|
Các chương trình tín dụng chính sách giúp nhiều hội viên, nông dân trong lề lối canh tác ruộng vườn, chăn nuôi, lựa chọn những mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp |
Hàng năm, Trung ương Hội đều chỉ đạo Hội cấp dưới đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức đầy đủ về tín dụng chính sách nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng vốn, có ý thức trả nợ tiền vay và tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm tự nguyện. Năm 2016, bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm của mỗi Tổ TK&VV đạt 22,5 triệu đồng thì đến 30/6/2019 bình quân số dư tiền gửi tiết kiệm của mỗi Tổ đạt 49,09 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 99,93% số Tổ với tổng số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của các thành viên đạt 2.773 tỷ đồng, bình quân số dư tiền gửi của mỗi thành viên đạt 1,335 triệu đồng.
Đến 30/6/2019, dư nợ ủy thác qua tổ chức Hội đạt 61.594 tỷ đồng, thông qua 56.532 Tổ TK&VV, cho 2.075.404 thành viên, chiếm tỷ trọng 31,16% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH ủy thác, mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt 7,4%/năm. |
Doanh số cho vay giai đoạn 2016 - 2019 đạt 65.117 tỷ đồng đã giúp cho trên 3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; 132.472 em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo việc làm cho trên 12 nghìn lượt lao động, trên 2 triệu công trình nước sạch vệ sinh môi trường và hơn 115 nghìn căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng,… góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 từ 5,97% xuống còn 5,5% vào cuối năm 2018 và thiết thực đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đang thực hiện là cách làm sáng tạo, riêng có của Việt Nam, phù hợp với đặc điểm, chính trị, kinh tế, xã hội đất nước nên đã phát huy tích cực hiệu quả sử dụng vốn vay. Các chương trình tín dụng chính sách làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân. Từ việc thụ động trong lề lối canh tác ruộng vườn, chăn nuôi, người dân đã lựa chọn những mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật lồng ghép với sử dụng vốn vay.
Nhờ tín dụng chính sách xã hội mà hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản khác như y tế, văn hóa, giáo dục... và cùng với các chính sách khác của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của bản thân nhanh chóng thoát nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tín dụng chính sách xã hội với những ưu đãi về mặt lãi suất và đi kèm là các ưu đãi khác về thời hạn, phương thức trả nợ, địa điểm giao dịch, sự hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn, lồng ghép các nguồn lực khác của tổ chức Hội... giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn kịp thời và sử dụng vốn hiệu quả, không phải tìm đến với "tín dụng đen".
Để tiếp tục thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, Trung ương Hội đưa ra một số giải pháp như sau:
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ủy thác, nhất là đối với những tỉnh, thành Hội có dư nợ ủy thác thấp, nợ quá hạn cao.
- Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, nông dân các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chính sách tín dụng có ưu đãi của Chính phủ; những quy định, hướng dẫn cho vay của NHCSXH; những gương điển hình trong tổ chức thực hiện ủy thác, trong sử dụng vốn vay… với nhiều hình thức, phương pháp phù hợp, hiệu quả.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác theo định kỳ, đột xuất.
- Các cấp Hội làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau thoát nghèo và vươn lên làm giàu để đồng vốn mang lại hiệu quả cao bằng cách chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp học nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn giúp các hộ sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Qua hơn 16 năm triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề xuất một số kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ban, ngành như sau:
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã phê duyệt cho NHCSXH.
- Quan tâm đầu tư nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ hỗ trợ các hộ thuộc chính sách của vùng khó khăn, vùng di dân tái định cư để các hộ có vốn đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
- Tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội ở cơ sở, đặc biệt phát huy vai trò lãnh đạo của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc phối hợp với NHCSXH nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội, Tổ TK&VV và hoạt động giao dịch tại xã.