Nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả trong xoá đói giảm nghèo
12:23 - 11/08/2021
(Quỹ HTND)- Các chương trình tín dụng chính sách đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún dần sang sản xuất hàng hóa, từ kinh tế hộ đơn lẻ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi, từ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống dần sang ứng dụng khoa học công nghệ, từ coi trọng về số lượng sản phẩm sang chất lượng, giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững, thu nhập bình quân đầu người/năm được tăng lên qua các năm. 
Lãnh đạo Hội NDVN kiểm tra mô hình kinh tế nuôi cá hồi trên núi 

Thời gian qua, Hội Nông dân xã Buôn Tría, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhanh chóng đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; quản lý hiệu quả và giám sát việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.

 
Hiện nay, Hội Nông dân xã Buôn Tría đang quản lý 06 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ ủy thác đạt trên 9 tỷ 400 triệu đồng 211 hộ vay; không có nợ quá hạn; số dư tiết kiệm đạt trên 342 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hội viên nông dân đã phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
 

Từ hiệu quả của hoạt động ủy thác với NHCSXH đã có tác động tích cực đến chất lượng hoạt động Hội và phong trào nông dân của xã. Từ đó góp phần cùng chính quyền địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn xã còn 6,77%.

 
Đến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/người/năm; không còn nhà ở tạm bợ, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên; tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động khu vực nông thôn chiếm 91,4%. Năm 2020, Hội Nông dân xã Buôn Tría đã đạt danh hiệu cơ sở Hội xuất sắc.

 
Thời gian qua, Hội Nông dân thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đã chủ động và tích cực phối hợp với Phòng giao dịch NHCSXH thị xã Phước Long thực hiện hiệu quả công việc tại các điểm giao dịch xã.
 

Hiện nay, tại 7 điểm giao dịch xã-phường với 77 tổ TK&VV hoạt động rộng khắp trên địa bàn thị xã Phước Long đã đi vào nề nếp. Thông qua hoạt động tại điểm giao dịch xã, vốn tín dụng chính sách đã được đưa đến tận tay các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí đi lại và thuận lợi cho người dân khi tham gia các dịch vụ với Ngân hàng.

 
Tính đến hết tháng 7/2021 tổng dư nợ tại Phòng giao dịch NH CSXH thị xã Phước Long là 119.052 triệu đồng, tăng 4.457 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2020. Trong đó dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân thị xã là 39.254 triệu đồng, chiếm 33%/ tổng dư nợ của toàn thị xã, tăng 1.113 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2020 với 1.038 hộ vay vốn.Số dư tiền gửi tiết kiệm qua Tổ TK&VV là 3.400 triệu đồng, tăng 536 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2020.

 
Những năm qua, Hội Nông dân huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện triển khai vốn tín dụng ưu đãi để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 31/5/2021  tổng dư nợ ủy thác của Hội đạt 153,7 tỷ với 3.495 hộ vay thông qua 15 chương trình tín dụng chính sách; dư nợ bình quân đạt 44 triệu đồng/ hộ.
 
 
Để nâng cao hiệu quả và trách nhiệm của hội viên, nông dân trong việc sử dụng vốn vay, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền về các chương trình tín dụng chính sách, nêu rõ mục đích, ý nghĩa, đối tượng vay vốn của từng chương trình và trách nhiệm của các hộ vay; tiếp tục tuyên truyền phổ biến về tác động tiêu cực của tín dụng đen, ngăn ngừa tín dụng đen có liên quan đến các đối tượng vay vốn ảnh hưởng tới nguồn vốn tín dụng chính sách; Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích.

 
Vốn tín dụng chính sách đã và đang giúp hàng nghìn lượt hộ gia đình nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, trang trải chi phí học tập cho học sinh, sinh viên…Qua đó đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện các chương trình địa bàn huyện được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao.
 
 
Thông qua hoạt động ủy thác đã củng cố lòng tin của người dân vào Đảng, Nhà nước, tăng cường củng cố mối quan hệ mật thiết Đảng - Nhà nước - Nhân dân, trở thành động lực thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi; nâng cao đời sống cho hội viên nông dân; đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới.  
 

Minh Toàn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường