Tăng cường công tác hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân
16:56 - 08/10/2023
(Quỹ HTND) – Bằng nguồn vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều chương trình, dự án giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh tại địa phương.
 Thời gian qua từ nguồn vốn vay Quỹ đã góp phần xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả cao được nhân rộng trên địa bàn



Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội ND các cấp trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển và sử dụng đúng nguồn vốn Quỹ.


Trong quá trình bình xét cho vay, Hội tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu tham gia vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy hiệu quả.

 
Hội ND các cấp định hướng cho các hộ vay vốn sử dụng nguồn vốn vay, vận động hội viên tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Cán bộ Hội thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên, góp phần đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích, tránh thất thoát, nợ quá hạn. 

 
Hội ND tỉnh làm tốt công tác vận động, xây dựng, tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND trong nhiệm kỳ 2018 – 2023 đạt 5.968.970.000 đồng. Nguồn vốn trên giúp hội viên, nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và làm giàu bền vững, góp phần ổn định an ninh trật tự ở nông thôn.

 
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đạt trên 26 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn Trung ương ủy thác: 12,370 tỷ đồng; nguồn các cấp Hội trong tỉnh vận động: 13,079 tỷ đồng.


 Trong 5 năm qua, từ nguồn vốn Quỹ HTND cấp tỉnh và Trung ương đã giải ngân 33,843 tỷ đồng 760 hộ vay triển khai thực hiện 73 dự án. Mục đích sử dụng vốn của các dự án chủ yếu là cho các hộ vay để phát triển chăn nuôi, trồng trọt.


Cùng với việc hỗ trợ vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân kết nối liên kết cung ứng vật tư sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm.

 
 Nhờ tiếp cận được nguồn vốn đã giúp nhiều hộ gia đình phát triển sản xuất, nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi.


Hằng năm, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trong nhiệm kỳ đã có 53.130 lượt hộ đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.


Qua kết quả bình xét có 23.800 lượt hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, bình quân hằng năm có 10.626 hộ đăng ký, 4.761 hộ đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 
Tiêu biểu như: Mô hình trồng cây ăn quả của hộ của bà Trần Thị Rộng ở xã Dương Phong và ông Phùng Khắc Tuấn ở thị trấn Phủ Thông huyện Bạch Thông; mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trồng trọt - dịch vụ của hộ bà Nguyễn Thị Hồng Minh, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn; mô hình trồng rừng, vườn ươm giống cây lâm nghiệp của hộ ông Quản Trọng Quỳnh ở xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn; mô hình chăn nuôi của hộ bà Vũ Thị Thơm ở xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn; mô hình trồng cam, quýt xã Quang Thuận, Dương Phong, huyện Bạch Thông; trồng hồng không hạt huyện Chợ Đồn, chăn nuôi vỗ béo trâu bò huyện Pác Nặm; trồng bí xanh thơm huyện Ba Bể; sản xuất miến dong tại huyện Na Rì.


Nguồn vốn Quỹ HTND góp phần phát triển các hình thức sản xuất kinh tế tập thể theo hướng thành lập các tổ, nhóm liên kết để cùng sản xuất theo chuỗi giá trị, giúp mang lại năng suất và hiệu quả rõ rệt cho bà con nông dân.


Yên Cư là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Chợ Mới. Những năm gần đây, cây quế đã được người dân xã Yên Cư đưa vào trồng và phát triển thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập người dân. Tuy nhiên, do việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, thiếu vốn để đầu tư trồng quế nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh tế từ cây quế.


Để người dân có thêm nguồn lực mở rộng diện tích, Hội đã triển khai cho bà con vay vốn Quỹ HTND thực hiện dự án “Trồng và chăm sóc quế”, qua đó góp phần mở hướng quy hoạch và phát triển cây trồng theo hướng chuyên canh tập trung.


Thông qua nguồn vốn Quỹ, dự án trồng và chăm sóc quế được triển khai với tổng kinh phí là 550 triệu đồng /14 hộ tham gia với tổng diện tích ban đầu là 22 ha. Các hộ tham gia dự án được tập huấn khoa học kỹ thuật trước khi giải ngân. 


Kết quả sau 3 năm thực hiện, đến nay dự án kết thúc và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Kinh tế của các hộ gia đình từng bước được nâng lên, năm sau thu nhập cao hơn năm trước. Dự án giải quyết việc làm cho 13 lao động thường xuyên tại địa phương.


Ngoài ra, dự án đã thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở địa phương, số hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tăng qua các năm. Kết thúc dự án, các hộ vay vốn đã ủng hộ Quỹ HTND được trên 4 triệu đồng, đã thu hút thêm  nhiều hội viên, nông dân tham gia tổ chức Hội góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.


Điển hình như hộ ông Ma Văn Tuyến ở thôn Phiêng Dường Là một trong những hộ tiên phong đăng ký vay vốn Quỹ với số tiền vay là 50 triệu đồng để chăm sóc quế. Mặc dù ông đã trồng lâu năm nhưng do tập quán canh tác, kỹ thuật trồng quế còn lạc hậu nên cây kém phát triển, lợi nhuận chưa cao.


Khi được vay vốn, gia đình ông mua thêm các loại phân bón, tỉa cành, phát cỏ, chăm sóc theo đúng kỹ thuật được chuyển giao. Khi gia đình ông bắt đầu tiến hành khai thác tỉa. Trung bình mỗi cây cho giá trị khoảng 300 nghìn đồng. Với diện tích 2ha, ông đã thu về gần 200 triệu đồng.


Để cây quế cho thu hoạch ổn định, các hộ thường trồng theo hình thức gối vụ giữa các năm. Theo tính toán của người dân địa phương, với khoảng 2.500 cây/ha, giá trị ước đạt hơn 700 triệu đồng. Hiện nay, việc khai thác rất thuận lợi bởi cây quế cho tận thu từ vỏ, cành, lá đến thân gỗ. Khi sản phẩm được thu hoạch, nhiều doanh nghiệp, cơ sở đến tận nơi thu mua, bà con không mất nhiều công vận chuyển.


Thấy được hiệu quả tích cực, thu nhập cao từ mô hình trồng quế, Hội Nông dân xã đã tiếp tục xây dựng dự án quay vòng vốn, triển khai dự án trồng và chăm sóc quế với kinh phí là 600 triệu đồng cho 13 hộ vay.


Tổng diện tích trồng mới của các hộ tham gia dự án là 28,7ha nâng tổng số diện tích trồng quế của xã lên 409 ha. Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp các hộ trồng quế  tăng thêm thu nhập, tường bước vươn lên làm giàu và góp phần tích cực trong việc bảo vệ, phát triển rừng ở địa phương.

 
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp với ngân hàng CSXH và chỉ đạo Hội Nông dân huyện, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội; Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi phát triển Kinh tế - Xã hội góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh..


Hiện tổng dư nợ nguồn ngân hàng CSXH đạt 744,852 tỷ đồng/ 441 Tổ TK&VV/ 11.987 hộ, tăng 196,594 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ.


Đồng thời, Hội phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tín chấp cho hội viên vay vốn.  Hiện tổng dư nợ nguồn ngân hàng Nông nghiệp và PTNT đạt 140,194 tỷ đồng/90 Tổ Vay vốn/1.416 hộ, tăng 87,497 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ.


Nhằm hỗ trợ vốn sản xuất cho hội viên, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị, tạo điều kiện cho các hộ gia đình là hội viên được tiếp cận thêm nguồn vốn vay thông qua Tổ liên kết vay vốn, đến nay tổng dư nợ đạt 15,881 tỷ đồng/ 93 Tổ/803 hộ vay.


Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội Nông dân các cấp đã chủ động tuyên truyền sâu rộng tới hội viên, nông dân về vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội; thông tin, kiến thức về khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, các mô hình, các điển hình nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.


Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức 4.174 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh, sử dụng phân bón, cải tạo đất nông nghiệp cho 235.973 lượt hội viên trên địa bàn.


Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND và nguồn vốn của các ngân hàng đã phần nào đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ cho hội viên, hạn chế tình trạng tín dụng không hợp pháp ở nông thôn, từ đó mỗi năm có hàng nghìn hội viên, nông dân đã có thêm nguồn vốn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hình thành nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, là điểm thăm quan, học tập cho các hộ nông dân trong vùng.


Nhiệm kỳ tới, các cấp Hội đẩy mạnh tạo nguồn vốn cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, đảm bảo nguồn vốn ở các cấp đều tăng trưởng, sử dụng vốn đúng mục đích và gắn với xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng quy mô sản xuất hàng hoá, sản xuất an toàn, sản xuất theo chuỗi giá trị, các mô hình kinh tế tập thể; tiếp tục phối hợp với ngân hàng CSXH, ngân hàng NN & PTNT và các ngân hàng thương mại giúp cho hội viên vay và sử dụng vốn vay có hiệu quả; phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho hội viên nông dân. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành về tổ chức, thành lập và hoạt động Quỹ HTND, đảm bảo hoạt động hiệu quả; xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND cấp tỉnh, cấp huyện, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng nguồn nhân lực quản lý, điều hành Quỹ HTND các cấp theo hướng chuyên nghiệp.


 

Bảo Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường