|
Thông qua vốn Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân tháo gỡ khó khăn về vốn ban đầu để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và xóa nghèo bền vững ở các địa phương |
Trong thực hiện quá trình xây dựng mô hình dự án từ Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập tổ hợp tác, HTX, chi, tổ Hội nghề nghiệp.
Trước khi triển khai mô hình dự án, các cấp Hội tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dịch vụ vật tư nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Từ đó, các mô hình dự án được tiếp cận từ nguồn vốn Quỹ HTND đạt hiệu quả khá cao đã được nhân rộng.
Tổng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh Cà Mau hiện đạt trên 70 tỷ đồng, cho 3.787 hộ vay 407 dự án. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, Hội ND tỉnh còn chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ tham gia dự án, hỗ trợ nông dân; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc Hội ND các huyện, cơ sở thực hiện công khai, dân chủ các khâu lập dự án, thẩm định, cho vay.
Đồng thời xây dựng các dự án mới từ nguồn phân bổ và nguồn vốn quay vòng; chủ động đẩy mạnh việc tuyên truyền hội viên, nông dân, các tổ chức, cá nhân về mục đích, ý nghĩa hoạt động của Qũy HTND, tranh thủ nguồn ngân sách của địa phương để vận động tăng trưởng, phát triển nguồn vốn Quỹ đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Nhờ huy động các nguồn lực về vốn đã giúp hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hộ dân đã vươn lên phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, có thu nhập và cuộc sống ổn định.
Qua việc xây dựng các mô hình dự án đã giúp hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn; đồng thời, cán bộ Hội thường xuyên đi kiểm tra các mô hình, tận tình hướng dẫn giúp bà con nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.
Các mô hình dự án đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập cho các hộ trực tiếp tham gia dự án xây dựng mô hình điểm có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Thông qua vốn trên đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân tháo gỡ khó khăn về vốn ban đầu để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở các vùng nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và xóa nghèo bền vững ở các địa phương.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã trợ lực cho nhiều hộ nông dân cải thiện đời sống, có thu nhập ổn định. Từ những điển hình trong việc sử dụng hiệu quả vốn, Quỹ HTND góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các phong trào thi đua của nông dân, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của nông dân đối với phát triển nông nghiệp năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững. Từ kinh tế hộ đơn lẻ sang liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất chuỗi, từ coi trọng về số lượng sang coi trọng chất lượng, giá trị lợi nhuận cao gắn với phát triển bền vững, an toàn thực phẩm.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, tiên phong áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, quyết tâm tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới.
Các dự án vay vốn từ Quỹ HTND đã tạo điều kiện về nguồn lực cho hộ mở rộng quy mô, xây dựng các mô hình kinh tế hộ theo hướng liên doanh, liên kết, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi từ đó giúp nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần hình thành các tổ, nhóm liên kết trong sản xuất kinh doanh là tiền đề để phát triển các tổ hợp tác, HTX.
HTX Thương mại Dịch vụ Tiến Ðạt (Tiến Đạt), ở ấp Hòa Hiệp, xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi là một trong những mô hình điểm được nguồn vốn Quỹ HTND.
HTX được thành lập từ cách đây 3 năm, ngành nghề chính của HTX là nuôi tôm cá. Để tận dụng diện tích, một số hộ thành viên đã trồng bồn bồn kết hợp nuôi. Từ vài hộ cải tạo trồng thử bồn bồn có hiệu quả, nay đã nhân lên 21 hộ.
Thời gian qua, HTX nhận được sự quan tâm từ các sở, ngành, đặc biệt là Hội ND tỉnh, huyện. HTX được hỗ trợ vốn vay vốn Quỹ HTND 3 đợt với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng, kết hợp nguồn vốn vay từ ngân hàng CSXH mỗi hộ 20-50 triệu đồng, tạo hiệu quả đáng kể cho Tiến Đạt đầu tư phát triển nhiều mô hình kinh tế.
Hiện tại, mô hình trồng bồn bồn mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, Tiến Đạt đang hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm dưa bồn bồn vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần xây dựng thương hiệu, tạo đầu ra bền vững, nâng cao thu nhập cho xã viên.
Tại ấp Tân Hiệp (xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời), tổ Hội nghề nghiệp nuôi tôm quảng canh cải tiến có 10 thành viên tham gia nuôi tôm 2 giai đoạn. Hiện nay, để nâng cao thu nhập cho các tổ viên, đến nay, tổ Hội đã triển khai thêm mô hình nuôi chồn hương thương phẩm nhờ nguồn vốn của Quỹ HTND, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong nuôi trồng thủy sản, các tổ viên đã đoàn kết, cùng nhau học tập và chia sẻ kinh nghiệm hay để sản xuất có hiệu quả. Ở mô hình nuôi chồn hương, tuy mới hoạt động hơn một năm từ nguồn vốn Quỹ HTND (mỗi tổ viên được vay 10 triệu đồng đầu tư mua con giống) nhưng đến nay số chồn giống trong tổ đã nhân lên được 100-150 con.
Tại địa phương nhiều mô hình hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND được chọn làm điểm chỉ đạo và nhân rộng như: HTX sản xuất nước mắm Ngọc Trân tại khóm 5, thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân; HTX nuôi tôm sạch tại xã Hòa Tân, TP.Cà Mau; mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến sử dụng chế phẩm sinh học của chi Hội Nông dân nghề nghiệp ấp 5, xã Tân Thành, TP.Cà Mau; mô hình trồng bồn bồn kết hợp với nuôi cá đồng tại ấp 14, xã Khánh An, huyện U Minh; mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng tại khóm Rạch Gốc B, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển...
Thông qua xây dựng các dự án từ Quỹ HTND, các cấp Hội ND trực tiếp thành lập được 77 tổ hợp tác, 11 HTX; lũy kế đến nay, Hội Nông dân thành lập được 432 tổ hợp tác, 113 HTX, 745 tổ Hội và 36 chi Hội Nông dân nghề nghiệp. Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 287 HTX, với 4.426 thành viên và 990 tổ hợp tác, với 14.507 tổ viên.
Nhìn chung, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả vốn vay. Nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ có điều kiện để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, trở thành những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2023, có 64 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 1.545 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Nhận thấy lợi thế về nguồn đất nông nghiệp, điều kiện địa lý thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghiệp cao, Hội Nông dân xã Tân Thành (TP.Cà Mau) đã lập dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sử dụng nguồn Quỹ HTND, với mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ Israel và tiêu chuẩn VietGAP.
Theo đó, mô hình được thực hiện tại ấp 6, xã Tân Thành và khóm 4, phường Tân Thành, TP.Cà Mau, với 8 hộ tham gia, trong thời hạn vay là 36 tháng. Tổng số vốn thực hiện dự án là hơn 3,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của các hộ tham gia dự án là gần 2,5 tỷ đồng; vốn đề nghị vay Quỹ HTND tỉnh là 800 triệu đồng.
Dự án đặt mục tiêu định hướng nông nghiệp công nghệ cao cho địa phương; tạo việc làm và nâng cao mức sống cho nông dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Đồng thời triển khai, nhân rộng mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ trồng cây trong nhà kính, công nghệ tưới tiết kiệm nước có điều khiển tự động được cung cấp bởi các công ty nước ngoài từ ISRAEL.Từ đó, cung cấp sản phẩm dưa lưới nhiều chủng loại chất lượng cao, an toàn thực phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Dự án sẽ thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng hiện đại, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Mô hình trồng dưa lưới theo quy trình VietGAP nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện đưa sản phẩm sạch vào trong các siêu thị trên địa bàn.
Việc thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ Israel và tiêu chuẩnVietGAP”, các thành viên cùng tham gia sản xuất hợp đồng mua giống, phân bón cùng đại lý nên chi phí trong quá trình sản xuất giảm, hiệu quả kinh tế được nâng lên, chất lượng sản phẩm an toàn, đầu ra ổn định củng đã mang lại hiệu quả cho nông dân.
Khi kết thúc dự án mỗi hộ thu lợi nhuận thu bình quân được hơn 865 triệu đồng/8 thành viên, mỗi hộ thu về hơn 108 triệu đồng. Như vậy, sau 3 năm khi hoàn vốn có thể tự lực sản xuất từ năm thứ 4 đến năm thứ 6 có thể thu doanh thu cao.
Nhờ đó, nguồn vốn Quỹ HTND liên tục tăng trưởng hàng năm, góp phần giải quyết tốt tình trạng “khát” vốn của hội viên, nông dân trên địa bàn. Công tác vận động tăng trưởng Quỹ HTND luôn được các cấp Hội tập trung thực hiện với nhiều hình thức.
Sự quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí của UBND các cấp, mức tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND đã có sự phát triển rõ rệt qua từng năm.
Từ nguồn vốn này, nhiều hộ dân xây dựng mô hình sản xuất cho thu nhập khá. Trên địa bàn tỉnh hiện nay có nhiều dự án vay vốn Quỹ HTND cho hiệu quả cao. Nhằm tạo nguồn vốn cho nông dân, các cấp Hội ND trong tỉnh đã tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp xây dựng nguồn Quỹ HTND, trong đó chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ từ đóng góp xã hội hóa, đồng thời đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương, Quỹ HTND Trung ương bổ sung, ủy thác cho Quỹ HTND các cấp trong tỉnh.
Có thể nói, nguồn Quỹ HTND đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân trong tỉnh đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Qua đó, khẳng định được vai trò, vị thế của các cấp Hội trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới nhằm thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Hội trong hệ thống chính trị.