Hà Nội: Tiếp tục đổi mới hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân theo hướng hiệu quả
(Quỹ HTND) - Nguồn vốn Quỹ HTND trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân thành phố Hà Nội xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hội Nông dân thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; giao chỉ tiêu vận động tăng trưởng Quỹ cho các cấp Hội; thực hiện hỗ trợ vốn đúng mục đích, đúng đối tượng. Ngay từ đầu năm, thành Hội đã giao chỉ tiêu tăng trưởng Quỹ HTND từ các nguồn, trong đó việc vận động tăng trưởng ở các cơ sở Hội là nhiệm vụ trọng tâm.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tổ chức hoàn thiện, lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị liên quan về Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân theo Nghị định số 37/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 của Chính phủ”; Báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố về triển khai Đề án “Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn đô thị ở nước ngoài gia đoạn 2024-2028".
Trong tháng 10, Ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân Thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội xây dựng, kiểm tra, thẩm định hồ sơ, dự án và ra quyết định chuyển tiền vốn vay cho huyện Thạch Thất với tổng số tiền 4.100 triệu đồng, của 772 dự án, cho 88 hộ vay. Thành Hội chỉ đạo các huyện, thị xã thu hồi vốn đến hạn và lập dự án quay vòng với số tiền với số tiền 29.375 triệu đồng, 62 dự án, 807 hộ vay.
Công tác phối hợp với các ngân hàng tiếp tục được tăng cường góp phần tạo vốn cho hội viên nông dân phát triển sản xuất. Thành Hội chỉ đạo các cấp Hội tiếp tục tăng cường phối hợp với ngân hàng CSXH, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến thời điểm ngày 30/9/2024, dư nợ NHCSXH đạt 4.077 tỷ 288,08 triệu đồng cho 72.297 hộ vay thuộc 1.864 tổ TK&VV; dư nợ NHNo&PTNT đạt 1.305 tỷ 829 triệu đồng cho 11.756 hộ vay thuộc 940 tổ liên kết vay vốn; dư nợ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt đạt 23 tỷ 480 triệu đồng cho 286 hộ vay thuộc 32 tổ liên kết vay vốn. Trong đó: Gia Lâm: 21.593 triệu đồng cho 253 hộ vay thuộc 24 tổ liên kết vay vốn; Đông Anh: 1.887 triệu đồng cho 33 hộ vay thuộc 07 tổ liên kết vay vốn.
Để quản lý nguồn vốn Quỹ HTND, Ban Thường vụ, Ban Điều hành Quỹ HTND thành phố đã sâu sát, cụ thể, tuân thủ các quy định của điều lệ Quỹ và pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt các khâu từ lựa chọn mô hình đầu tư, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân cho vay. Đồng thời kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án tại cơ sở; đặc biệt là phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho Hội cấp dưới và các cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ vậy, hầu hết các hộ hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả đồng vốn.
Các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt liên kết “4 nhà” giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, hướng tới cấp quốc gia, đưa các sản phẩm đặc trưng địa phương tới tay người tiêu dùng.
Hội Nông dân các huyện, thị xã phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách....được 34 cuộc cho gần 3.500 hội viên nông dân, cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia; phối hợp cung ứng hỗ trợ 12 tấn phân bón các loại hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất; Hội Nông dân các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây tổ chức tiếp nhận trên 1 tấn ngô gống, hạt rau giống do Viện Nghiên cứu Ngô và các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân khôi phục, phát triển sản xuất sau bão số 3.
Các cấp Hội phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng số cho nông dân; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông nghiệp, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cho 2.520 hội viên tham gia, trong đó Hội Nông dân Thành phố tổ chức 18 cuộc cho 1.260 cán bộ, hội viên nông dân (tại các huyện: Thanh Trì, Quốc Oai, Mê Linh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thạch Thất, Thanh Oai và thị xã Sơn Tây).
Tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân; tổ chức ra mắt 02 điểm kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín. Hội Nông dân các huyện: Thanh Oai, Thường Tín, Ứng hòa, Thạch Thất duy trì các hoạt động phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức các Phiên chợ điện tử, các buổi livestream giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, nông sản an toàn của địa phương.
Hội Nông dân Thành phố tổ chức tập huấn, tuyên truyền về nghiệp vụ kế toán Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 3.440 đồng chí cán bộ nghiệp vụ, chủ tịch Hội cơ sở, tổ trưởng, tổ phó tổ tiết kiệm vay vốn. HND huyện Chương Mỹ, Thanh Trì, thị xã Sơn Tây phối hợp với Trung tâm chính trị tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội cho 560 đồng chí cán bộ cơ sở Hội. Các cấp Hội chỉ đạo, hướng dẫn thành lập và ra mắt chi Hội nghề nghiệp và 07 tổ Hội nghề nghiệp với 107 thành viên tham gia trong lĩnh vực chăn nuôi tại thị xã Sơn Tây và huyện Thạch Thất. Kết nạp hội viên mới trong tháng tăng thêm 722 hội viên; tăng trưởng Quỹ hội thêm 414 triệu đồng (nổi bật tại một số đơn vị như: Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Gia Lâm).
Hoạt động Quỹ HTND đã có những tác động tích cực đối với kinh tế xã hội ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tham gia chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở nông thôn, cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng được các mô hình sản xuất cho thu nhập cao, nông sản có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần thực hiện thành công chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Được tiếp cận với nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hộ hội viên, nông dân vay có thêm nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; củng cố niềm tin, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho hội viên, nông dân. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục hoàn thiện Đề án thành lập, tổ chức hoạt động Quỹ HTND tỉnh và cấp huyện theo Nghị định số 37/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 của Chính phủ; Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn, tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; tiếp tục tham mưu vận động ủng hộ nguồn vốn ngoài ngân sách. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngân hàng giúp nông dân vay vốn và hướng dẫn nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả; Hội Nông dân tỉnh phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh thành phố khảo sát, tiến tới ký kết chương trình cho vay về các mô hình kinh tế tập thể sử dụng nguồn vốn từ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.