(Quỹ HTND)- Gắn bó và tâm huyết với nghề trồng dâu nuôi tằm từ những năm đầu tiên cây dâu bén rễ trên đất xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, nhiều hộ dân trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
|
Nguồn vốn Quỹ HTND được hội viên, nông dân đầu tư trồng dâu nuôi tằm đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao |
Để tạo điều kiện giúp nông dân trong xã tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và mở rộng chăn nuôi, nâng cao thu nhập, tận dụng lao động nhàn rỗi, Hội ND xã Việt Thành lập dự án “Trồng dâu nuôi tằm” quy mô nhóm hộ để vay vốn nguồn Quỹ HTND Trung ương.
Việc xây dựng nhóm hộ nông dân liên kết phát triển chăn nuôi dâu tằm góp phần chuyển đổi nhận thức của nông dân trong xã từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung thành tổ liên kết nhóm hộ theo hướng hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm cho các hộ có thu nhập từ 56 triệu đồng/người/năm trở lên. Đồng thời, phổ biến trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong trồng dâu nuôi tằm, đảm bảo chất lượng hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân và nhân rộng mô hình trên địa bàn xã.
Từ những hiệu quả kinh tế đem lại, đầu năm 2022 Hội ND xã Việt Thành tiếp tục xây dựng dự án “Trồng dâu nuôi tằm” cho 12 hộ vay 600 triệu đồng (nguồn quay vòng) vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương để các hộ mở rộng diện tích trồng dâu xây dựng nhà nuôi tằm.
Các hộ tham gia dự án sử dụng vốn vay theo quy mô nhóm hộ đạt chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo việc làm cho ít nhất 02 lao động.
Bên cạnh đó, Hội ND xã phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp dậy nghề huyện Trấn Yên tổ chức 02 lớp học về kỹ thuật nuôi tằm và sơ chế kén tằm, cùng với Trạm Khuyến nông tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho 12 hộ tham gia dự án và các hộ có nhu cầu học tập trước khi nhận vốn 07 ngày; 05 cuộc hội thảo đầu bờ chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi trước 02 ngày xuất kén tằm lứa thứ nhất, mỗi cuộc dự kiến 30 đại biểu tham gia.
Các cuộc họp tập trung phản ánh tình hình trồng dâu nuôi tằm, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phương pháp chăm sóc, phòng bệnh cho cây dâu và con tằm, cách xử lý chất thải hợp vệ sinh, những diễn biến của thị trường đối với các loại vật nuôi, giá cả thị trường kén tằm…
Ban quản lý dự án phân công các thành viên liên hệ, tiếp cận với các cơ sở cung ứng, kinh doanh có uy tín để giúp các hộ vay vốn mua giống tằm, thuốc phòng bệnh cho cây dâu và con tằm và tư vấn thời điểm, cơ sở thu mua kén tằm với giá hợp lý theo thời điểm.
Phát động mỗi hộ vay vốn đóng góp ít nhất 100.000 đồng/năm để xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân; giúp đỡ nhiều hộ dân về kỹ thuật; tham gia vận động kết nạp hội viên mới. Các thành viên vay vốn có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động các hộ khác xử lý chất thải chăn nuôi theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường. Mỗi năm, dự án sẽ họp sơ kết một lần và tổng kết khi kết thúc dự án.
Chủ dự án cam kết có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các hoạt động của dự án, đảm bảo mục tiêu đề ra, thường xuyên kiểm tra các hộ vay vốn; đôn đốc các hộ trả phí và gốc đúng hạn.
Gắn bó và tâm huyết với nghề trồng dâu nuôi tằm từ những năm đầu tiên cây dâu bén rễ trên đất Việt Thành, rất nhiều hộ nông dân thôn thôn Lan Đình, Trúc Đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Hội viên Trần Đức Tâm, Đào Ngọc Bắc là một trong những điển hình nuôi tằm vốn đầu tư thấp, cho thu nhập thường xuyên và ổn định, vẫn có thể làm thêm những công việc khác để tăng thu nhập.
Có thể khẳng định, nguồn vốn Quỹ HTND cho vay thông qua các dự án nhóm hộ đã giúp hội viên, nông dân khôi phục, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống bà con, góp phần tích cực xây dựng xã Việt Thành hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã Việt Thành hôm nay đang trên đà phát triển! Những ngôi nhà theo kiểu dáng biệt thự nằm xuất hiện ngày càng nhiều, con đường bê tông uốn quanh những cánh đồng, hai bên đường là những hàng hoa khoe sắc, ruộng dâu xanh mướt bạt ngàn. Cùng với cây lúa, cây quế thì trồng dâu nuôi tằm đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.