Hòa Bình tạo đột phá trong tín dụng chính sách
16:53 - 20/08/2019
Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), đã làm bức tranh tín dụng chính sách tại tỉnh Hòa Bình mang những gam màu tươi mới. Không chỉ là quy mô, chất lượng tín dụng đều tăng, mà hơn thế là sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị được tăng cường và hội tụ làm rõ nét hơn một chính sách tín dụng riêng mang đầy tính nhân văn của Đảng và Chính phủ.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, người dân xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc đầu tư vào trồng cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả kinh tế

Theo đánh giá của các cấp ủy, chính quyền địa phương, kết quả 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 cũng đã trở thành điểm tựa nâng cao chất lượng tín dụng với việc cấp ủy, chính quyền các cấp đã xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình, kế hoạch, hoạt động của các cấp ủy, các ngành, địa phương.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

Xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc có 18 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hiện đang triển khai thực hiện 13 chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH, dư nợ đạt trên 19,4 tỷ đồng với 649 hộ vay. Trong đó chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn có dư nợ cao nhất trên 6,6 tỷ đồng với 284 hộ vay; chương trình hộ nghèo có 126 hộ vay dư nợ trên 3,6 tỷ đồng; chương trình cho vay NS&VSMT dư nơ trên 3 tỷ đồng với 242 hộ vay… Ngoài ra xã còn thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ được trên 963 triệu đồng đồng. Đặc biệt, nhiều năm liền xã không có nợ quá hạn. Để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, người được vay sử dụng đúng mục đích,
Việc đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hộ nghèo, đối tượng chính sách đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của xã. Ngoài ra, huyện Tân Lạc còn triển khai nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo thiết thực như: Tăng cường công tác khuyến nông khuyến lâm xuống cơ sở, trang bị kiến thức, hướng dẫn người nghèo cách tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT vào SXKD, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập. Thực hiện chính sách hỗ trợ cho người nghèo xóa nhà tạm, dột nát để họ ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho người nghèo, DTTS nhằm tạo việc làm ổn định. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý, nâng cao năng lực, nhận thức… giúp các hộ nghèo nâng cao đời sống về mọi mặt và thoát nghèo một cách bền vững. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 8,6%, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 34 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Quy Hậu Bùi Văn Thiệm cho biết: Nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước, người nghèo và hộ chính sách được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, trả gốc, lãi đúng hạn. Nhờ đó, người nông dân đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Khi Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống

Năm 2017, hộ anh Nguyễn Văn Vững ở xóm Trẹo 2, xã Nam Phong được vay 45 triệu đồng hộ cận nghèo, đầu tư mua 2 con trâu. Ngoài ra, gia đình anh còn đầu tư trồng cam và mía trắng. Anh Vững cho biết nguồn vốn của NHCSXH thực sự là cứu cánh giúp cho gia đình anh thoát nghèo, ổn định cuộc sống, tiến tới thoát nghèo bền vững.

Đây chỉ là một trong hàng nghìn hộ sử dụng vốn chính sách có hiệu quả trên địa bàn huyện Cao Phong. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Cao Phong đạt gần 275 tỷ đồng, tăng 123,4 tỷ đồng so với năm 2014, hiện tại có 7.393 khách hàng đang còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi tập trung vào một số chương trình như hộ nghèo 74 tỷ đồng; hộ cận nghèo 47,4 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo 18 tỷ đồng;…

Chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,03%/tổng dư nợ. Cùng với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nguồn vốn từ ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH để cho vay đã được bổ sung, tăng cường đáng kể, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương.

Tổng nguồn vốn huyện ủy thác sang NHCSXH hơn 1,4 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách địa phương, NHCSXH còn tập trung huy động nguồn vốn từ tổ chức cá nhân đạt 16,6 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động tiền gửi tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn là 6 tỷ đồng. 

Qua đánh giá, 05 năm triển khai Chỉ thị số 40 doanh số cho vay đạt 410 tỷ đồng, với 17.179 lượt hộ nghèo và các đối chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn góp phần giúp cho 2.212 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 136 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 8.228 công trình cung cấp NS&VSMTNT, xây dựng 384 căn nhà cho hộ nghèo, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 421 lao động,… Vốn tín dụng chính sách góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ổn định đời sống, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Giám đốc NHCSXH huyện Cao Phong Vũ Hoài Nam cho biết: Trong 05 năm qua, nguồn vốn của NHCSXH đang ngày càng tăng sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn huyện Cao Phong chính là nhờ Chỉ thị số 40 đã thực sự đi vào cuộc sống.

Các chương trình tín dụng mới được ban hành đồng bộ, hiệu quả hơn, đối tượng vay vốn được mở rộng, mức cho vay, thời hạn cho vay được nâng lên, quy mô tín dụng tăng nhanh, chất lượng tín dụng được củng cố và nâng lên theo hướng bền vững, qua đó giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận đa dạng hóa các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ kịp thời nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Khơi thông dùng chảy tín dụng

Đáng nói từ sau khi có Chỉ thị số 40, công tác chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách ở địa phương được thuận lợi từ cấp tỉnh xuống cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trên cơ sở nội dung của Chỉ thị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban ngành, hội, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương; chỉ đạo việc tập trung đầu tư nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trụ sở và điều kiện làm việc cho hệ thống NHCSXH từ tỉnh đến các  huyện, thành phố; giao cho Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố cân đối, bố trí ngân sách hàng năm của tỉnh, của huyện, thành phố chuyển sang NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, NHCSXH luôn đồng hành cùng các tổ chức chính trị - xã hội làm nhiệm vụ uỷ thác thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn NHCSXH tỉnh Hòa Bình đạt 3.114 tỷ đồng, tăng 1.246 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40; tổng dư nợ đạt. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.108 tỷ đồng với 104.800 khách hàng còn dư nợ.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát, duy trì ở mức thấp, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,16%. Dòng vốn từ ngân sách địa phương đang tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Nguồn vốn nhận ủy thác địa phương là gần 34 tỷ đồng. Đến nay 100% UBND các huyện, thành phố đều đã bố trí nguồn vốn từ ngân sách chuyển sang NHCSXH. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng cho thấy vẫn còn tình trạng lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền cơ sở có lúc, có nơi chưa được sâu sát. Một số huyện, thành phố chưa ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hòa Bình Vũ Đình Đoài cho biết: 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, một số kết quả nổi bật là cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện đến xã đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm hơn đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Tín dụng đang ngày càng tăng sức lan tỏa sâu rộng chính là nhờ Chỉ thị số 40 đã thực sự đi vào cuộc sống. Do đó, cần ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời thường xuyên chỉ đạo củng cố và kiện toàn Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, huyện và nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
 

Nguồn: VBSP News
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng