(Quỹ HTND) - Thời gian qua, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Gia Lai tập trung chỉ đạo các cấp Hội thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm gia tăng nguồn vốn Quỹ HTND trợ lực cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Việc sử dụng đúng mục đích vốn vay từ Quỹ HTND đã giúp cho nhiều hộ nông dân đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Xác định rõ tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội đã có nhiều nỗ lực vượt bậc trong công tác xây dựng, quản lý, tăng trưởng nguồn vốn. Hàng năm, thực hiện Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp quan tâm, trích từ ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp.
|
Tại các địa phương trong tỉnh đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao |
Theo đó, năm 2023, UBND tỉnh đã bổ sung vốn cho Quỹ HTND tỉnh 3 tỷ đồng; đồng thời, 16/17 huyện, thị xã, thành phố được bổ sung thêm 5,66 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cấp huyện; 32/220 đơn vị Hội cấp xã được ngân sách cùng cấp phê duyệt bổ sung nguồn cho Quỹ HTND 224,8 triệu đồng. Tính đến nay, tổng nguồn ngân sách bổ sung cho Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh đạt 35.933,7 triệu đồng.
Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND trên địa bàn tỉnh đạt gần 58 tỷ đồng. Trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác hơn 8 tỷ đồng; nguồn cấp tỉnh quản lý đạt trên 13 tỷ đồng; nguồn cấp huyện đạt hơn 24 tỷ đồng; nguồn cơ sở vận động được hơn 11 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND các cấp trong tỉnh đã tổ chức bình xét, làm thủ tục, giải ngân cho 2.093 hộ hội viên vay triển khai thực hiện 167 dự án nhóm hộ và 356 phương án sản xuất, kinh doanh. Nguồn Quỹ HTND các cấp thực sự đã trở thành chiếc “phao cứu sinh” giúp hàng ngàn lượt hội viên, nông dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Đáng chú ý, 17/17 đơn vị Hội đều xây dựng được nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện. Trong đó, 12 đơn vị Hội ND cấp huyện có nguồn Quỹ HTND đạt trên 1 tỷ đồng; 5 đơn vị đạt mức từ 500 triệu đồng - 1 tỷ đồng.
Trên địa bàn, một số đơn vị Hội cấp huyện đã phát triển tốt nguồn vốn Quỹ HTND với mức tăng trưởng cao qua các năm. Tiêu biểu như: Thành phố Pleiku đạt 3,30 tỷ đồng (ngân sách cấp 3,26 tỷ đồng); thị xã An Khê 2,41 tỷ đồng (ngân sách cấp 2,40 tỷ đồng); huyện Chư Prông 1,95 tỷ đồng (ngân sách cấp 1,5 tỷ đồng; huyện Đak Pơ 1,91 tỷ đồng (ngân sách cấp 1,90 tỷ đồng)…
Trong kỳ, nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đã giải ngân được trên 16 tỷ đồng cho 589 hộ hội viên, nông dân vay để thực hiện 55 dự án và các phương án vay giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Công tác quản lý, cho vay, sử dụng vốn Quỹ HTND các cấp được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo theo đúng nguyên tắc và điều lệ.
Tại các địa phương trong tỉnh đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND phát huy hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu như: Dự án “Chăm sóc và sản xuất cà phê bền vững” tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh; dự án “Nuôi ốc bươu đen” tại xã Xuân An, thị xã An Khê; dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” tại xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện...
Từ các dự án vay vốn theo nhóm hộ đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa bàn nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình đã đạt mức thu nhập lên đến 80 -100 triệu đồng/năm, giúp hội viên, nông dân cải thiện cuộc sống.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã xây dựng và thành lập được mô hình các Câu lạc bộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Qua đó, tạo ra những điều kiện thuận lợi trong việc quy hoạch các vùng sản xuất, góp phần hình thành nên nhiều thương hiệu sản phẩm đặc thù tại mỗi địa phương.
Hội ND huyện Đăk Pơ là một trong những đơn vị phát huy hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND. Toàn huyện hiện có hơn 8.200 hội viên, nông dân, đang tham gia sinh hoạt ở 49 chi Hội thuộc 8 cơ sở Hội. Để giúp đỡ các hộ dân có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, Hội ND huyện đã triển khai 16 dự án trồng cây ăn quả, chăn nuôi và giải ngân hơn 4 tỷ đồng cho hội viên, nông dân vay.
Là tấm gương nông dân điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, hộ ông Nguyễn Hữu Bồng ở thôn An Định, xã Cư An thành công với mô hình trồng quýt đường. Được các cấp Hội hỗ trợ cho vay 20 triệu đồng trong 24 tháng, ông đã đầu tư mua thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc cho vườn quýt đường rộng 1,2 ha.
Nhờ được chăm sóc kịp thời, đúng kỹ thuật nên vườn quýt đường đạt sản lượng gần 40 tấn quả, cao gấp đôi so với các mùa vụ trước. Đến nay, ước tính thu nhập bình quân của gia đình ông đạt từ 230- 250 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết các chi phí. Có nguồn thu nhập ổn định, ông lại tiếp tục chủ động đầu tư mua sắm các vật tư nông nghiệp phục vụ tái sản xuất.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở thôn 5, xã An Thành được xét vay 20 triệu đồng từ Quỹ HTND huyện để đầu tư mua cá giống và thức ăn cho cá. Trên diện tích 2 ao nuôi rộng khoảng hơn 3.000 m2, ông thả nuôi nhiều loại cá khác nhau, đồng thời, ông còn tận dụng trồng thêm rau xanh trong vườn để bổ sung thức ăn tinh giúp đàn cá nhanh lớn.
Đến cuối năm 2022, ông thu hoạch được hơn 1 tấn cá thương phẩm, với giá bán trên thị trường khoảng 40.000 đồng/kg, doanh thu của gia đình ông đạt hơn 40 triệu đồng. Nhờ mô hình nuôi cá, gia đình ông không những nâng cao thu nhập mà còn tự chủ động về nguồn thực phẩm sạch làm thức ăn hàng ngày.
Những năm gần đây, Quỹ HTND thành phố Pleiku đã và đang trở thành một trong những kênh tín dụng quan trọng, giúp cho hội viên, nông dân trên địa bàn đẩy mạnh phát triển sản xuất. Toàn thành phố hiện có gần 300 lượt hộ hội viên, nông dân được xét vay trên 7,1 tỷ đồng nguồn Quỹ HTND các cấp để phát triển kinh tế gia đình tại 18 dự án nhóm hộ.
Qua đánh giá, hầu hết các hộ và nhóm hộ vay vốn đều có ý thức sử dụng đúng mục đích, hoàn trả nợ vay hàng tháng đúng quy định, trên địa bàn hiện không có nợ xấu. Nguồn vốn Quỹ đã giúp nhiều hộ hội viên, nông dân thành phố vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Từ giữa năm 2022, nhiều hộ hội viên, nông dân ở làng A, xã Gào gặp khó khăn do không đủ tiền mua vật tư nông nghiệp, phân bón để chăm sóc cây trồng. Hiểu được những khó khăn, vướng mắc của bà con, Hội ND xã đã quan tâm, hướng dẫn nông dân hoàn tất các thủ tục vay vốn từ nguồn Quỹ HTND tỉnh.
Nhờ đó, có 12 hộ hội viên, nông dân trong xã được xét cho vay 600 triệu đồng (mức vay 50 triệu đồng/hộ). Được tiếp thêm nguồn vốn vay, các hộ hội viên, nông dân đã đầu tư mua thêm chế phẩm sinh học, tiến hành thu gom nguyên liệu làm phân hữu cơ, tích cực chăm sóc cây trồng, cải tạo vườn tạp để tái canh vườn cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tập trung phát triển kinh tế gia đình, lại tích cực áp dụng những kiến thức khoa học kĩ thuật vào trồng trọt nên các vườn cà phê đều phát triển tốt, cho năng suất cao.
Địa bàn phường Diên Hồng, các hộ hội viên, nông dân cũng đang phát triển kinh tế gia đình nhờ các mô hình trồng trọt nhằm phát huy tốt lợi thế đất đai. Để thiết thực hỗ trợ các hộ hội viên, nông dân vượt khó vươn lên ổn định cuộc sống, các cấp Hội đã xét cho 13 hộ hội viên, nông dân của phường được vay vốn để cải tạo vườn tược và nâng cao năng suất.
Theo đó, đối với các hộ đang trồng cây ngắn ngày (rau màu, cây lương thực…) được xét vay 20 triệu đồng/hộ; các hộ trồng cây dài ngày (cà phê, hồ tiêu...) được vay 40 triệu đồng/hộ. Thời hạn vay từ 3 - 5 năm, tùy theo phương án sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh của từng hộ hoặc nhóm hộ. Nhìn chung, các hộ hội viên được vay vốn Quỹ HTND trên địa bàn phường đều có ý thức thực hiện đúng các quy định, phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn, toàn phường không có tình trạng nợ đọng.
Có thể thấy, nguồn vốn Quỹ HTND giúp nhiều hộ hội viên, nông dân mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống… Từ đó, nhiều hộ nông dân đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu, góp phần phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Qua hoạt động thiết thực của Quỹ HTND các cấp đã thu hút thêm nhiều hội viên, nông dân tham gia vào tổ chức Hội, giúp nâng cao vị trí, vai trò của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị.