|
Mô hình trồng cây ăn quả đã đem lại thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân |
Trong năm 2023, Quỹ HTND tỉnh được ngân sách tỉnh cấp 3 tỷ đồng; 16/17 huyện, thị xã, thành phố được ngân sách cấp hỗ trợ cho Quỹ HTND cấp huyện theo Quyết định 673/QĐ-TTg là 5,66 tỷ đồng, 32/220 Hội ND cấp xã thuộc thị xã An Khê, TP Pleiku, huyện Phú Thiện, huyện Đak Pơ được ngân sách cùng cấp bổ sung cho Quỹ HTND 224,8 triệu đồng. Đến nay, tổng vốn ngân sách cấp bổ sung cho Quỹ HTND các cấp trên toàn tỉnh là 35.933,7 triệu đồng.
Đáng chú ý, 17/17 đơn vị Hội có nguồn vốn Quỹ HTND cấp huyện; trong đó, có 12 đơn vị nguồn Quỹ HTND đạt trên 1 tỷ đồng; 5 đơn vị đạt mức từ 500 triệu - 1 tỷ đồng. Huyện có nguồn Quỹ HTND cấp huyện lớn nhất là thành phố Pleiku 3,30 tỷ đồng (ngân sách cấp 3,26 tỷ đồng); ngoài ra thị xã An Khê đạt 2,41 tỷ đồng (ngân sách cấp 2,40 tỷ đồng); huyện Chư Prông 1,95 tỷ đồng (ngân sách cấp 1,5 tỷ đồng; huyện Đak Pơ 1,91 tỷ đồng (ngân sách cấp 1,90 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, 41/220 xã đã được ngân sách cấp bổ sung Quỹ HTND. Trong đó: 40 xã có nguồn Quỹ đạt trên 100 triệu đồng; 66 xã đạt từ 50 - 100 triệu đồng; 90% Hội ND cấp xã cơ bản thực hiện việc chuyển nguồn vốn vận động được về Quỹ cấp huyện quản lý theo Hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Hội.
Một số Hội ND xã điển hình trong việc phát triển Quỹ HTND như: Xã Ia Nhin của huyện Chư Păh (389,520 triệu đồng); thị trấn KBang (301,428 triệu đồng), xã Tơ Tung (210,891 triệu đồng), xã Đak Rong (191,816 triệu đồng), phường An Phú, thị xã An Khê (199,224 triệu đồng)...
Hàng năm, công tác quản lý nguồn vốn vay được Ban điều hành Quỹ HTND các cấp tăng cường chỉ đạo, theo dõi thường xuyên, triển khai cho vay đúng quy trình, đúng đối tượng, đảm bảo các thủ tục theo Điều lệ và Hướng dẫn của Quỹ HTND Trung ương quy định; tập trung thu hồi vốn đến hạn, vốn quá hạn, vốn bị thất thoát, xâm tiêu hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đã giải ngân xong 25.827,1 triệu đồng cho 913 hộ vay thực hiện 92 dự án và các phương án vay. Tính đến thời điểm 30/11/2023, tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh là 54.579,7 triệu đồng cho 2.075 hộ vay để thực hiện 193 dự án nhóm hộ và 611 phương án sản xuất - kinh doanh theo hộ.
Cụ thể: Nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác đã thu hồi 6 dự án với 3.650 triệu đồng 79 hộ vay; đồng thời tiến hành giải ngân cho vay 3.650 triệu đồng vốn quay vòng hỗ trợ 72 hộ vay thực hiện 06 dự án mới. Dư nợ vốn Quỹ HTND Trung ương tính đến 30/11 là 8,59 tỷ đồng với 195 hộ vay thực hiện 16 dự án; trong đó có 13 dự án trồng trọt, 03 dự án chăn nuôi.
Đối với nguồn vốn địa phương quản lý đã thu hồi 7 dự án với số tiền 3.104,5 triệu đồng của 91 hộ vay. Đồng thời, giải ngân 6,14 tỷ đồng thực hiện 12 dự án mới cho 125 hộ nông dân vay. Hiện, dư nợ Quỹ HTND tỉnh là 13.235 triệu đồng với 28 dự án nhóm hộ hỗ trợ cho 310 hộ hội viên, nông dân vay; trong đó có 11 dự án trồng trọt, 13 dự án chăn nuôi, 04 dự án nuôi trồng thủy sản.
Tổng nguồn vốn Quỹ cấp huyện quản lý tính đến 30/11 đạt 37,27 tỷ đồng đang cho 1.570 hộ vay. Trong đó: 959 hộ vay thực hiện 149 dự án và 611 phương án sản xuất kinh doanh cho vay theo hộ với số tiền 32,75 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Hội ND tỉnh công tác quản lý, cho vay, sử dụng vốn Quỹ HTND được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy định. Nhiều mô hình hay trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt được phát huy hiệu quả như: Dự án “Chăm sóc và sản xuất cà phê bền vững” tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh; “Nuôi ốc bưu đen” tại xã Xuân An, thị xã An Khê; “Chăn nuôi bò sinh sản” tại xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện... Thông qua đó, đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở nông thôn với mức thu nhập ổn định bình quân từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình đạt mức thu nhập lên đến 80 -100 triệu đồng/năm, giúp hội viên, nông dân cải thiện cuộc sống.
Mặt khác, nguồn vốn của Quỹ HTND cũng đã tạo điều kiện thúc đẩy việc thành lập các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp, là tiền đề xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã - những mắt xích quan trọng của việc liên kết hợp tác sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp ở nông thôn. Từ các dự án còn giúp hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị... Nhờ đó, góp phần tạo ra một số sản phẩm chủ lực có chất lượng, được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký mã vạch, truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm nông nhiệp, xây dựng phát triển các sản phẩm OCOP tỉnh…
Ngoài ra, Hội ND tỉnh còn chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tạo vốn giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ của 17 chương trình tín dụng chính sách đạt 1.992,963 triệu đồng (tăng 10,1% so với năm 2022); số Tổ TK&VV thành lập và quản lý là 1.042 Tổ với 47.014 thành viên.
Hiện, 100% Tổ TK&VV đều ký hợp đồng ủy nhiệm thu lãi, thu tiền tiết kiệm vay vốn. Qua đánh giá phân loại, có 1.015 Tổ xếp loại tốt (chiếm 97,41%); 21 Tổ khá (chiếm 2,02%); 06 Tổ trung bình (chiếm 0,58%).
100% số Tổ TK&VV được ủy nhiệm thu tiết kiệm với tổng số dư tiền tiết kiệm được huy động đạt 111.316 triệu đồng, tăng 7.020 triệu đồng so với cuối kỳ báo cáo năm 2022, với 47.552 thành viên tham gia gửi tiết kiệm.
Nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nhờ đó, các phong trào thi đua trong nông dân được đẩy mạnh, tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh ở nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Một số hộ vay tiêu biểu sử dụng vốn vay Ngân hàng CSXH có hiệu quả như: Hộ ông Lê Văn Thọ ở thôn 2, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ vay vốn chương trình giải quyết việc làm 95 triệu đồng để đầu tư nuôi bò sinh sản. Hiện, gia đình ông đang duy trì nuôi 6 con bò cái, trong đó, 3 con bò đang có chửa.
Hộ bà Đỗ Thị Hồng Phượng ở thôn Đại An 1, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh được vay vốn chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với số tiền 40 triệu đồng để đầu tư trồng và chăm sóc 01 ha cây cà phê. Mô hình đang cho thu nhập ổn định, bình quân đạt 250 triệu đồng/năm.
Hộ ông Mai Văn Trọng ở thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh vay từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với số tiền 50 triệu đầu tư trồng và chăm sóc 1,2 ha cà phê mang lại nguồn thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm …
Song song với đó, 17/17 Hội ND cấp huyện đã ký chương trình phối hợp với chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT theo văn bản thỏa thuận liên ngành số 01/TTLN-HNDVN-AGRIBANK của Trung ương. 195/220 Hội ND cấp xã đã ký kết chương trình phối hợp với chi nhánh NHNo&PTNT cấp huyện. Tính đến 30/11, toàn tỉnh có 723 tổng số Tổ Vay vốn với 18.769 thành viên tham gia.
Tổng dư nợ cho vay qua Tổ vay vốn là 2.248.846 triệu đồng, dư nợ bình quân của mỗi Tổ là 3.110,4 triệu đồng. Dư nợ qua Tổ Vay vốn tăng 3.896 triệu đồng (tăng 0,17 %) so với cuối kỳ báo cáo năm 2022.
Nhiều mô hình vay vốn NHNo&PTNT thông qua Tổ Vay vốn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập cho hội viên nông dân. Một số hộ vay tiêu biểu sử dụng vốn vay có hiệu quả như: Hộ ông Rơ Châm Hlưng ở làng Bui, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh được vay vốn 200 triệu đồng đầu tư trồng 2 ha cà phê, cây ăn quả và chăn nuôi lợn, bò, nhờ mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, bình quân thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.
Hộ ông Nguyễn Ngọc Quý ở thôn 3, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ vay 70 triệu đồng để đầu tư nuôi bò sinh sản, đến nay 3 con bò cái đang có chửa, dự kiến cuối năm sinh thêm 3 bê con...
Trong năm, Hội ND tỉnh phối hợp với các Ban, trung tâm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các ngành liên quan tổ chức 58 lớp tập huấn cho hơn 3.300 lượt hội viên, nông dân về: Hướng dẫn xây dựng sản phẩm OCOP; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm; nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất theo chuỗi giá trị cho hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi...
Đồng thời, các cấp Hội đã phối hợp với Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các công ty, doanh nghiệp tổ chức các hội thảo, 328 lớp tập huấn cho 13.197 lượt cán bộ, hội viên, nông dân về kỹ thuật canh tác, cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, cách sử dụng thuốc thú y, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất...
Phối hợp với các công ty phân bón tổ chức các hoạt động tín chấp trên 5.995 tấn phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân; tổ chức 105 cuộc Hội thảo phân bón với gần 10.720 hội viên, nông dân tham gia...
Ngoài ra, nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND, bên cạnh việc hỗ trợ vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, các cấp Hội đã tổ chức hướng dẫn cho hội viên, nông dân sử dụng và truy cập mạng Internet để khai thác thông tin phục vụ sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin về khoa học kỹ thuật, thị trường; hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, tổ chức các phiên chợ nông sản. Qua đó, nhằm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt các phong trào thi đua của Hội như phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới”.v.v...