|
Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi tập quán, phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng |
Công tác xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội ND tỉnh, nhiệm kỳ 2018- 2023, do đó hàng năm Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND cấp tỉnh và giao chi tiêu cho các đơn vị cấp huyện tham mưu cấp ủy, UBND cùng cấp bổ sung nguồn vốn Quỹ HTND.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa hoạt động Quỹ HTND đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hội viên, nông dân nhằm tạo sự đồng thuận, đóng góp, ủng hộ tăng trưởng nguồn vốn được các cấp Hội tích cực triển khai.
Ban Thường vụ ND dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tham mưu với UBND cùng cấp tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh. Nhằm nâng cao hiệu quả các dự án vay vốn Quỹ HTND, Hội ND tỉnh tập trung đầu tư các mô hình kinh tế theo thế mạnh từng vùng, từng địa phương, nhờ đó phát triển được nhiều mô hình kinh tế liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Nguồn Quỹ HTND đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Vốn Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hội viên nông dân nghèo trên địa bàn tỉnh đầu tư chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, nhờ đó vươn lên thoát nghèo trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Thông qua các mô hình, dự án được triển khai từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp còn giúp hội viên, nông dân trong tỉnh tăng cường việc liên kết, thúc đẩy các phong trào do các cấp Hội phát động ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.
Từ các phong trào thi đua và nguồn vốn hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã vượt khó vươn lên làm giàu. Đến nay, toàn tỉnh Lai Châu có 6.246 hộ đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét, số hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp 5.567 hộ.
Qua phong trào, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với các hộ nông dân nghèo đã trở thành nét đẹp trong sản xuất và đời sống văn hóa của cộng đồng nông thôn.
Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho trên 7.000 lượt lao động nông thôn có việc làm thường xuyên và theo mùa vụ; giúp đỡ về vốn, cây, con giống và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 2.000 lượt hộ nông dân nghèo.
Bên cạnh việc cho vay vốn, Hội ND các cấp còn phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân. Qua các hoạt động thiết thực của Hội ND tỉnh đã giúp hội viên nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, sử dụng vốn hiệu quả, có thêm điều kiện mở rộng quy mô phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề và chuyển giao khoa học công nghệ gắn với phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt gần 65 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như: Mô hình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn châu Âu; sản xuất miến dong theo công nghệ mới, tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường; mô hình nuôi hươu sinh sản và lấy nhung tại phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu; mô hình nuôi trâu, bò sử dụng đệm lót sinh học tại thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên…
Xã Tả Lèng, huyện Tam Đường có 9 chi Hội, với hơn 700 hội viên. Từ 1 tỷ đồng nguồn Quỹ HTND, địa phương đã bố trí cho 20 hộ vay vốn để thực hiện các mô hình nuôi trâu thương phẩm và nuôi ngựa sinh sản. Hiệu quả của các mô hình này đã giúp bà con có thêm thu nhập, việc làm, từ đó thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, gia đình ông Nông Văn Đức ở bản Nà Bỏ, xã Bản Giang, huyện Tam Đường đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình vườn - ao - chuồng. Có vốn, gia đình ông trồng hơn 1,5ha chè, 1ha ngô, 200 gốc bưởi, 80 gốc ổi.
Cùng với trồng trọt, gia đình ông còn nuôi hơn 20 con lợn, nuôi cá với diện tích mặt nước 4.000m2 và nuôi thêm gà, vịt... Mỗi năm từ mô hình vườn - ao - chuồng đã giúp gia đình ông thu nhập hơn 200 triệu đồng. Hiện, ông là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh của tỉnh, do vậy thời gian qua tỉnh đã có chính sách hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi, các cấp, các ngành đã kiên trì vận động nên đã tạo được phong trào làm chuồng trại, trồng cỏ và dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông; kiểm soát được dịch bệnh và hạn chế tình trạng trâu, bò chết rét đặc biệt là ở các xã vùng cao.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế của các dự án chăn nuôi trâu, thông qua triển khai cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ HTND, Hội ND tỉnh đã triển khai hỗ trợ nông dân xã Nùng Nàng – huyện Tam Đường xây dựng mô hình Tổ hợp tác nuôi trâu vỗ béo để liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong chăn nuôi, góp phần cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh việc hình thành các mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung có áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm. Đây là mô hình điểm và ngày càng được áp dụng rộng rãi tại các địa phương khác trong tỉnh.
Dự án “Nuôi trâu thương phẩm vỗ béo” được giải ngân với 13 hộ tại 02 bản Phan Chu Hoa, Xì Miền Khan tham gia vay vốn Quỹ HTND tỉnh, với tổng số vốn vay là 1.000 triệu đồng. Trong quá trình triển khai Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Tam Đường và cấp ủy, chính quyền xã, Hội Nông dân xã lựa chọn và bình xét các hộ tham gia mô hình điểm (ưu tiên các hộ có kinh nghiệm chăn nuôi trâu, có điều kiện về tư liệu sản xuất, có khả năng áp dụng tốt KHKT vào sản xuất, nhưng còn thiếu vốn), hoàn thiện hồ sơ dự án vay vốn, trong đó nâng mức vốn cho vay đối với các hộ tham gia (tối đa lên đến 100 triệu đồng/hộ).
Tham gia mô hình, các hộ còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu thương phẩm, kỹ thuật ủ phân và trồng cỏ. 100% hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích để làm mới, tu sửa chuồng trại theo đúng kỹ thuật, năm đầu mua 23 con trâu để vỗ béo xuất bán, trồng cỏ để chăn nuôi với diện tích 7.400 m2 (bình quân 570 m2/hộ). Qua triển khai thực hiện, trung bình mỗi năm, mỗi hộ vay vốn thực hiện 3 lần quay vòng vốn để đầu tư mua trâu vỗ béo và bán, mỗi lần bán lãi được từ 5 - 7 triệu đồng.
Tiêu biểu như: hộ ông Hầu A Tùng vay 90 triệu đồng, đã thực hiện mua – bán tổng cộng 09 con trâu, lãi thu về đạt 50 triệu đồng; hộ ông Vàng A Đằng vay 100 triệu đồng mua, bán tổng cộng 18 con trâu, thu lãi số tiền 90 triệu đồng; hộ ông Sùng Páo Ly vay 90 triệu đồng mua, bán tổng cộng 10 con trâu, thu lãi trên 50 triệu đồng. Việc thực hiện mô hình đã góp phần chuyển đổi tư duy trong chăn nuôi cho nhóm hộ, áp dụng KHKT vào chăn nuôi, các hộ chủ động được nguồn thức ăn cho trâu từ thức ăn thô xanh gồm các loại cỏ, phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn tinh như hạt ngũ cốc, cám, cùng với chủ động tiêm phòng dịch bệnh, giúp trâu khỏe mạnh, đạt trọng lượng tốt, chất lượng dinh dưỡng của trâu thịt được nâng cao.
Cho đến nay, Tổ hợp tác vẫn hoạt động tốt, với việc thành lập Tổ hợp tác giúp các hộ liên kết chặt chẽ, lâu dài trong các hoạt động, các hộ có thể thường xuyên trao đổi khoa học kỹ thuật, việc bán sản phẩm ra thị trường, nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Mới đây, Hội ND tỉnh đã giải ngân 1 tỷ đồng hỗ trợ 10 hộ (100 triệu đồng/hộ) đang thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn thị trấn Tân Uyên. Qua quá trình khảo sát ở các địa bàn trong tỉnh cho thấy Tân Uyên là địa phương có nhiều hộ có kinh nghiệm trong thực hiện các mô hình kinh tế; có chuồng trại chăn nuôi, sản xuất thực phẩm theo mô hình khép kín. Do đó, Quỹ HTND tỉnh lựa chọn Tân Uyên để giải ngân, phấn đấu đến năm 2025, các xã trong toàn tỉnh đều được hỗ trợ theo dự án này nhằm phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập.
Hiện nay, Hội ND huyện Tam Đường có 13 cơ sở Hội với 9.477 hội viên. Từ đầu năm đến nay, Hội ND huyện phối hợp với các chi Hội thực hiện 5 đợt thẩm định, giải ngân vay mới cho 38 hộ vay với số tiền 2,1 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND tại huyện lên trên 10,3 tỷ đồng.
Sau khi được nhận vốn, cán bộ Hội ND huyện hướng dẫn hội viên đầu tư vốn vay vào thực hiện các dự án như: Trồng bí đao xanh, cây chanh leo và nuôi cá, lợn thương phẩm theo hướng hàng hoá.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, những năm qua, Hội ND huyện chỉ đạo Hội ND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân sử dụng vốn vay đúng mục đích nhằm xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế gia đình hiệu quả. Từ đó, hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá.
Đến nay, Quỹ HTND ở Tam Đường đã giúp hội viên nông dân, nhất là nông dân có hoàn cảnh khó khăn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm ổn định, thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Hộ anh Giàng A Cháy - hội viên chi Hội ND bản Thèn Pả thuộc diện hộ nghèo của xã Tả Lèng. Từ khi, anh được vay 50 triệu đồng vốn Quỹ HTND, anh đã đầu tư thực hiện dự án nuôi ngựa sinh sản, thương phẩm.
Bên cạnh đó, anh còn được, cán bộ Hội ND huyện, xã hướng dẫn anh đầu tư vốn vay, xây dựng chuồng trại, mua 1 con ngựa sinh sản về chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Gia đình anh tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh; thay phiên nhau chăn dắt, bổ sung thức ăn ngô, thóc cho ngựa béo, khoẻ, sinh sản tốt.
Hiện, anh duy trì đàn ngựa 3 con sinh sản, phát triển tốt, dự kiến cuối năm sẽ bán 1 con ngựa thịt trị giá 20 triệu đồng. Anh nỗ lực chăm sóc đàn ngựa phát triển, giúp gia đình anh vươn lên ổn định cuộc sống.
Hay gia đình anh Vàng Văn Pìn - hội viên chi Hội Nông dân bản Cốc Pa, xã Bản Giang cũng được vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND để mua con giống, thuốc thú y, phát triển đàn lợn và nuôi cá thương phẩm theo hướng hàng hoá.
Có vốn, anh đầu tư vốn vay mở rộng quy mô chăn nuôi từ 10 - 15 con lợn thịt/lứa; đào ao, nuôi thả các loại cá trắm, chép, mè. Vừa qua, anh thu được trên 3 tấn cá thịt, trị giá 20 triệu đồng. Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả, kinh tế gia đình anh ngày cành khấm khá.
Thời gian tới, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mục đích hoạt động, của Quỹ HTND trong việc tạo vốn, hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân vay phát triển sản xuất kinh doanh, gắn với công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.