Cao Bằng: Trên 400 hộ hội viên, nông dân được vay vốn Quỹ
10:09 - 16/10/2023
(Quỹ HTND)- Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội vận động ủng hộ xây dựng Quỹ HTND trên 3 tỷ đồng; nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND hiện đang quản lý 70,8 tỷ đồng, trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác 8,7 tỷ đồng, cấp tỉnh 14 tỷ 323 triệu đồng, cấp huyện 47 tỷ 774 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã thẩm định, giải ngân 57 dự án, cho 408 hộ hội viên vay hơn 12 tỷ đồng.
Nguồn vốn Quỹ đã cho 408 hộ hội viên vay hơn 12 tỷ đồng.


Nhìn chung, các dự án thực hiện đúng quy trình, xuất phát từ nhu cầu thực tế của hội viên, vốn vay được đầu tư đúng hướng, đúng đối tượng. Tiêu biểu như Quỹ HTND huyện Hà Quảng đang quản lý gần 11 tỷ đồng, triển khai 53 dự án với trên 400 hộ vay. Phần lớn các dự án tập trung chủ yếu vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần phát triển kinh tế hộ, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo của địa phương.
 
 
Gia đình chị Vi Thị Tuyến, xóm Bình Minh, xã Thanh Long (huyện Hà Quảng) được vay 50 triệu đồng Quỹ HTND đầu tư, cải tạo chuồng trại, tăng đàn. Để hạn chế dịch bệnh và tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi, gia đình chị thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin định kỳ, bổ sung thức ăn chăn nuôi. Vừa qua, chị xuất bán 2 con trâu và 20 con lợn thu về gần 100 triệu đồng, trong chuồng hiện còn 4 con trâu vỗ béo, 30 con lợn.
 
 
Tại huyện Trùng Khánh, Hội triển khai mô hình phát triển chăn nuôi vịt cỏ thương phẩm an toàn sinh học theo chuỗi giá trị tại xã Ngọc Khê với quy mô 2.000 con/10 hộ tham gia được vay trên 100 triệu đồng Quỹ HTND. Có vốn, anh Hoàng Văn Biện, xóm Pác Thay, xã Ngọc Khê – một trong các hộ tham gia mô hình đã có điều kiện tăng đàn vịt lên trên 500 con/lứa, trong đó có 200 con được hỗ trợ giống, thức ăn, tiêm phòng, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn vịt. Trừ mọi chi phí, gia đình anh thu nhập vài chục triệu đồng/năm.
 
 
Được Quỹ HTND cho vay 100 triệu đồng, bà La Thị Hoán, tổ 1, thị trấn Trùng Khánh (huyện Trùng Khánh) đầu tư mở rộng mô hình kinh tế VAC tổng hợp và kinh doanh dịch vụ. Theo đó, gia đình bà cải tạo chuồng trại nuôi trâu, lợn, gà, trồng rau và các loại cây ăn quả. Trung bình mỗi lứa, bà nuôi gần 40 con lợn, 5 - 10 con trâu vỗ béo, gần 100 con gà. Để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, gia đình bà luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật từ khâu gây giống, vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng định kỳ, bổ sung thức ăn tinh bột và thô xanh cho đàn vật nuôi, vì vậy hạn chế được các loại dịch bệnh phát sinh và tăng hiệu quả kinh tế, cuộc sống ngày càng khấm khá.
 
 
Thực hiện tín chấp cho hội viên, nông dân vay vốn ưu đãi tín dụng chính sách, đến nay, đã có 18.984 lượt hội viên, nông dân được vay với tổng dư nợ trên 1.152 tỷ đồng thông qua 632 Tổ TK&VV.
 
 
Ông Đàm Văn Ngọc ở xóm Nà Tục, xã Đức Xuân (huyện Thạch An) được vay 30 triệu đồng ngân hàng CSXH đầu tư xây mới chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, thông thoáng để nuôi trâu bò sinh sản và chăn nuôi lợn thịt. Sau 2 năm nỗ lực vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, việc chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, cuộc sống gia đình ông từng bước ổn định và thoát nghèo cuối năm 2022.
 
 
Cơ sở sản xuất nấm Trúc Mai của anh Đỗ Văn Viên - xóm Hồng Quang 2, xã Hưng Đạo (thành phố Cao Bằng) được vay vốn ưu đãi ngân hàng CSXH đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây nhà xưởng, mua sắm các thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất như: Máy nghiền mùn cưa, trộn nguyên liệu, đóng bịch, điều chỉnh nhiệt độ, hấp khử mùi, máy sấy, các khung giàn đựng nấm. Đến nay, cơ sở sản xuất Trúc Mai có hệ thống nhà xưởng quy mô và nuôi cấy thành công nấm hương, nấm sò 4 mùa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nấm trái vụ không đủ cung cấp cho thị trường, do đó, cơ sở tiếp tục đầu tư thêm 2 nhà lạnh để tăng sản lượng nuôi cấy nấm hương, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động nông thôn với thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
 
 
Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới phương pháp vận động, kêu gọi vận động từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, hội viên, nông dân xây nguồn Quỹ HTND; tập trung cho vay đúng trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích phát triển các cây trồng đặc sản, đặc hữu, sản phẩm OCOP; thúc đẩy thực hiện tốt Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới cũng như các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đình Duy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường