Đắk Lắk: Trên 3.400 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất
10:00 - 29/04/2021
(Quỹ HTND)- Mười năm qua (2011-2020), nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Hội ND các cấp đã góp phần đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân.
Nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Hội ND là công cụ hữu hiệu để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới


Công tác nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác luôn được Ban Thường vụ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội. Vì vậy, ngay sau khi ký Văn bản liên tịch với ngân hàng CSXH, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tập trung lãnh, chỉ đạo các huyện, thị, thành Hội tổ chức thực hiện những nội dung công việc nhận ủy thác. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách ưu đãi với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả trên các phương tiện thông tin, truyền thông như: Viết bài đăng trên các Bản tin công tác Hội phát hành đến 15 đơn vị cấp huyện, 184 cơ sở Hội và 2.469 công tác Hội; đưa tin trên Cổng thông tin điện tử của Hội để tuyên truyền nêu gương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác ủy thác và các hộ nông dân nghèo, đối tượng chính sách sử dụng vốn có hiệu quả. Hội còn tuyên truyền lồng ghép các chủ trương, chính sách, có cơ hội tham gia giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trong các đợt sinh hoạt chi Hội được trên 190.000 buổi cho hơn 16.350.000 lượt hội viên, nông dân.
 
 
Để thực hiện tốt các nội dung nhận ủy thác, công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ Hội ND các cấp và Ban quản lý Tổ TK&VV đã được các cấp Hội phối hợp với ngân hàng CSXH thực hiện. Cụ thể, Hội ND cấp tỉnh, huyện tổ chức tập huấn chuyên đề được 24 lớp cho 3.608 cán bộ cấp huyện, cơ sở, Ban quản lý Tổ TK&VV. 15/15 huyện, thị, thành Hội đã chủ động đưa nội dung hoạt động ủy thác vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng công tác Hội.
 
 
Để thuận tiện trong việc theo dõi, cập nhật thông tin, số liệu liên quan đến công tác nhận ủy thác, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã ban hành thống nhất từ tỉnh đến cơ sở bộ mẫu sổ quản lý chương trình nhận ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
 
 
Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra, giám sát cũng được các cấp Hội chú trọng triển khai. Hội ND tỉnh trực tiếp thực hiện 260 cuộc kiểm tra chuyên đề đối với 15 huyện, thị, thành Hội; 285 cuộc kiểm tra đối với cơ sở Hội, 361 Tổ TK&VV, 343 hộ vay vốn. Hội ND cấp huyện, cơ sở hàng năm đều xây dựng kế hoạch kiểm tra, phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ phụ trách chương trình và địa bàn thực hiện. Bên cạnh đó còn kiểm tra lồng ghép với các nội dung, chương trình công tác Hội theo định kỳ. Nhờ đó, hàng năm chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV ngày càng được nâng lên, từ chỗ năm 2005 chỉ có 22,3% Tổ TK&VV xếp loại tốt thì đến nay có 92,9% số Tổ TK&VV đang hoạt động do Hội ND quản lý xếp loại tốt, không có Tổ TK&VV xếp loại yếu; không có nợ xâm tiêu, chiếm dụng...
 
 
Đến nay, 15/15 Hội ND cấp huyện và 184/184 cơ sở Hội đã ký kết với Phòng giao dịch ngân hàng CSXH; vận động thành lập và quản lý 1.307 Tổ TK&VV theo địa bàn dân cư với 50.167 thành viên, thực hiện triển khai cho vay theo 18 chương trình với doanh số cho vay giai đoạn 2011-2020 đạt 3.415 tỷ đồng, giúp cho 192.179 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, nâng tổng dư nợ lên 1.639,5 tỷ đồng với 50.167 thành viên, tăng 812,5 tỷ đồng so với 31/12/2010, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 9,83%/năm; bình quân dư nợ đạt gần 109 tỷ đồng/huyện và 8,9 tỷ đồng/cơ sở Hội.
 
 
100% thành viên tham gia tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV đạt trên 84 tỷ đồng, bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm của mỗi Tổ đạt 65 triệu đồng và bình quân mỗi thành viên có số dư tiết kiệm 1,6 triệu đồng.
 
 
Chị H’Nhật Êban ở buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar được Hội ND xã tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng từ ngân hàng CSXH huyện để tái canh vườn cà phê 4 sào đã già cỗi. Sau 2 năm chăm sóc, vườn cà phê đã cho thu hoạch lứa đầu với hơn 4 tạ nhân. Số tiền lãi thu được, chị mua giống bơ, sầu riêng trồng xen trong vườn. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, gia đình chị đã thoát nghèo.
 
 
Hay bà Nguyễn Thị Thơm ở thôn 4, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar được vay 10 triệu đồng ngân hàng CSXH mua 4 con dê giống về nuôi. Sau hơn 1 năm, gia đình bà đã trả được nợ. Sau đó, bà tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, đàn dê của gia đình bà có hơn 30 con (có thời điểm lên đến 60 con), đem lại nguồn thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm.
 
 
Để giúp hộ vay sử dụng vốn đạt hoạt động cao, các cấp Hội còn tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, các nhà khoa học, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông – lâm – công tổ chức 7.783 lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 467.627 lượt hội viên, nông dân; 3.779 buổi hội thảo với 256.430 lượt hội viên, nông dân; xây dựng trên 200 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Từ những hoạt động này đã tạo sự lan tỏa, cuốn hút hộ nghèo tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đã thoát nghèo, đạt mức thu nhập cao, từng bước vươn lên làm giàu.
 
 
Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo Hội ND các cấp làm tốt hơn nữa công tác lãnh, chỉ đạo tổ chức thực hiện ủy thác, nhất là những cơ sở Hội chất lượng dịch vụ ủy thác còn thấp; đảm bảo thực hiện đầy đủ những nội dung nhận ủy thác đã ký với ngân hàng CSXH; tiếp tục tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Quang Tuấn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng