Lộc Ninh (Bình Phước): Thoát nghèo nhờ nguồn vốn Quỹ HTND
13:02 - 27/04/2023
(Quỹ HTND) – Trong những năm qua, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được triển khai đến 16/16 xã, thị trấn trên địa bàn, có những xã được vay 2-3 vòng. Đặc biệt chúng tôi ưu tiên các xã khó khăn, biên giới, nhất là các hộ DTTS đảm bảo điều kiện để phát triển sản xuất, đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương. 
Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Văn Xứng ở xã Thanh Lương, thị xã Bình Long đem lại thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.


Lộc Ninh là huyện biên giới có 7 xã tiếp giáp Vương quốc Campuchia, đây cũng là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Phần lớn đời sống của bà con còn khó khăn. Những năm qua, các cấp hội nông dân huyện Lộc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Trong đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ hiệu quả người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Để tạo nguồn vốn cho hội viên vay đầu tư sản xuất, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh xây dựng các dự án, quỹ hỗ trợ nông dân. Hiện nay, tổng số quỹ được hơn 10 tỷ đồng, đã giải ngân cho 343 hộ vay phát triển kinh tế. Trong đó, hỗ trợ 178 hộ hội viên tại các xã khó khăn, vùng biên giới, đặc biệt ưu tiên các hộ DTTS với số vốn gần 2,8 tỷ đồng. Riêng xã Lộc Hòa có 20 hộ DTTS được hỗ trợ vay với tổng vốn 600 triệu đồng.


Các hộ tham gia dự án vay vốn có sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cùng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm… Qua đó, từ các mô hình sản xuất đã hình thành các tổ hợp tác liên kết sản xuất có hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn Quỹ HTND.


Điển hình như gia đình anh Điểu B’Lía ở ấp 8B là một trong những hộ hoàn cảnh khó khăn nhất của xã Lộc Hòa. Cuộc sống vợ chồng anh cùng 3 con nhỏ phụ thuộc vào thu nhập từ công việc làm thuê bấp bênh. Năm 2020, gia đình anh mua 2 con bò giống trị giá 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Nhờ chịu khó chăm sóc, đến nay đàn bò đã tăng lên 4 con.


Anh Điểu B’Lía cho biết: “Trước đây gia đình tôi khó khăn lắm, phải làm thuê khắp nơi. Từ khi được hỗ trợ vốn mua bò về nuôi, đến nay kinh tế gia đình ổn định hơn, cuộc sống không còn khó khăn như trước”.


Hoàn cảnh gia đình anh Điểu Đia ở cùng ấp cũng khó khăn không kém. Khi lập gia đình, anh Đia được bố mẹ chia cho gần 4 sào đất, rồi đi cạo mủ cao su thuê trong vùng. Cách đây 3 năm, cũng từ dự án hỗ trợ bò giống của Hội Nông dân huyện, gia đình anh Đia mua 2 con bò lai giống. Nhờ chăm sóc tốt, đàn bò không ngừng phát triển, đến nay đã tăng lên 5 con.


“Gia đình vốn khó khăn, không biết làm gì để thoát nghèo, được hỗ trợ vốn mua bò, vợ chồng tôi mừng lắm. Sắp tới tôi bán 1 con, cộng với tiền tích cóp để trả Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện. Số bò còn lại tôi tiếp tục chăm sóc để kinh tế gia đình thêm vững hơn” - anh Điểu Đia chia sẻ.


Khi đến các xã vùng biên giới, chúng tôi dễ dàng nhận thấy hầu hết hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây nuôi trâu, bò, heo theo hình thức chăn thả. Đó là tập quán chăn nuôi lâu đời của người dân. Gia đình anh Điểu Vức ở ấp 8B là hộ điển hình về mô hình chăn nuôi này.


Trước đây, hộ anh Điểu Vức nuôi từ 3-5 con bò, nhưng đều là giống bò cỏ nên giá trị kinh tế không cao. Đầu năm 2020, anh được vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện cùng với sự tư vấn của cán bộ hội, anh Vức bán 2 con bò cỏ và bù thêm mua cặp bò lai giống. Nhờ chăm sóc tốt, 2 con bò lai phát triển mạnh, vì thế anh quyết định bán hết bò cỏ để mua bò lai về nuôi.


Anh Vức cũng thay đổi cách chăn nuôi, trồng cỏ để nuôi bò thay vì chăn thả tự nhiên như trước. Sau 3 năm, đàn bò của gia đình anh đã tăng lên 7 con, con lớn có giá bán từ 20-25 triệu đồng, giá trị đàn bò cũng tăng lên gấp nhiều lần so với trước.


Anh Điểu Vức hào hứng chia sẻ: “Trước đây, tôi chăn nuôi theo kiểu truyền thống, đàn bò có từ 3-5 con nhưng bán chỉ được 5-7 triệu đồng/con. Sau này chuyển sang nuôi bò lai, chỉ 2 con giá trị bằng cả đàn bò cỏ trước đây. Hiện nhiều hộ ở đây cũng đang chuyển sang nuôi bò lai như gia đình tôi”.


Ngoài hỗ trợ vốn và tư vấn giúp bà con chuyển đổi sang nuôi giống bò có giá trị kinh tế cao hơn, cán bộ hội nông dân các cấp ở huyện Lộc Ninh còn lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân di dời chuồng trại gia súc ra xa nơi ở, khu dân cư. Qua đó đã làm thay đổi tập quán chăn nuôi của bà con dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới vùng biên.


Qua chương trình, dự án hỗ trợ vốn vay mua bò giống của Hội Nông dân huyện cùng với công tác tư vấn, tuyên truyền, vận động, người dân đã nhận thức và thay đổi tập quán chăn nuôi cũ. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường vùng nông thôn.


Thông qua hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập từng bước thoát nghèo ổn định cuộc sống, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, nhiều mô hình mới được hình thành và nhân rộng, giúp nông dân trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tín dụng đen ở nông thôn và tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Hoàng Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng