Ngân hàng CSXH huyện Phù Cát (Bình Định): Đồng hành cùng người nghèo vượt qua đại dịch Covid–19
(Quỹ HTND)- Vừa qua, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khó khăn. Trước tình hình đó, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Cát đã tích cực đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn vay nhằm kịp thời hỗ trợ bà con sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.
Nông dân vay vốn Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư trồng tiêu tại xã Cát Trinh
Hiện, với 13 chương trình tín dụng chính sách đang được triển khai trên địa bàn huyện, tính đến cuối tháng 8/2021, tổng dư nợ của đơn vị đạt hơn 584 tỷ đồng với trên 12 nghìn lượt hộ vay.
Mặt khác, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để hỗ trợ người nghèo vượt qua đại dịch, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Cho vay bổ sung, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ và cho vay mới đối với các hộ vay gặp khó khăn. Đồng thời, rà soát kịp thời và nắm bắt những hộ gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; từ đó, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác để hỗ trợ các hộ vay đúng quy định.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thiết ở Khu An Khương, thị trấn Ngô Mây vốn thuộc diện hộ cận nghèo. Có nghề buôn bán nhỏ lẻ tại chợ Phù Cát song từ ngày dịch bùng phát, việc buôn bán của bà ế ẩm hơn, đặc biệt khi trên địa bàn huyện xuất hiện ca nhiễm cộng đồng thì bà buộc phải nghỉ chợ để ở nhà.
Bà Thiết chia sẻ: “Cứu cánh” duy nhất bây giờ của gia đình bà chính là nguồn vốn vay ưu đãi của phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Bà sẽ sử dụng số tiền này đúng mục đích, cải tạo vườn tược, trồng thêm rau, nuôi gà để có nguồn thức ăn và tăng thu nhập cho gia đình.
Cùng với việc hỗ trợ vốn vay, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cũng thực hiện cơ chế xoay vòng vốn linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh, kịp thời theo mùa vụ.
Gia đình ông Mạc Như Bê ở thôn Phú Kim, xã Cát Trinh đã được hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư chăn nuôi. Nhận thấy hiệu quả từ việc chăn nuôi khá ổn định, năm 2021, ông Bê tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư mở rộng chuồng trại sản xuất.
“Giữa lúc dịch bệnh khó khăn như vậy, có được nguồn vốn này, tôi có thể nuôi thêm bò và lợn, vừa để tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình, vừa có nguồn thu nhập” ông Bê phấn khởi cho biết.
Ngoài việc bảo đảm giải ngân vốn vay cho các đối tượng khó khăn, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cũng tích cực phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền đến các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn về chính sách cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, ngân hàng đã cho 3 doanh nghiệp đóng trên địa bàn vay với số tiền gần 2 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho 600 lao động.
Bệnh cạnh việc chủ động đẩy mạnh công tác giải ngân nguồn vốn vay nhằm kịp thời hỗ trợ sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện còn tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm môi trường làm việc thông thoáng, cán bộ, nhân viên và khách hàng khi giao dịch phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, sát khuẩn tay, dụng cụ, trang thiết bị làm việc... huy động các nguồn lực để ủng hộ, chung tay cùng các cấp chính quyền địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh.