Thanh Hóa: Gần 260 nghìn hộ thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách
(Quỹ HTND)- Mười năm qua (2011 – 2020), hoạt động phối hợp với ngân hàng CSXH thực hiện tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được các cấp Hội tích cực triển khai.
|
Nguồn vốn tín dụng đã giúp 806.000 hộ nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập |
Tại Thanh Hóa, Ban Chấp hành Hội ND tỉnh đã tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của TW Hội NDVN và ngân hàng CSXH đến toàn thể cán bộ Hội chủ chốt, phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, nông dân. Hàng năm, ban hành các kế hoạch hành động của Ban Chấp hành Hội ND tỉnh; chỉ đạo Hội ND cấp huyện và cơ sở triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp với ngân hàng CSXH.
Căn cứ Văn bản thỏa thuận 3948 giữa ngân hàng CSXH với Hội NDVN, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh và TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Hội ND tỉnh cùng với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh ký văn bản liên tịch với ngân hàng CSXH tỉnh, thống nhất nội dung thực hiện công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Theo đó, hàng năm, trong các Nghị quyết, chương trình, nội dung thi đua của Ban Chấp hành Hội ND tỉnh luôn gắn việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội với việc thực hiện chương trình nhận ủy thác cho hội viên, nông dân vay vốn, coi đó là chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác Hội.
Hội ND các cấp đã cử cán bộ đại diện tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, huyện và Ban chỉ đạo cấp xã; phối hợp với ngân hàng CSXH và chính quyền chỉ đạo thành lập Tổ TK&VV, lựa chọn, đề xuất cán bộ Hội làm tổ trưởng Tổ TK&VV, hiện đạt gần 90% trong tổng số 2.417 Tổ TK&VV.
Đồng thời, Hội phối hợp chặt chẽ với ngân hàng CSXH trong việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định mới về hoạt động vay vốn thông qua Tổ TK&VV; tham gia các cuộc họp giao ban định kỳ, đột xuất với ngân hàng CSXH; tăng cường công tác huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV, giúp một số hộ vay vốn được ứng tạm để trả lãi nếu khó khăn và giúp người dân có ý thức trong việc trả lãi, gốc cho ngân hàng CSXH.
Để giúp nông dân có kiến thức sử dụng vốn có hiệu quả, Hội đã thông qua các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, phối hợp tổ chức hàng chục nghìn lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 300.000 hội viên, nông dân mỗi năm.
Đến hết năm 2020, dư nợ thông qua Hội ND quản lý đạt trên 3.404 tỷ đồng, cho 86.916 thành viên vay thông qua 2.409 Tổ TK&VV. Thông qua nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, thay đổi nhận thức, cách làm ăn của hộ nghèo. Nhờ đó, trong 10 năm qua, từ nguồn vốn tín dụng đã giúp 806 nghìn hộ nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước quen dần với cơ chế thị trường, góp phần đưa gần 260 nghìn hộ thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách; tạo việc làm cho gần 351 nghìn lao động; xây dựng gần 220 nghìn công trình cung cấp nước sạch và xây nhà vệ sinh hợp chuẩn; giúp cho gần 340 nghìn học sinh, sinh viên, con em nông dân vay vốn để đi học, góp phần thiết thực vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Được vay 50 triệu đồng chương trình tín dụng cho hộ nghèo từ ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Lộc, anh Nguyễn Trung Kiên ở thôn Khang Hồ, xã Ninh Khang đầu tư nuôi 4 con bò, 20 lợn thịt; xây dựng công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp gia đình anh phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Anh Vũ Ngọc Miền - thôn Khánh Vân, xã Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia vay 10 triệu đồng ngân hàng CSXH huyện đầu tư mua nguyên vật liệu làm chổi. Mỗi tháng gia đình anh làm khoảng 6.000 cái chổi bán chủ yếu ở thị trường Thanh Hóa - Nghệ An. Với đặc thù làm chổi đót nguyên liệu thu hoạch chỉ trong vài tuần, anh dự định vay thêm vốn để mua nguyên liệu dự trữ, sản xuất quy mô lớn hơn.
Ông Cao Văn Luyện - thôn Sơn Hải, xã Ninh Hải, huyện Tĩnh Gia được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH xây dựng cơ sở nuôi tôm thẻ. Hiện ông có cơ sở chế biến nông sản, nuôi tôm, làm nước mắm… tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động và hàng chục lao động thời vụ, trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế trong vùng.
Có thể khẳng định, thông qua hoạt động nhận ủy thác vay vốn từ ngân hàng CSXH, Hội đã tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao chất lượng phong trào, nội dung hoạt động, tăng số lượng hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; nâng cao vị thế, vai trò của Hội và giai cấp nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.