Tuyên Quang: Nông dân thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
16:04 - 25/05/2023
(Quỹ HTND) - Thời gian qua, các cấp Hội luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trong việc chỉ đạo, đề ra các giải pháp phù hợp, thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác, trong đó đã làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ.
Nhiều hộ thoát nghèo nhờ đầu tư nuôi trâu sinh sản từ nguồn vốn Quỹ HTND

Ngay từ đầu năm, hoạt động uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được các cấp Hội quan tâm triển khai. Đến hết quý I/2023, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện giải ngân kịp thời cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn với doanh số cho vay đạt 205,4 tỷ đồng, với 4.357 lượt khách hàng được vay vốn.


Cụ thể: Cho vay hộ nghèo 87 tỷ đồng với 530 lượt hộ nghèo vay vốn; cho vay hộ cận nghèo 33 tỷ đồng với 530 lượt hộ cận nghèo vay vốn; cho vay hộ mới thoát nghèo gần 11 tỷ đồng với 184 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trên 20 tỷ đồng với 436 lượt khách hàng vay vốn; cho vay giải quyết việc làm 25 tỷ đồng với 472 lượt dự án vay vốn; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 23 tỷ đồng với 1.209 lượt hộ vay vốn…


Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh, để nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua, Chi nhánh đã tham mưu Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo Ban đại diện các cấp làm tốt công tác điều tra, rà soát, xác định các đối tượng vay vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.


Chi nhánh còn chỉ đạo các Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện tăng cường quản lý đối với các tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn; đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Ban lãnh đạo đơn vị đã quán triệt đến toàn thể cán bộ phải thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi để kịp thời đáp ứng với phương châm không để ai thiếu vốn.


Nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH tỉnh tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao.


Điển hình như gia đình anh Lò A Phong (thôn Nà Co, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình) là điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Anh Phong cho biết, trước đây anh chỉ chăn nuôi trâu theo hình thức thả rông nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2021, anh Phong được Đoàn Thanh niên xã tín chấp cho vay vốn Ngân hàng CSXH từ nguồn vốn giải quyết việc làm, anh đã quyết định đầu tư mua trâu sinh sản về nuôi theo hình thức bán chăn thả.


Cùng với mở rộng quy mô nuôi trâu, năm 2022, gia đình anh tiếp tục chăn nuôi thêm lợn đen và ốc nhồi. Từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng CSXH đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm ổn định cho 4 thành viên trong gia đình.


Hat gia đình chị Chúc Thị Nải (ở thôn Đon Bả, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình) có gần 2ha đất vườn đồi do không có vốn đầu tư nên trước đây bỏ hoang. Năm 2018 gia đình chị được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện 50 triệu đồng để cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả và nuôi gà thả vườn.


Đến nay với gần 2ha đất gia đình chị trồng các loại cây như bưởi da xanh, chanh tứ mùa, mít Thái, ổi... Cùng với đầu tư vào trồng cây ăn quả, chị kết hợp nuôi gà thả vườn, nuôi cá, nuôi vịt... Từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi gần 100 triệu đồng.


Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, từ nay đến cuối năm 2023, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách trên địa bàn; tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chuyển nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương năm 2023; triển khai thực hiện chiến lược phát triển của đơn vị đến năm 2030.


Việc cho vay từ nguồn vốn chính sách ưu đãi, tập huấn hướng dẫn nông dân sản xuất đã tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế (trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề, dịch vụ...), phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và xây dựng nông thôn mới.


Từ đó giúp hoạt động Quỹ HTND cấp huyện và cơ sở đi vào nề nếp; năng lực cán bộ Hội được nâng lên rõ rệt trong việc quản lý, điều hành cho vay vốn. Công tác vận động xây dựng Quỹ HTND và vận động nông dân tham gia vào tổ chức Hội có nhiều thuận lợi và ngày một tăng.
 
Mai Anh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng