Kiên Giang: Duy trì hiệu quả hoạt động của Quỹ "Hỗ trợ nông dân"
18:08 - 21/11/2023
(Quỹ HTND) - Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp  đã chủ động tham mưu ban hành các văn bản kịp thời triển khai thực hiện Quỹ Hỗ trợ nông dân; phối hợp với các ban, ngành thực hiện các dịch vụ hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Đoàn công tác Ban Điều hành Quỹ HTND Trung ương làm việc tại xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.


Trong năm 2023, các cấp Hội kiện toàn các Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban điều hành nguồn vốn ủy thác ngân hàng CSXH và nguồn vốn Quỹ HTND. Đồng thời, ban hành Kế hoạch Kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác Ngân hàng năm 2023.


Tổng nguồn vốn Quỹ HTND đến nay được 48.041 triệu đồng (tăng 1.872 triệu đồng). Vốn NSĐP chuyển sang 23.435 triệu đồng (tăng 1.200 triệu đồng so đầu năm); vốn vận động ủng hộ 23.877 triệu đồng (tăng 558 triệu đồng so đầu năm); vốn bổ sung kết quả hoạt động 729 triệu đồng (tăng 115 triệu đồng so đầu năm).


Trên cơ sở nguồn quỹ Hội quản lý, căn cứ nhu cầu vay vốn và tỷ lệ hội viên nghèo, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu vay vốn của các hội viên nông dân; ưu tiên lựa chọn những mô hình, dự án phù hợp với tình hình phát triển nông nghiệp ở địa phương và ưu tiên các gia đình hội viên nghèo cần vốn phát triển sản xuất.


Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn cho  cán bộ hội, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý Quỹ hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho lượt hội viên nông dân được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân.


Hội Nông dân tỉnh thường xuyên đôn đốc các cấp hội kiểm tra, giám sát để đồng vốn vay được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả. Hội đang chỉ đạo hội nông dân các địa phương thực hiện cắt giảm các thủ tục rườm rà để đồng vốn nhanh chóng đến được hội viên nông dân. Chúng tôi đẩy nhanh tiến độ giải ngân của năm 2023; đôn đốc, thu hồi các nguồn vốn đã đến hạn trả để luân chuyển cho hội viên khác vay.


Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Sơn La, tiến hành rà soát, kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn ở các địa phương, nâng cao hiệu quả các nguồn vốn cho vay.


Theo đó, các cấp Hội còn phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội hưởng ứng đợt phát động gởi tiết kiệm cho Hội Nông dân cơ sở từ 28/4 đến 31/8/2023 cán bộ, hội viên đã chung tay góp sức gửi tiết kiệm được 7,4 tỷ đồng đạt 105% kế hoạch. Tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua Hội quản l‎ý đến ngày 31/9/2023 là 1.612 tỷ đồng, gồm 1.020 tổ TK&VV với 16.271 hộ còn dư nợ.


Hoạt động phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cũng được các cấp Hội chú trọng triển khai. Hiện, có 4/15 huyện ký chương trình phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Tổng dư nợ cho vay qua Tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý đến 31/5/2023 đạt 540 triệu đồng, gồm 01 tổ vay vốn với 6 thành viên tham gia.


Hội tiếp tục triển khai các hoạt động trả chậm hỗ trợ nông dân năm 2023 và những năm tiếp theo như: các sản phẩm phân bón hữu cơ, các sản phẩm chế phẩm vi sinh, sản phẩm túi bao trái cây ăn quả, sản phẩm sấy hoa quả... Vận động, hướng dẫn, giới thiệu, hỗ trợ nông hộ xây dựng nhà lưới, nhà kính, nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.


Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tạo điều kiện cho nông dân tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp như: Mô hình sản xuất VietGAP, liên kết sản xuất, tiêu thụ… để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Đồng thời, Hội xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn sản phẩm hàng hoá lớn chất lượng cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân yên tâm sản xuất và làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình.


Có thể nói, hoạt động hiệu quả của Quỹ hỗ trợ nông dân đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân; nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hoá, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng để tạo ra các loại nông sản hàng hoá, dịch vụ đạt chất lượng, hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Từng bước khẳng định, vai trò vị thế của tổ chức hội trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 
Anh Phúc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường