Nông dân là khách hàng chính của Agribank
16:01 - 28/03/2022
(Quỹ HTND)- Xác định phương châm “Nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính”, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đến nay, Agribank triển khai trên 68.000 tổ vay vốn với gần 1,5 triệu thành viên, dư nợ cho vay đạt gần 180.000 tỷ đồng.
Đồng vốn của Agribank đã góp phần tạo thêm nghề mới, khôi phục các làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn

Trong giai đoạn 2016-2020, Agribank đã ký 5.726 thỏa thuận hợp tác về cho vay qua tổ với các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có 2.028 thỏa thuận đã được ký với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp.


Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank luôn chiếm tỷ trọng khoảng 70% dư nợ cho vay nền kinh tế, chiếm 40% thị phần cho vay nông nghiệp, nông thôn của toàn hệ thống ngân hàng. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, tín dụng Agribank “phủ kín” đến 100% số xã trên cả nước. Agribank còn được biết đến là tổ chức tín dụng luôn phát huy vai trò tích cực trong phát triển kinh tế biển, là ngân hàng duy nhất có phòng giao dịch tại 9/13 huyện đảo, hỗ trợ cho 24.000 tàu cá ở 28 địa phương ven biển, phát triển đội tàu công suất lớn hiện đại đánh bắt xa bờ…


Với vai trò chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hoạt động của Agribank thực sự gắn với làng bản, xóm thôn và gần gũi với bà con nông dân. Đồng vốn của Agribank đã góp phần tạo thêm nghề mới, khôi phục các làng nghề truyền thống, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển hàng hóa, công nghiệp, dịch vụ… Agribank đã trở thành người bạn đồng hành, hỗ trợ vốn đắc lực cho bà con nông dân vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, tạo nên những thành tựu nổi bật về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

 
Agribank đã tập trung đầu tư vốn tín dụng cho tất cả các khách hàng là doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân kinh doanh thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2016 – 2020 dư nợ nông nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 13,7%/năm, tỷ trọng dư nợ nông nghiệp nông thôn trong tổng dư nợ nền kinh tế của toàn hệ thống duy trì ở mức gần 70%. 


Giai đoạn 2016 – 2020, doanh số cho vay ngành lúa gạo của Agribank đạt gần 250.000 tỷ đồng, dư nợ tăng đều qua các năm, đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo của cả nước.


Dư nợ cho vay lúa gạo đến 2020 đạt 23.651 tỷ đồng với trên 52 nghìn khách hàng chiếm tỷ trọng 2.81% trên dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 10%; cho vay cà phê dư nợ đến 2020 là 24.048 tỷ đồng với trên 70 nghìn khách hàng, chiếm tỷ trọng 4,68% trên dư nợ nông nghiệp nông thôn, bình quân tăng trưởng trên 11,8%/năm, trong đó 84,7% dư nợ cho vay cà phê tập trung trong lĩnh vực trồng, chăm sóc cây cà phê…


Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững, từ cuối năm 2011, Agribank đã triển khai cho vay thí điểm xây dựng nông thôn mới tại 11 xã và đã triển khai rộng khắp trên cả nước đến 100% số xã.


Đến 31/12/2020, Agribank triển khai cho vay gần 9000 xã với doanh số trên 2.862.225 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 2.824.047 tỷ đồng, dư nợ là 567.579 tỷ đồng. Nguồn vốn Agribank cho vay xây dựng nông thôn mới chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: chi phí sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn; sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. 


Agribank đã hỗ trợ giảm nghèo bền vững đối với 61 huyện nghèo với dư nợ hơn 580 tỷ đồng; cho vay theo Quyết định 63, 65, 68 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp với dư nợ hơn 1.270 tỷ đồng; cho vay tái canh cây cà phê với dư nợ hơn 240 tỷ đồng; cho vay chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 với dư nợ hơn 3.270 tỷ đồng…


Cũng từ nguồn vốn Agribank, những vùng chuyên canh sản xuất nông sản được hình thành và mang đến diện mạo mới cho nền nông nghiệp nước nhà: Vùng cây ăn quả ở Bắc Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, vùng lúa xuất khẩu ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng cây cà phê ở Tây Nguyên…


Bằng việc kết hợp Điểm giao dịch lưu động với cho vay qua tổ vay vốn, Agribank đã khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho “Tam nông”, cải thiện đời sống của người dân, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.
 

Minh Thư
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường