Nhờ nguồn vốn ủy thác, hội viên có cơ hội thoát nghèo
16:25 - 07/08/2019
(Quỹ HTND)- Những năm qua, Hội ND huyện An Lão (Bình Định) đã đẩy mạnh các hoạt động ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH huyện. Nhờ nguồn vốn chính sách nhiều hộ nghèo trên địa bàn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Nhiều nông dân vay vốn Ngân hàng CSXH chăn nuôi bò đã từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Để kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với hội viên, nông dân giúp bà con đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội ND huyện đã chỉ đạo Hội ND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.


Bên cạnh đó, chỉ đạo Hội cấp xã phối hợp với Ngân hàng CSXH thông qua phòng giao dịch huyện thực hiện các công việc ủy thác đã ký với Ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.


Hiện nay, tổng dư nợ do Hội quản lý trên 64 tỷ đồng thông qua 47 Tổ TK&VV cho 2.000 hộ vay. Để quản lý tốt nguồn vốn ủy thác, Hội ND huyện chỉ đạo Hội ND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ, Ban quản lý tổ, giám sát bình xét cho vay, sử dụng vốn vay chặt chẽ, xây dựng kế hoạch kiểm tra 100% các tổ TK&VV và các hộ vay vốn mới được giải ngân.


Nhờ có nguồn vốn ưu đãi, nhiều hội viên, nông dân mạnh dạn đưa các giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.


Nhiều hội viên từ hộ nông dân nghèo, sản xuất nhỏ lẻ, nay phát triển kinh tế ổn định vươn lên thoát nghèo và làm giàu như: Anh Nguyễn Văn Tốt, ở thôn Tân Lập, xã An Tân cách đây 3 năm vẫn còn là một hộ nghèo, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, một mình anh phải bươn trải để lo toan cuộc sống. Khi được Ngân hàng CSXH huyện cho vay từ chương trình hỗ trợ hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, gia đình anh được vay 30 triệu đồng, cộng với vay mượn thêm từ họ hàng đã mua bò lai sinh sản để chăn nuôi và đầu tư trồng rừng kinh tế. Có cơ sở để phát triển và với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó, sau 3 năm, đàn bò của gia đình anh ngày càng phát triển.


Anh Tốt tâm sự: “Từ 2 con bò giống ban đầu và mỗi năm tích góp từ việc bán bò giống, tôi đã tái đầu tư sản xuất vào trồng rừng và phát triển đàn gia súc của gia đình, đến nay, gia đình tôi đã có 7 con bò, trên 2000 cây keo lai”. Đầu năm 2019, anh bán 02 con bò thu về gần 50 triệu, có thu nhập, anh Tốt tiếp tục nhân rộng đàn bò.


Năm 2010, chị Nguyễn Thị Thạnh hộ nghèo của thôn Hưng Nhơn, thị trấn An Lão được vay 30 triệu đồng nguồn vốn chương trình hộ nghèo từ Ngân hàng CSXH huyện đầu tư vào trồng rừng, đào ao thả cá, nuôi gà, nuôi heo rừng, nuôi thỏ… Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo và xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp với 01 ha keo, 0,5 ha bưởi da xanh, 0,5 ha rau màu, 1 ha diện tích mặt nước nuôi cá, trên 1.000 con gà và 20 con heo, bình quân mỗi năm trừ mọi chi phí chụ thu từ 100 – 150 triệu đồng.


Có thể nói, từ nguồn vốn ủy thác với Ngân hàng CSXH, các cấp Hội đã giúp nhiều hội viên, nông dân có thêm điều kiện, nguồn lực phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, các cấp Họi ND còn xây dựng được một số mô hình điểm đem lại hiệu quả kinh tế cao; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân.
 

Tiêu Hùng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường