Nguồn vốn Quỹ HTND là giải pháp hiệu quả giúp nhiều hội viên nông dân vươn lên phát triển kinh tế. Nguồn vốn Quỹ HTND được 100% các cấp Hội ND quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Nhiều mô hình vay vốn Quỹ HTND mang lại thu nhập khá. Trong quá trình cho vay, Hội ND luôn chú trọng đến khâu khảo sát, chọn đúng đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.
Đồng thời, Hội còn tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập các tổ hợp tác liên kết phát triển sản xuất, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh. Từ nguồn vốn Quỹ HTND, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Các hoạt động hỗ trợ vốn cho nông dân được các cấp hội tiếp tục triển khai, công tác quản lý, sử dụng vốn được duy trì hiệu quả. Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 50,114 tỷ đồng.
Trong đó, nguồn Quỹ Trung ương ủy thác 10 tỷ đồng; nguồn vốn của tỉnh 38,608 tỷ đồng (trong đó Ngân sách tỉnh trích 37 tỷ đồng), nguồn vốn cấp huyện 1,934 tỷ đồng, nguồn vốn cơ sở vận động 172 triệu đồng.
Công tác cho vay, thu hồi vốn được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo an toàn nguồn vốn. Quỹ thực hiện hỗ trợ cho hộ hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất theo nhóm hộ, trên cơ sở phát triển tổ, nhóm liên kết, hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các ngân hàng CSXH và ngân hàng Nông nghiệp và PTNT thực hiện tín chấp, hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Nguồn vốn uỷ thác ngân hàng CSXH đạt trên 1.123,5 tỷ đồng tăng 270 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ, uỷ thác tại 133 cơ sở Hội, thông qua 772 tổ TK & VV với trên 26.890 hộ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nguồn ủy thác từ ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đạt gần 1600 tỷ đồng, số hộ vay hơn 11.295 hộ.
Các nguồn vốn trên đã giúp các hộ có thêm vốn phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, phát triển ngành nghề, tăng thu nhập. Nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã, các hình thức liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Các cấp Hội chủ động phối hợp tổ chức 2.089 hội nghị tuyên truyền, giới thiệu, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 150.627 lượt cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh nhằm phát huy hiệu quả vốn vay.
Với sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương Hội NDVN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, hoạt động của Quỹ HTND các cấp ngày càng đi vào nền nếp. Công tác phát triển nguồn vốn từ tỉnh tới huyện và cơ sở được quan tâm chú trọng. Công tác cho vay đảm bảo theo quy định, tập trung vào các mô hình kinh tế tập thể, mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ, các cấp Hội đã phát huy tốt vai trò đồng hành, cùng hội viên phát triển kinh tế bền vững. Hằng năm, bình quân có trên 54,5 ngàn hộ đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có trên 36 ngàn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Thông qua phong trào ngày càng xuất hiện nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng chục tỷ đồng, thu hút nhiều lao động có công ăn việc làm ổn định có mức tiền công từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Điển hình như các mô hình: Trồng nho, trồng bưởi, hộ bà Nguyễn Thị Nhài ở thôn Lâm Xuyên, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc; chăn nuôi gà, dịch vụ thức ăn, thuốc thú y của hộ bà Nguyễn Thị Thanh Hải, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên; nuôi gà thương phẩm, sản xuất giống và nuôi thủy sản của hộ ông Trần Văn Quảng, thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên; mô hình vườn ươm cây giống tổng hợp diện tích trên 2 ha của hộ ông Nguyễn Hùng Hải, thôn Lan Hùng, xã Văn Quán, huyện Lập Thạch; trồng nho VietGap của hộ ông Nguyễn Văn Mỡ, thôn Ngọc Bảo, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên.
Các mô hình ngày càng đa dạng thu hút đông đảo nông dân tham gia, góp phần đẩy mạnh phong trào làm giàu chính đáng tại địa phương.
Qua hoạt động Quỹ HTND, hội viên nông dân trên địa bàn đã có sự thay đổi rõ nét về tư duy trong sản xuất, kinh doanh, tạo ra sự gắn bó trong liên kết sản xuất, nâng cao thu nhập, nhiều hộ vươn lên khá giả khi được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ HTND .
Nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh đã tạo động lực để hội viên, nông dân tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, sản phẩm OCOP, dự án có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Các cấp Hội tích cực hỗ trợ, hướng dẫn hội viên tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng; hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện hồ sơ tham dự đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cho cán bộ hội nông dân các cấp, hợp tác xã và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ kết nối tiêu thụ, tăng cường quảng bá các sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử góp phần nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Hiện nay, các cấp Hội ND huyện Vĩnh Tường đang quản lý hơn 9 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ HTND, ủy thác vốn vay với ngân hàng CSXH huyện hơn 146 tỷ đồng, tạo điều kiện cho hơn 3.900 hội viên vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Những năm qua, Hội ND huyện Vĩnh Tường là điểm sáng trong quản lý hiệu quả nguồn vốn vay giúp nông dân phát triển kinh tế, trong đó có vốn Quỹ HTND.
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn của Quỹ HTND, Hội ND huyện chỉ đạo thực hiện tốt các mô hình, dự án, hỗ trợ hội viên tham gia xây dựng các mô hình kinh tế tập thể.
Điển hình như mô hình trồng nho của gia đình ông Vũ Văn Yên (ở xã Yên Bình) được Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường đầu tư hỗ trợ cho thu hoạch ổn định, thu nhập đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, Hội ND huyện còn thành lập các Tổ hợp tác, CLB phát triển kinh tế như: CLB phát triển kinh tế xã Thượng Trưng, thị trấn Thổ Tang, Tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt, HTX chăn nuôi bò sữa ở các An Tường, Vĩnh Thịnh, bò 3B ở xã Bình Dương…
Những mô hình HTX, Tổ hợp tác, CLB phát triển kinh tế đã phát huy được hiệu quả, giúp các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Để đảm bảo an toàn cũng như phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, việc xây dựng, triển khai các dự án vay vốn của quỹ được thực hiện đúng quy định từ khâu lập dự án, tổ chức thẩm định, giải ngân đến quá trình kiểm tra, giám sát và thu hồi vốn. Các hộ vay vốn của Quỹ HTND đều phải ký cam kết sử dụng vốn đúng mục đích, áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh chỉ đạo các cán bộ Hội Nông dân cơ sở bám sát địa bàn, tham gia tổ chức, duy trì sinh hoạt tổ, nhóm vay vốn, kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn, định hướng, tháo gỡ khó khăn cho hội viên trong quá trình vay vốn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, giảm tình trạng "tín dụng đen" khu vực nông thôn.
Nhờ vốn vay từ Quỹ HTND, hàng nghìn lượt hội viên nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã có thêm nguồn lực phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND, đẩy mạnh phát triển nguồn vốn các cấp; triển khai thực hiện tốt Nghị định số 37/2023/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành về tổ chức thành lập và hoạt động Quỹ HTND, trong đó tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND cấp tỉnh, cấp huyện; chủ động tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn vốn Quỹ HTND ở cả 3 cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn vay, từng bước đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất hàng hóa, sản xuất hữu cơ.