 25.081 triệu đồng giúp cho 577 hộ hội viên, nông dân tiếp cận được với nguồn vốn triển khai thực hiện 143 dự án. Đồng thời, tham gia thực hiện các mô hình, dự án và có thêm điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế tại nhiều địa phương.

 
Cụ thể: Quỹ HTND tỉnh đã tiến hành giải ngân 8.500 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của Trung ương Hội để thực hiện 16 dự án cho 168 hộ hội viên, nông dân thuộc lĩnh vực chăn nuôi tham gia vay (nuôi bò lai sinh sản chiếm 93,75% và nuôi cầy vòi hương chiếm 6,25%); đồng thời, giải ngân 4.265 triệu đồng nguồn vốn của cấp tỉnh quản lí cho 76 hộ vay triển khai 08 dự án (dự án nuôi cá mú thương phẩm trong lồng; trồng hành, tỏi Lý Sơn; 06 dự án nuôi bò lai sinh sản).

 
Đối với Quỹ HTND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tiến hành giải ngân xong 7.760 triệu đồng cho 195 hộ hội viên, nông dân vay từ nguồn vốn cấp huyện; giải ngân 4.556 triệu đồng nguồn vốn của cơ sở cho 128 hộ vay để xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, đảm bảo kịp tiến độ và thời vụ xuống giống.

 
Nhờ việc hỗ trợ của các cấp Hội, hội viên, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất canh tác lúa cho năng suất thấp sang trồng các loại cây trồng khác giúp đem lại hiệu quả và giá trị cao hơn. Cùng với đó, việc dồn điền đổi thửa cũng được bà con nông dân đồng thuận tham gia, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 
Nhìn chung, nhiều mô hình khẳng định được hiệu quả kinh tế, các hộ vay vốn thu được sản phẩm chất lượng giúp gia tăng thu nhập, tiêu biểu như: Mô hình trồng hành tỏi ở huyện Lý Sơn; nuôi lợn thịt sạch đảm bảo vệ sinh môi trường ở xã Trà Xuân (huyện Trà Bồng); nuôi cá ở xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ)… Ngoài ra, còn có các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt được triển khai tại địa bàn nhiều huyện, thành phố.

 
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn hướng dẫn bà con xây dựng một số mô hình hợp tác và liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp nhằm sản xuất các mặt hàng nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu quả về kinh tế. Nhờ vậy, nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh đã có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.
 

Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp luôn được quản lý chặt chẽ theo đúng nguyên tắc và điều lệ. Lũy kế đến nay, tổng dư nợ trong toàn tỉnh đạt 57.007 triệu đồng đang giúp đỡ 1.471 lượt hộ hội viên, nông dân vay tại 362 dự án phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần gia tăng giá trị và lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích sản xuất.

 
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều mô hình hợp tác và liên kết sản xuất được xây dựng thành công, giúp các hộ nông dân có điều kiện vươn lên làm giàu. Tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã xuất hiện những mô hình phát triển kinh tế mới như: Mô hình trang trại tổng hợp cây ăn quả và chăn nuôi lợn; chăn nuôi thỏ, lợn, gà đồi, hươu lấy nhung, hoa lan, sinh vật cảnh, nuôi tôm thẻ chân trắng; mô hình tổ gặt đập liên hợp; mô hình mỗi xã một làng nghề…

 
Song song với việc hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, Hội ND tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng trên địa bàn hỗ trợ hội viên, nông dân kết nối liên kết cung ứng về vật tư sản xuất và con giống, xây dựng thương hiệu và quảng bá giới thiệu sản phẩm. 

 
Đồng thời, các cấp Hội trong tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Trung tâm khuyến nông, phòng Nông nghiệp của các huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật về chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho các hộ vay vốn. Từ đó, nhiều hộ gia đình tập trung phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao, nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

 
Từ các dự án vay vốn theo nhóm hộ, nhiều nơi đã xây dựng và thành lập được mô hình các Câu lạc bộ, Tổ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Qua đó, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch các vùng sản xuất, hình thành nên thương hiệu các sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương.

 
Một trong những đơn vị điển hình trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nhờ phát huy tốt nguồn vốn vay từ Quỹ HTND là Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức).

 
Với quyết tâm phát triển mô hình trang trại trồng nấm linh chi, bước khởi đầu xây dựng mô hình của anh Lê Giang Phong vô cùng gian nan và gặp nhiều khó khăn. Để theo đuổi đam mê sản xuất nấm, anh đã dành thời gian tìm đến các trại nấm linh chi ở ngoài miền Bắc để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật và đã thực hiện thành công.

 
Sau khi trang trại nấm đi vào hoạt động ổn định, anh lại muốn đầu tư phát triển lên quy mô lớn hơn nhưng gặp phải khó khăn do thiếu vốn đầu tư. Không lùi bước, anh Phong quyết định thành lập Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận có 12 thành viên tham gia do chính anh làm Giám đốc để huy động nguồn vốn trong bà con nông dân ngay tại địa phương.

 
Được sự trợ giúp của Quỹ HTND tỉnh, Hợp tác xã đã được phê duyệt và giải ngân cho vay 300 triệu đồng để đầu tư mua nguyên vật liệu. Đến nay, Hợp tác xã đã có 8 dòng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, mang lại doanh thu bình quân khoảng 3,5 tỷ đồng/năm.

 
Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình, hoàn trả nguồn vốn vay đúng hạn, năm 2023, Hợp tác xã tiếp tục được xét cho vay 500 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh. Nguồn lực đã giúp Hợp tác xã có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, phát triển thương hiệu nấm Đức Nhuận, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trong cả nước để gia tăng giá trị và lợi nhuận.

 
Từ sự trợ lực của nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã giúp thay đổi về nhận thức của hội viên, nông dân, mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phương thức sản xuất liên kết, nhóm hộ có cùng mục đích sản xuất kinh doanh, cùng ngành nghề. Từ đó, tạo nên những sản phẩm nông nghiệp có giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương.


 

Hàng năm, có trên 108.000 hộ hội viên, nông dân đăng ký. Trong đó, qua kết quả bình xét, có gần 74.000 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
 

Thông qua phong trào đã vận động hộ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tích cực tương trợ, giúp đỡ, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng chục ngàn lao động nông thôn; trực tiếp giúp đỡ cho 160 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh bình quân giai đoạn 2018 - 2022 còn 1,46%/năm.
Lê Thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường