Hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng các mô hình hiệu quả
16:28 - 08/10/2023
(Quỹ HTND) -  Được Quỹ HTND tiếp sức, hàng nghìn lượt hội viên nông dân tỉnh Bình Phước đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đã giúp cho đông đảo hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn, kịp thời đầu tư cho phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn



Để tăng hiệu quả nguồn vốn vay, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh còn gắn việc cho vay vốn với công tác hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập các tổ, nhóm liên kết thực hiện sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Công tác quản lý cho vay và thu hồi vốn Quỹ luôn được các cấp Hội tập trung chỉ đạo thực hiện theo hướng dẫn. Đồng thời, nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh và Trung ương ủy thác 100% được cán bộ Hội ND tỉnh trực tiếp giám sát việc giải ngân. Do đó, nguồn vốn vay đảm bảo không bị tồn đọng, không có nợ quá hạn trên địa bàn.


Việc vay vốn từ Quỹ HTND đã giúp đỡ nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn có vốn phát triển sản xuất, từ đó có thêm việc làm và nâng cao thu nhập. Đặc biệt, nhờ phương thức cho vay theo dự án và phát triển các mô hình liên kết sản xuất cũng đã giúp các cấp Hội quản lý, bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.


Trong năm 2023, Quỹ HTND cấp tỉnh, huyện, xã phát triển mới được 9 tỷ 727 triệu đồng. Trong đó, nguồn ngân sách 8 tỷ 100 triệu, nguồn ủng hộ 01 tỷ 435 triệu đồng, nguồn bổ sung 192 triệu đồng) đạt 162% chỉ tiêu TW Hội giao, nâng tổng vốn Quỹ HTND toàn tỉnh là 103 tỷ 783 triệu đồng (trong đó nguồn TW Hội ủy thác 13 tỷ 840 triệu).


Từ nguồn vốn Quỹ HTND, hàng nghìn lượt hội viên, nông dân trong tỉnh được hỗ trợ kịp thời về vốn để có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, bà con còn được các cấp Hội hướng dẫn và khuyến khích chuyển đổi phương thức sang liên kết với nhau để cùng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản đạt chất lượng cũng như mang lại lợi nhuận cao.


Tổng  số nguồn vốn Quỹ HTND hiện đang giải ngân cho 891 dự án với 8.760 hộ vay phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. 


Các cấp Hội phối hợp ngân hàng CSXH triển khai thực hiện chương trình ký ủy thác. Đến nay, các cấp Hội đang quản lý 562 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn với 25.433 thành viên, dư nợ là 1.008 tỷ 111 triệu đồng.


Nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đã giúp cho đông đảo hội viên, nông dân được hỗ trợ vay vốn, kịp thời đầu tư cho phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhìn chung, các hộ vay vốn của Quỹ HTND đều sử dụng vốn hiệu quả trong phát triển kinh tế. Thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hộ gia đình đạt mức thu nhập tăng thêm.


Bên cạnh đó, các cấp Hội còn trực tiếp, phối hợp vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, duy trì phát triển các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, HTX; các câu lạc bộ nông dân triệu phú, nông dân tỷ phú. Từ đó góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới…


Đồng thời, các cấp Hội đã gắn kết chặt chẽ việc xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp và việc xây dựng Hợp tác xã vào việc xây dựng nông thôn mới của địa phương, đẩy mạnh việc hỗ trợ các dự án do Tỉnh Hội, Trung ương Hội vào việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ưu tiên cho vay vốn quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đối với các chi, tổ Hội nghề nghiệp và các Hợp tác xã vừa được thành lập.


Để phát huy hiệu quả Quỹ HTND, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh định hướng, lựa chọn mô hình phù hợp hướng dẫn hội viên xây dựng dự án vay vốn, đồng thời tăng cường chỉ đạo, giám sát thực hiện trình tự các khâu cho vay đảm bảo đúng quy trình. Sau khi giải ngân, Hội Nông dân tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn của các hội viên, đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích.


Vốn Quỹ HTND đã có những tác động rất lớn đến việc nâng cao nhận thức cho các hộ hội viên, nông dân, biết đầu tư tập trung phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi nhằm gia tăng thu nhập. Từ những điển hình trong việc sử dụng hiệu quả vốn, Quỹ HTND góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các phong trào thi đua của nông dân.


Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thị, thành phố; công ty, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc cây điều, cao su, kỹ huật chăn nuôi gia cầm được 150 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ cho gần 3.500 lượt người tham dự.


Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp chủ động tuyên truyền sâu rộng tới hội viên nông dân về kiến thức khoa học và công nghệ, các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, chú trọng tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm có chất lượng, an toàn; tuyên truyền hội viên nông dân truy cập và sử dụng mạng Internet giúp nông dân nắm bắt nhu cầu thị trường để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng kiến thức về khoa học, công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi.


Thông qua các mô hình, dự án được triển khai đã góp phần giúp hội viên, nông dân thay đổi về nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm. Qua đó, các hộ cùng nhau tập trung nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh giúp tăng năng suất, chất lượng và thu nhập.


Bên cạnh việc phát triển kinh tế hộ gia đình, Hội ND các cấp đã triển khai thực hiện các chương trình, tuyên truyền, vận động và định hướng cho hội viên tham gia các HTX, Tổ hợp tác, các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.


Đến nay, các cấp Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập được 20/16 HTX đạt 125% chỉ tiêu TW Hội giao (tổng số HTX hiện nay là 132 HTX); phát triển mới 55/38 tổ hợp tác đạt 144% so chi tiêu TW Hội giao (tổng số tổ hợp tác hiện nay là 226); phát triển mới được 21 chi Hội nghề nghiệp (tổng số chi Hội nghề nghiệp hiện nay là 369), 37 tổ Hội nghề nghiệp (tổng số tổ Hội nghề nghiệp hiện nay là 305), bước đầu các mô hình kinh tế tập thể hoạt động tương đối hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, đa phần nông dân đều tin tưởng, nhận thức ngày càng đúng đắn hơn về vai trò quan trọng của liên kết trong sản xuất nông nghiệp.


Thông qua các mô hình, dự án được triển khai từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp còn giúp hội viên, nông dân trong tỉnh tăng cường việc liên kết, thúc đẩy các phong trào do các cấp Hội phát động ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là phong trào sản xuất kinh doanh giỏi.


Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục được xác định là phong trào trọng tâm của Hội. Phong trào thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân tham gia, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế.


Các cấp Hội Nông dân toàn tỉnh tổ chức vận động, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Qua phát động phong trào, đến nay đã có 50.409 hộ nông dân đăng ký phấn đấu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và qua bình xét cuối năm đạt trên 29.621 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. 


Phong trào nông dân thi đua sản, xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tiếp tục phát triển, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh; đầu tư mở rộng từng bước hình thành các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại tổng hợp, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Được Quỹ HTND "tiếp sức", nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi của nông dân đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình hội viên.


Hội Nông dân xã Thanh Phú, thị xã Bình Long hiện đang thực hiện 4 dự án vay vốn Quỹ HTND với tổng số vốn 1,6 tỷ đồng. Qua quá trình tiếp cận vốn Quỹ HTND, bà con nông dân đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo chương trình, dự án, như trồng sầu riêng, dưa lưới, nuôi dê…


Đặc biệt, thời gian qua, tổ canh tác sầu riêng và sản xuất sen Đa Lộc của xã Thanh Phú được tiếp cận vốn vay từ Quỹ HTND đã có thêm nguồn lực đầu tư phân bón để phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ.


Từ nguồn vốn này nhiều hộ dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Được Hội Nông dân xã giới thiệu, gia đình ông Nguyễn Hồng Sơn được vay Quỹ HTND 50 triệu đồng từ Quỹ HTND. Có vốn ông có điều kiện cải tạo 1,3ha vườn tạp sang trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao.


Hiện nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn huyện Lộc Ninh đạt hơn 10 tỷ đồng, đã giải ngân cho 343 hộ vay phát triển kinh tế. Trong đó, hỗ trợ 178 hộ hội viên tại các xã khó khăn, vùng biên giới, đặc biệt ưu tiên các hộ dân tộc thiểu số với số vốn gần 2,8 tỷ đồng.


Quỹ HTND huyện được triển khai đến 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, có những xã được vay 2-3 vòng. Đặc biệt, Hội ND huyện ưu tiên các xã khó khăn, biên giới, nhất là các hộ dân tộc thiểu số đảm bảo điều kiện để phát triển sản xuất, đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương.


Hội Nông dân huyện Lộc Ninh là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc quản lý, giải ngân vốn vay Quỹ HTND. Gia đình anh Điểu Vức ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh được vay 30 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện cùng với sự tư vấn của cán bộ hội, anh Vức bán 2 con bò cỏ và bù thêm mua cặp bò lai giống.


Anh Vức cũng thay đổi cách chăn nuôi, trồng cỏ để nuôi bò thay vì chăn thả tự nhiên như trước. Sau 3 năm, đàn bò của gia đình anh đã tăng lên 7 con, con lớn có giá bán từ 20-25 triệu đồng, giá trị đàn bò cũng tăng lên gấp nhiều lần so với trước. Mô hình giúp cuộc sống gia đình anh ngày càng ổn định.


Qua chương trình, dự án hỗ trợ vốn vay mua bò giống của Hội Nông dân huyện cùng với công tác tư vấn, tuyên truyền, vận động, người dân đã nhận thức và thay đổi tập quán chăn nuôi cũ. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường vùng nông thôn.


Ngoài hỗ trợ vốn và tư vấn giúp bà con chuyển đổi sang nuôi giống bò có giá trị kinh tế cao hơn, cán bộ hội nông dân các cấp ở huyện Lộc Ninh còn lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân di dời chuồng trại gia súc ra xa nơi ở, khu dân cư. Qua đó đã làm thay đổi tập quán chăn nuôi của bà con, đồng thời góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới vùng biên.


Nhìn chung, những mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND đã được các hộ hội viên, nông dân đầu tư sử dụng đúng mục đích, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo thêm việc làm cho các lao động nông nhàn, góp phần ổn định an ninh trật tự tại các địa phương. Hoạt động Quỹ HTND ngày càng khẳng định vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng đối với công tác Hội và phong trào nông dân. Nhờ khai thác hiệu quả nguồn vốn vay qua Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân liên kết sản xuất hiệu quả.

 

Mai Ngọc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng