(Quỹ HTND) - Những năm qua, Quỹ HTND các cấp trên địa bàn tỉnh Hà Nam thực hiện tốt việc hỗ trợ nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, giúp nông dân có điều kiện xây dựng những mô hình phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
|
Được tiếp cận với nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hộ hội viên, nông dân đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng phát triển |
Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; giao chỉ tiêu vận động tăng trưởng quỹ cho các cấp Hội; thực hiện hỗ trợ vốn đúng mục đích, đúng đối tượng.
Hội ND tỉnh quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND. Tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh đạt trên 32,5 tỷ đồng, trong đó Trung ương Hội uỷ thác 13,6 tỷ đồng, Quỹ cấp tỉnh 1,1 tỷ đồng, còn lại là Quỹ cấp huyện và cơ sở. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các ngân hàng thực hiện tín chấp trên 802 tỷ đồng hỗ trợ hàng nghìn nông dân vay vốn.
Hội ND tỉnh tổ chức tốt các phong trào nông dân mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành thương hiệu của Hội.
Đồng thời, các cấp Hội ND trong tỉnh còn tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng thành công các mô hình nông dân phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững; đưa việc xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững ở nông thôn.
Bình quân hàng năm có 93.668 hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, qua bình xét có 48.145 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình năm 2022 đã có 54.405 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Ngoài ra, Hội ND tỉnh cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý Quỹ HTND các cấp có trình độ, năng lực chuyên môn tốt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ, góp phần đẩy mạnh hoạt động của hội và phong trào nông dân.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh tích cực hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 142 mô hình kinh tế tập thể với 2.866 thành viên vượt mức chỉ tiêu đại hội, nhiều mô hình hoạt động có chiều sâu hiệu quả.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình nông dân liên kết sản xuất, kinh doanh. Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, hội viên nông dân đã thay đổi tư duy từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tăng giá trị nông sản.
Điển hình như các mô hình Tổ hợp tác: Chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt theo hướng an toàn sinh học ở xã Bối Cầu, huyện Bình Lục; chăn nuôi bò sinh sản ở xã Phú Phúc; phát triển nghề dệt vải ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân; trồng và chăm sóc bưởi Diễn chất lượng cao ở xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên; chăn nuôi lợn ở xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng...
Để vốn Quỹ phát huy hiệu quả, các cấp Hội còn gắn kết việc cho vay vốn với các chương trình khác như khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề; phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Đồng thời tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án từ Quỹ HTND đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh việc phát huy và sử dụng Quỹ HTND hiệu quả, các cấp Hội còn phối hợp với các ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh Hà Nam đã có hơn 9.000 hội viên nông dân thoát nghèo.
Quỹ HTND là một trong những nguồn tín dụng quan trọng, trợ giúp nông dân tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Thông qua nguồn vốn này, các địa phương đã hình thành những tổ hợp tác, nhóm hộ liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với ưu tiên hỗ trợ vốn cho các dự án, Quỹ HTND các cấp còn tạo điều kiện để hội viên, nông dân có cơ hội tập huấn khoa học kỹ thuật, kiến thức quản lý, kinh doanh.
Trong quá trình bình xét cho vay, Hội phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các hộ có nhu cầu, trong đó ưu tiên lựa chọn những hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy nguồn vốn.Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án sau khi triển khai đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, từng bước giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Anh Nguyễn Như Lâm là một trong 10 thành viên của Tổ sản xuất và kinh doanh mộc dân dụng xã Nhật Tân (huyện Kim Bảng) được vay 40 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND.
Có vốn, anh đầu tư cải tiến máy móc để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hiện xưởng gỗ của anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm.
Khi Quỹ triển khai cho vay vốn, Tổ sản xuất và kinh doanh mộc dân dụng xã Nhật Tân đã được thành lập, 10 thành viên của Tổ được vay vốn 40 triệu đồng/hộ.
Tham gia vào Tổ, các thành viên đã hỗ trợ nhau rất nhiều, từ trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thống nhất về nơi nhập nguyên liệu đầu vào đến giá cả, thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Từ nguồn vốn vay Quỹ HTND, chị Phạm Thị Hạnh là một trong 10 hội viên, nông dân của Tổ hợp tác chăn nuôi thủy sản xã Tượng Lĩnh (huyện Kim Bảng) đã đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn, cải tạo ao nuôi thả cá. Đàn lợn của gia đình luôn duy trì hơn 100 con/lứa, diện tích mặt ao thả cá 1,6 mẫu. Mỗi năm gia đình thu lãi gần 200 triệu đồng.
Được tiếp cận với nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều hộ hội viên, nông dân vay có thêm nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; củng cố niềm tin, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho hội viên, nông dân.
Hoạt động Quỹ HTND đã có những tác động tích cực đối với kinh tế xã hội ở nông thôn, góp phần giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tham gia chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở nông thôn, cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng được các mô hình sản xuất cho thu nhập cao, nông sản có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần thực hiện thành công chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.