Huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
10:22 - 10/02/2024
(Quỹ HTND) - Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Hà Nam đã tích cực hỗ trợ hội viên vay vốn Quỹ Hỗ HTND phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ nguồn vốn vay này nhiều gia đình hội viên, nông dân có hoàn cảnh khó khăn đã xây dựng được các mô hình sản xuất bền vững.
Từ việc triển khai có hiệu quả các mô hình đã xuất hiện những gương nông dân tiêu biểu, những mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao 



Để nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội hàng năm xây dựng các mô hình điểm vay vốn Quỹ HTND với nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh còn lồng ghép việc giải ngân vốn Quỹ HTND với hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, thành lập các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.


Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc cấp một phần kinh phí từ ngân sách địa phương nhằm giúp tăng nguồn Quỹ HTND ngay tại cơ sở.


Trên cơ sở đó, Hội ND các cấp cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sớm đưa vào kế hoạch từ đầu năm và trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp. 


Quỹ HTND các cấp đều được quản lý, điều hành hoạt động chặt chẽ, đúng với điều lệ, quy chế quản lý Quỹ, không có nợ xấu hay chiếm dụng vốn. Nguồn vốn đã thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của nông dân tại địa phương.


Bên cạnh việc tập trung cho vay phát triển sản xuất, Hội còn chú trọng tới hoạt động tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả; đồng thời, thực hiện đúng các quy định về quản lý vốn, thu hồi nợ đến hạn nhằm bảo toàn và không ngừng tăng trưởng nguồn vốn.


Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hàng nghìn lượt hội viên, nông dân xây dựng thành công các mô hình theo phương thức nhóm hộ để cùng liên kết sản xuất, kinh doanh một loại sản phẩm giúp gia tăng giá trị.


Các mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND đều có tính khả thi và đạt hiệu quả, giúp phát huy được thế mạnh của các địa phương trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi của tỉnh và hiện đang được các cấp Hội tiếp tục triển khai nhân rộng trên địa bàn.


Bên cạnh đó, xuất hiện nhiều loại hình Tổ, nhóm nông dân liên kết, Hợp tác xã giúp phát triển hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo sự gắn bó liên kết, giúp đỡ nhau giữa các thành viên tham gia dự án cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Các mô hình kinh tế tập thể do hội viên, nông dân làm chủ đều duy trì và phát huy hiệu quả. Hàng năm, các cấp Hội đã phê duyệt, giải ngân nguồn vốn trên để kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo thêm việc làm cũng như thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở các địa phương ngày càng phát triển. 


Có nguồn lực hỗ trợ về vốn, nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh đã biết thay đổi cách thức sản xuất, chủ động, tích cực tham gia phát triển kinh tế; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa.


Bên cạnh hoạt động vay vốn, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn KHKT về: Trồng trọt, chăn nuôi; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cho  hội viên, nông dân nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Từ khi các cấp Hội triển khai việc xây dựng các mô hình dự án đã giúp hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, được tập huấn về khoa học kỹ thuật; đồng thời, cán bộ Hội thường xuyên đi kiểm tra các mô hình, tận tình hướng dẫn giúp hội viên, nông dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.   


Các dự án sử dụng nguồn vốn Quỹ HTND còn giúp chia sẻ giữa các thành viên tham gia dự án cùng nhau trao đổi về kinh nghiệm trong sản xuất... Từ đó, các mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, đời sống hội viên, nông dân có nhiều khởi sắc, thu nhập ngày càng tăng lên. Đặc biệt, Hội xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm và đưa tiêu chí phát triển nguồn Quỹ vào việc đánh giá, bình xét thi đua.


Cùng với đó, Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ; trong đó, chú trọng kiểm tra việc sử dụng vốn của các hộ vay, tổ chức thực hiện ủy thác cho vay vốn ở cấp cơ sở. Bên cạnh đó, để bảo toàn nguồn vốn Quỹ HTND, công tác kiểm tra, giám sát cũng được các cấp Hội tiến hành thường xuyên. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị đều triển khai tốt công tác quản lý, điều hành nguồn vốn Quỹ HTND.


Các cấp Hội đã quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn Quỹ giúp nông dân phát triển kinh tế, chỉ đạo Hội Nông dân các cấp trong tỉnh sớm tiếp cận Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND.


Trong năm, Hội đã tổ chức giải ngân 8 dự án vay vốn quỹ HTND Trung ương với tổng số vốn vay là 5,8 tỷ đồng cho 88 hộ hội viên nông dân vay; tổng dư nợ Quỹ HTND Trung ương là 13,6 tỷ, nguồn Quỹ tỉnh là 1,1 tỷ.


Các cấp Hội phối hợp với ngân hàng CSXH đôn đốc thu hồi các khoản nợ đến hạn, nợ quá hạn, kiện toàn củng cố các Tổ TK&VV; đến nay các cấp Hội quản lý 403 tổ TK&VV với 14.494 hộ vay với tổng dư nợ là 865,160 triệu đồng; thông báo kết luận của Ban Thường vụ HND tỉnh về kết quả kiểm tra hoạt động nhận ủy thác cho tại Hội Nông dân huyện Kim Bảng, Thanh Liêm và thành phố Phủ Lý; tổng hợp ý kiến đề nghị giải đáp về Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân.


Hội chỉ đạo thực hiện Chương trình phối hợp với chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và PTNT các cấp tỉnh, huyện trong thực hiện dịch vụ cho vay qua Tổ Vay vốn của Hội Nông dân theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; tổ chức ký kết và triển khai thực hiện các nội dung của Thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Hà Nam II về việc thực hiện dịch vụ cho vay qua tổ vay vốn của Hội Nông dân theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn tại 2 đơn vị Hội Nông dân huyện Bình Lục và Hội Nông dân Thanh Liêm bước đầu cho kết quả đáng ghi nhận.


Hội Nông dân huyện Bình Lục rà soát và thí điểm thành lập được 01 tổ TK&VV do Hội Nông dân quản lý với số dư nợ 18.804 triệu đồng cho 69 hộ vay vốn phát triển sản xuất.Thông qua các mô hình, dự án được triển khai từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp còn giúp hội viên, nông dân trong tỉnh tăng cường việc liên kết, thúc đẩy các phong trào do các cấp Hội phát động ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.


Hội hướng dẫn cho các hộ hội viên, nông dân đăng ký thực hiện danh hiệu “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp”, đã có 92.753 hộ đăng ký, trong đó Hội ND huyện Kim Bảng có 17.560 hộ; Hội ND huyện Thanh Liêm: 13.664 hộ; Hội ND Thành phố Phủ Lý: 12.420 hộ; Hội ND thị xã Duy Tiên: 12.050 hộ; Hội ND huyện Bình Lục: 13.600 hộ, Hội ND huyện Lý Nhân: 23.459 hộ. Đồng thời Hội còn duy trì và nhân rộng tổ chức các hình thức sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp;  thành lập Câu lạc bộ “Nông dân SXKD giỏi” thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm với 18 thành viên.


Từ việc triển khai có hiệu quả phong trào đã xuất hiện những gương nông dân tiêu biểu, những mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: Mô hình ông Trương Minh Ngọc – Chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Minh Ngọc, xã Xuân Khê; ông Nguyễn Văn Hiếu – giám đốc HTX Hải Đăng – thôn Bút Sơn – xã Thanh Sơn với mô hình nuôi cá sông trong ao và mô hình “Chăn nuôi lợn rừng” tại xã Thanh Sơn, diện tích 20ha; mô hình trồng na của hộ ông Lê Văn Bách – xã Ba Sao, mô hình kinh doanh dịch vụ vật tư nông nghiệp hộ bà Trần Thị Bảy - xã Ngọc Sơn, mô hình sản xuất bồn tắm gỗ - thùng gỗ sồi Minh Dũng của hội viên Phạm Công Tước tại làng nghề Đọi Tam – xã Tiên Sơn- huyện Duy Tiên.


Để xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các sản phẩm địa phương, các cấp Hội ND trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất  xây dựng tổ, nhóm hợp tác, phát triển kinh tế tập thể.


Các cấp Hội vận động nông dân duy trì thực hiện mô hình liên kết trong chăn nuôi; phát triển các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả trong nông nghiệp, trọng tâm là thành lập chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp, Tổ hợp tác.


 Hội thành lập được 15 mô hình kinh tế tập thể. Năm 2023, Hội ra mắt 03 mô hình  kinh tế tập thể: HTX rượu Whisky Tiên Sơn – Duy Tiên do hội viên Đinh Viết Hùng thôn Đọi Tam, xã Tiên Sơn làm Giám đốc HTX với 7 thành viên tham gia, số vốn điều lệ 2 tỷ đồng;  HTX nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái Gió Sông Hồng tại xã Mộc Bắc - Duy Tiên với 7 thành viên do ông Phạm Văn Thắng - Ủy viên BCH Hội Nông dân thị xã, hội viên sản xuất kinh doanh giỏi xã Mộc Nam là Chủ tịch HĐQT- Giám đốc Hợp tác xã; HTX mô hình nuôi giun trùn quế Thiên Ân, xã Phù Vân- Phủ Lý; THT nuôi ốc nhồi xã Phú Phúc-Lý Nhân với 22 thành viên; THT trồng dưa bao tử xã Bắc Lý-Lý Nhân  với 18 thành viên.


Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, đẩy mạnh phát triển nguồn vốn Quỹ các cấp theo tinh thần Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ HTND; chủ động tham mưu với cấp ủy, đề xuất với chính quyền cùng cấp hằng năm trích ngân sách bổ sung vốn Quỹ HTND phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước; tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ phát triển nguồn vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm các vi phạm, đảm bảo an toàn, minh bạch, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn; tăng cường phối hợp với các ngân hàng cung cấp vốn cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách để tăng cường nguồn lực cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, ưu tiên cung cấp cho các hộ sản xuất trong các mô hình kinh tế của Hội.
 



Kim Xuyên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường