Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững tại Quảng Bình
(Quỹ HTND)- Sau 05 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số của Ban Bí thư đã làm thay đổi từ nhận thức và hành động của các cấp Hội đến cán bộ, hội viên, nông dân trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay tích cực, vốn tín dụng góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,23% (năm 2014) xuống còn 6,14% (30/6), tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 18,24% (năm 2014) xuống 8,2% (30/6).
|
Vốn tín dụng chính sách góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế. |
Cuối năm 2014, dư nợ do các cấp Hội ND nhận ủy thác là 880.779 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 40,8% dư nợ ủy thác. Đến 30/6, tổng dư nợ các chương trình ủy thác đạt 1.216.220 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 38,5% với 31.955 hộ còn dư nợ.
Bên cạnh đó, việc huy động tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV được các cơ sở Hội tích cực tuyên truyền, vận động; tổ viên hăng hái thực hành tiết kiệm, tham gia gửi tiền đều hàng tháng. Hiện có 887 Tổ tham gia tiết kiệm với 31.934 thành viên, số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 44.500 triệu đồng.
Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với Ngân hàng CSXH quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các TK&VV. Số tổ có chất lượng đạt loại tốt có 742 tổ (chiếm 83,65%); loại khá 124 tổ (chiếm 13,98%); loại trung bình 17 tổ (chiếm 1,92%); loại yếu 4 tổ (chiếm 0.45%).
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chính sách tín dụng xã hội được các cấp Hội quan tâm, đa dạng hóa về nội dung và hình thức thông qua báo viết, truyền hình, đài phát thanh trung ương, địa phương,... được đăng tải trên các tờ thông tin, tập san, tờ rơi hoạt động của ngân hàng, phát tới cán bộ Hội cơ sở, Tổ trưởng Tổ TK&VV. Ngoài ra, các nội dung về chính sách tín dụng xã hội còn được đưa vào các Hội thi, các buổi sinh hoạt, hoạt động thường xuyên của tổ chức Hội.
Hàng năm, Hội ND tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác, chỉ đạo Hội cấp huyện, xã xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, giám sát việc nhận ủy thác ở các cấp Hội. Trong 5 năm, Hội ND tỉnh đã kiểm tra được 28 lượt Hội cấp huyện, 56 lượt Hội cấp xã, 110 Tổ TK&VV; Hội cấp huyện đã kiểm tra được 697 lượt Hội cấp xã, 1.840 lượt Tổ TK&VV. Thông qua công tác kiểm tra, đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại sai sót, vì vậy hoạt động ủy thác ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả hơn.
Công tác tập huấn nâng cao kỹ năng công tác quản lý vốn vay, nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác cũng thường xuyên được quan tâm. Qua đó, giúp cho các cấp Hội đoàn thể quản lý có hiệu quả nguồn vốn nhận ủy thác.
Hàng năm, cấp ủy chính quyền địa phương các cấp đã giao trách nhiệm, chỉ tiêu cụ thể cho tổ chức Hội. Trên cơ sở được giao chỉ tiêu giúp hộ thoát nghèo, các cấp Hội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn hội viên tham gia các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất phù hợp với ngành nghề lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lựa chọn các nhân tố tích cực để hỗ trợ phổ biến chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn tín dụng ưu đãi, xây dựng và nhân rộng các điển hình mô hình sản xuất kinh doanh gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm của từng địa phương điển hình như: mô hình nuôi cá bè lồng huyện Bố Trạch; trồng nấm, chăn nuôi gà, lợn tổng hợp huyện Quảng Trạch; trồng rừng tại huyện Minh Hóa; chăn nuôi bò và sản xuất hương tại thành phố Đồng Hới,...
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra; tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo, bền vững, góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.