|
Vốn tín dụng chính sách giúp hội viên, nông dân từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giầu. |
Đến nay, 100% Hội ND các cấp trong toàn tỉnh đã ký Hợp đồng ủy thác với ngân hàng CSXH. Hàng năm, đưa chỉ tiêu chất lượng hoạt động ủy thác vào tiêu chí, đánh giá bình xét xếp loại thi đua đối với Hội ND các huyện, thành phố; ở mỗi cấp đều phân công 01 đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách và bố trí cán bộ hoặc bộ phận chuyên trách theo dõi, tổ chức thực hiện.
Các cấp Hội đã sử dụng hiệu quả các phương tiện thông tin, truyền thông của Hội như: Bản tin nông dân Hà Nam, website của Hội,… để đưa tin, bài phản ánh về việc tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước và hoạt động nhận ủy thác của Hội Nông dân.
Việc tuyên truyền nêu gương, động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác ủy thác, các hộ nông dân nghèo và đối tượng chính sách sử dụng vốn có hiệu quả cũng được các cấp Hội coi trọng. … Có thể khẳng định rằng công tác tuyên truyền của Hội Nông dân các cấp đã giúp cho nông dân nhất là hộ nghèo nắm được chủ trương, chính sách, có cơ hội tham gia giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi; xóa bỏ mặc cảm tự ti, tâm lý trông chờ ỷ lại; phát huy nội lực phấn đấu xóa đói, giảm nghèo và vươn lên khá, giầu.
Hội ND tỉnh đang quản lý 456 Tổ TK&VV theo địa bàn dân cư với 15.050 thành viên, tổng dư nợ đạt 536,573 tỷ đồng. Quy mô Tổ TK&VV có biến động giảm, song dư nợ ngày càng cao. Vào năm 2014, mới có 581 Tổ TK&VV với 19.721 thành viên, tổng dư nợ là 384,111 tỷ đồng (bình quân chưa đến 34 thành viên/Tổ, số dư nợ dưới 20 triệu đồng/thành viên). Đến nay, quy mô bình quân có 33 thành viên/Tổ, dư nợ bình quân tăng 35,65 triệu đồng/thành viên.
Chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV ngày càng được nâng lên, đến hết tháng 5 năm 2019, tỷ lệ Tổ TK&VV do Hội quản lý xếp loại tốt đạt 90,79%; loại khá đạt 6,14%; loại trung bình là 2,5%; loại yếu kém còn 0,57%. Một số huyện Hội có tỷ lệ Tổ TK&VV xếp loại tốt cao, không có Tổ trung bình như các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân…
Năm năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình tín dụng. Tại thời điểm năm 2014 dư nợ đạt 384,111 tỷ đồng với 07 chương trình đến tháng 5/2019 dư nợ đạt tới 536,573880 tỷ đồng (tăng 152,46288 tỷ so với cuối năm 2014) với 08 chương trình tín dụng.
Trong 5 năm đã có gần 100.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân các cấp và Tổ trưởng Tổ TK&VV được tập huấn. Ngoài việc phối hợp với ngân hàng CSXH tổ chức tập huấn chuyên đề Hội ND tỉnh còn chủ động đưa nội dung hoạt động ủy thác vào chương trình tập huấn, bồi dưỡng cán bộ Hội hàng năm.
Đồng thời, các cấp Hội chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức kinh tế, nhà khoa học, đặc biệt là đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến công tổ chức hàng vạn buổi tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn.
Các cấp Hội còn tập trung xây dựng hàng ngàn mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, tổ chức cho hội viên, nông dân đi thăm quan, trao đổi kinh nghiệm. Hàng năm, các cấp Hội vừa trực tiếp vừa phối hợp dạy nghề cho gần 1.000 lao động nông nghiệp.
Những hoạt động trên đã tạo ra sự lan tỏa, cuốn hút hộ nghèo tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ; từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa; sử dụng vốn đúng mục đích. Nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giầu.