Hà Tĩnh: Phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND
13:34 - 27/04/2023
(Quỹ HTND) - Bằng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân Hà Tĩnh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
Trước buổi làm việc, đoàn đã đi khảo sát mô hình dưa lưới tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà.


Hiện, tổng nguồn vốn quỹ quản lý đạt 52,174 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ủy thác của Trung ương là 14,4 tỷ đồng, nguồn cấp tỉnh 11,075 tỷ đồng, nguồn cấp huyện quản lý 26,699 tỷ đồng. Tính đến nay, quỹ HTND các cấp đã cho vay 248 dự án với 2.423 hộ vay, trong đó 183 dự án chăn nuôi (chiếm 80%), 34 dự án trồng cây ăn quả, 12 dự án thủy sản và loại hình khác.


Toàn tỉnh có 6 đơn vị có nguồn quỹ cấp huyện đạt trên 1 tỷ đồng (TP Hà Tĩnh, huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân); 6 đơn vị có quỹ cấp huyện từ trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng (Hương Khê, Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Lộc Hà, Can Lộc); 1 đơn vị có quỹ cấp huyện dưới 500 triệu đồng (thị xã Hồng Lĩnh).


Quỹ HTND tỉnh được thành lập theo Quyết định số 1825/QĐ-UBND ngày 30/6/2014 của UBND tỉnh với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Trong những năm qua, quỹ đã có sự phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng.


Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trở thành kênh tín dụng thiết thực giúp bà con Hà Tĩnh vay vốn xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, kinh doanh.


Thông qua nguồn vốn hỗ trợ, đã có nhiều mô hình điển hình cho thu nhập từ từ 500 - 700 triệu đồng/năm như mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại TX Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên; mô hình trồng cây ăn quả ở xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc), xã Đức Liên (huyện Vũ Quang); mô hình nuôi trồng thủy sản tại Lộc Hà, Cẩm Xuyên...


Đầu năm 2022, được vay 150 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), anh Trần Danh Giáp (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Anh Giáp xây dựng cơ sở vật chất và thả nuôi hơn 500 con ếch ở tầng mặt nước, 5 vạn ốc giống và 1 vạn tôm càng xanh ở tầng đáy. Anh còn thuê máy móc, nhân công cải tạo đất để phát triển mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi cá trên diện tích trồng lúa...


Anh Giáp chia sẻ: “Năm 2017, tôi triển khai mô hình kinh tế tổng hợp, chăn nuôi tuần hoàn. Trong quá trình phát triển mô hình, đang lúc thiếu kinh phí để mở rộng quy mô thì được Quỹ HTND “tiếp sức” cho vay vốn. Đến nay, trang trại của tôi có 15 con bò; 1,5 ha diện tích ao hồ thả nuôi 5 tấn cá các loại; hơn 400 con ếch (đã được xuất bán); 5 vạn ốc giống cho thu hoạch hơn 1 kg trứng ốc sinh sản; 6 sào lúa hữu cơ cho năng suất 2,2 tạ/sào. Tính ra, doanh thu đạt 500 - 600 triệu đồng mỗi năm”.


Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Sỹ Huyền cho biết: “Hiện tại, Hội Nông dân huyện đang quản lý nguồn vốn của quỹ hơn 1 tỷ đồng. Nguồn quỹ này được cho vay quay vòng, cứ sau 24 - 36 tháng thì các hộ vay phải hoàn trả để “tiếp sức” cho những hộ khác. Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương khảo sát địa bàn, cho vay đúng đối tượng. Với các dự án được vay vốn đã phát huy hiệu quả, huyện sẽ tiếp tục thực hiện các dự án tiếp theo”.


Cũng từ nguồn vay vốn Quỹ HTND, gia đình bà Đặng Thị Mận (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) đã xây dựng lại chuồng trại rộng hơn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Bà Mận bày tỏ: “Nguồn vốn kịp thời, lãi suất thấp, quỹ đã tháo gỡ kịp thời một phần nhu cầu về vốn cho chúng tôi. Trước đây, chuồng nuôi nhỏ, vốn không có nên tôi muốn mở rộng chăn nuôi cũng đành chịu. Khi được vay 30 triệu đồng từ quỹ, cùng với số tiền tích cóp, gia đình tôi xây dựng lại chuồng và mua thêm bò. Đến nay, gia đình tôi đã có 10 con bò, phát triển sản xuất ổn định”.


"Không chỉ được vay vốn, chúng tôi còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách thức làm kinh tế. Nuôi bò tuy vốn ban đầu lớn nhưng ít rủi ro, ít dịch bệnh hơn các loại gia súc, gia cầm khác. Tính ra mỗi năm lãi hơn 10 triệu đồng/con” - bà Mận nói thêm.


Với nguồn vốn vay 210 triệu đồng từ Quỹ HTND, bà Ngô Thị Hoa (thôn Bằng Châu, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) cùng con trai là anh Nguyễn Tiến Hùng mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nhà lưới hơn 1.000 m2 với hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, quạt thông gió, khử trùng, thoát nước… để trồng các loại rau, quả và hoa.


Bà Hoa chia sẻ: “Thiếu vốn làm ăn là điều mà tôi cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn luôn trăn trở. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ HTND huyện, chúng tôi như có “điểm tựa”, tự tin phát triển sản xuất để tăng thu nhập”.


Theo đánh giá của các Hội nông dân cấp huyện, hầu hết người dân sử dụng nguồn vốn vay đều có hiệu quả, gần như không xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Đặc biệt, nguồn vốn vay hỗ trợ từ quỹ đã giúp bà con mở rộng quy mô sản xuất hiệu quả. Ngoài tăng thêm nguồn thu nhập, các mô hình sản xuất còn tạo sự lan tỏa phong trào làm kinh tế trên địa bàn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.


Thời gian qua, nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế và trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; góp phần thay đổi hình thức tổ chức sản xuất từ nông hộ sang chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Qua đó, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.


Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; quan tâm phát triển nguồn Quỹ HTND để giúp thêm nhiều hội viên, nông dân được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn có liên kết, từ đó góp phần xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
An Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng