Chỉ thị số 40 tạo bước chuyển quan trọng về tín dụng chính sách ở Đắk Nông
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), 05 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Đăk Nông đã đưa chính sách vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội địa phương.
|
Nhờ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, gia đình anh K’San ở xã Đăk Som, huyện Đắk G’long (Đắk Nông) đã đầu tư trồng cà phê và chăn nuôi Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Ngay sau khi Chỉ thị số 40 ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, các huyện điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc cho NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; bổ sung nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH; bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện; sắp xếp địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn các buổi giao dịch của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách tín dụng đến với mọi người dân. Đồng thời, thực hiện củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường công tác kiểm tra giám sát hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay hiệu quả…
Tính đến nay, 04 tổ chức chức chính trị - xã hội đang tham gia quản lý 1.550 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 68.582 hộ vay vốn với số tiền 2.582 tỷ đồng, chiếm gần 99.66% tổng dư nợ, tăng 1.045 tỷ đồng so với năm 2014. Hằng năm, UBND tỉnh, huyện, thành phố đã bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh để bổ sung vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến hết ngày 31/7/2019, nguồn vốn địa phương chuyển sang đạt 126 tỷ đồng, tăng 76 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó, ngân sách tỉnh là 94 tỷ đồng; ngân sách huyện 29 tỷ đồng, nguồn vốn nhận ủy thác từ Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh là 3 tỷ đồng. Để hoàn thiện cơ chế, chính sách cho vay, các Sở, ban, ngành liên quan đã tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách ủy thác địa phương qua NHCSXH thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách. Diện mạo mới trên bản làng Năm 2015, sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, được các cấp Hội Nông dân tuyên truyền chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi, anh K’San ở xã Đắk Som, huyện Đắk G’long (Đắk Nông) đã vay 40 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Với số vốn trên, anh đã đầu tư mua thêm 5 con dê sinh sản, nâng cấp chuồng trại nuôi thêm gà, lấy phân bón chăm sóc vườn cà phê. Sau 4 năm mở rộng quy mô chăn nuôi, đến nay, trang trại của anh có 25 con dê, 1.000 con gà. Từ hộ nghèo, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh đã thoát nghèo, thu nhập trung bình đạt khoảng 100 triệu đồng/năm.
Hay như gia đình chị K’Chong ở buôn B’ Dơng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Để có vốn đầu tư trồng cây cà phê, năm 2014, gia đình tôi vay 40 triệu đồng từ NHCSXH huyện để trồng 500 gốc cà phê. Đây là cơ hội giúp gia đình tôi thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình”. Chủ tịch huyện Đắk G’Long Vũ Tá Long cho biết UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với NHCSXH, bố trí 3,4 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách vay.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Đắk Nông Đào Thái Hòa khẳng định Chỉ thị số 40 đã thực sự đi vào cuộc sống và tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách, cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Đăk Nông. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo diện mạo mới trên khắp các bản làng.