Quỹ HTND Hưng Yên: “Kênh dẫn vốn giúp hội viên, nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh”
(Quỹ HTND)- Với nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đạt gần 80 tỷ đồng đang tập trung cho vay trong các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trồng cây ăn quả, hoa và cây cảnh đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ đó, góp phần giúp các hộ dân mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cũng như đóng góp tích cực trong hoạt động công tác Hội và các phong trào thi đua ở địa phương.
|
Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã góp phần phát triển kinh tế tập thể ở các địa phương, phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu |
Hàng năm, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, đề xuất UBND cùng cấp bổ sung ngân sách cho nguồn vốn Quỹ HTND. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa hoạt động của Quỹ HTND;đến các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hội viên và nông dân, nhằm tạo sự đồng thuận tích cực đóng góp, ủng hộ để tăng trưởng nguồn vốn.
Kết quả tính đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt gần 80 tỷ đồng. Trong đó: Quỹ cấp tỉnh quản lý 55,8 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện quản lý 17,4 tỷ đồng, Hội ND cấp xã xây dựng Quỹ đạt 6,7 tỷ đồng.
Năm 2023, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh tăng trưởng 5,2 tỷ đồng; cụ thể: Quỹ cấp tỉnh tăng 300 triệu đồng, Quỹ cấp huyện tăng 4,3 tỷ đồng, Hội ND cấp xã vận động, ủng hộ xây dựng Quỹ tăng 0,6 tỷ đồng. Điển hình trong công tác phát triển nguồn vốn Quỹ HTND năm 2023 như: Hội ND huyện Yên Mỹ được cấp bổ sung từ Ngân sách 1,5 tỷ đồng; huyện Khoái Châu và Kim Động được cấp Ngân sách cấp 500 triệu đồng; các huyện còn lại được cấp 300 triệu đồng.
Đáng chú ý, phần lớn các hộ vay vốn Quỹ HTND đã đăng ký và đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp Trung ương. Điển hình như: Hộ ông Đặng Văn Ứng ở xã Hiệp Cường (huyện Kim Động) với mô hình “Cải tạo vườn nhãn”; hộ gia đình ông Bùi Văn Sử ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) với mô hình “Trồng nho”; hộ Lê Thị Gấm ở xã Tân Tiến (huyện Văn Giang) với mô hình “Trồng cây bưởi diễn”; hộ ông Hoàng Minh Đức và ông Trịnh Văn Tám ở xã Yên Phú (huyện Yên Mỹ) với mô hình “Trồng cây cam đường canh”….
Bên cạnh đó, từ việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ HTND đã giúp nhiều lao động có việc làm ổn định, xây dựng được các mô hình hiệu quả kinh tế cao, trở thành những mô hình điển hình của tổ chức Hội ND trong tỉnh. Tiêu biểu như: Dự án “Trồng cây bưởi cảnh” tại thị trấn Văn Giang (huyện Văn Giang); “Trồng nho” tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên); “Nuôi cá nước ngọt” tại xã Phù Ủng (huyện Ân Thi); “Sản xuất hương thơm” tại xã Bảo Khê (thành phố Hưng Yên); “Cải tạo vườn vải trứng” tại xã Phan Sào Nam (huyện Phù Cừ)...
Thông qua việc cho vay nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND cũng đã thành lập được các Hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, tổ Hội nghề nghiệp. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế tập thể ở các địa phương, phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 82 Hợp tác xã, 90 tổ Hợp tác sản xuất, 48 tổ Hội ND nghề nghiệp được hình thành. Từ đó, vận động nông dân từ làm ăn nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Trong năm, thực hiện chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức triển khai tốt một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Hiện, Hội ND các cấp, đang quản lý 880 Tổ TK&VV với 23.177 thành viên, dư nợ của 9 chương trình tín dụng chính sách đạt trên 1.300 tỷ đồng.
Song song với đó, tiếp tục thực hiện thoả thuận liên ngành giữa Agribank với Hội ND Việt Nam, năm 2023. Hội ND tỉnh ký thỏa thuận liên ngành với Agribank Hưng Yên và Agribank Hưng Yên II về việc phối hợp tổ chức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính Phủ.
Kết quả hoạt động cho vay thông qua các Tổ Vay vốn do Hội ND quản lý đến nay có 08/10 huyện, thị xã, thành phố thực hiện Thoả thuận liên ngành tại 82/159 cơ sở Hội. Dư nợ nguồn vốn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 2.241 tỷ đồng với 326 Tổ Vay vốn cho 10.260 hộ tham gia vay.
Từ hiệu quả của các dự án cho thấy thông qua nguồn vốn Quỹ HTND và thực hiện chương trình phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hình thành kênh dẫn vốn quan trọng, giúp hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm. Từ đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, góp phần xây dựng mô hình hợp tác sản xuất trong hội viên, nông dân và củng cố niềm tin cho cán bộ, hội viên, nông dân. Các cấp Hội ngày càng thu hút nhiều hội viên tham gia, coi trọng phương châm “vận động đi đôi với hỗ trợ nông dân”; nâng cao chất lượng hoạt động các chi, tổ Hội góp phần xây dựng tố chức Hội vững mạnh tại địa phương.