Đà Nẵng: Triển khai 179 dự án từ nguồn vốn Quỹ
10:15 - 26/09/2023
(Quỹ HTND)- Hiện tổng nguồn vốn Quỹ HTND thành phố đạt hơn 45,489 tỷ đồng; tổng dư nợ 39,426 tỷ đồng cho 1.356 hộ vay triển khai 179 dự án, góp phần nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống của hội viên, nông dân.
Nguồn vốn Quỹ đã cho 1.356 hộ vay triển khai 179 dự án.


Trong đó, Quỹ HTND thành phố đã cho 243 hộ vay 9,150 tỷ đồng thực hiện 33 dự án (nguồn Trung ương cho 10 hộ vay 500 triệu đồng thực hiện 01 dự án; nguồn địa phương cho 233 hộ vay 8,650 tỷ đồng triển khai 32 dự án.
 
 
Cùng với hoạt động hỗ trợ vốn, các cấp Hội chủ động phối hợp với ban ngành tổ chức dạy nghề, tư vấn học nghề, giải quyết việc làm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội ND các quận, huyện đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 135 buổi đào tạo nghề, 15 lớp tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, tạo việc làm ổn định cho 76 hội viên nông dân sau các lớp đào tạo nghề.
 
 
Điển hình như anh Lê Minh Trung - phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) được vay 40 triệu đồng Quỹ HTND quận đầu tư mua hành, tỏi đã qua sơ chế và thuê 1 ki-ốt tại chợ Hòa Cầm. Kinh doanh hiệu quả nên chỉ sau một năm gia đình anh đã thoát nghèo và tiếp tục vay 50 triệu đồng Quỹ HTND để mua 3 ki-ốt tại chợ Hòa Cầm, mở rộng bán các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập. Trừ mọi chi phí, anh thu nhập từ 20 - 35 triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm cho 10 lao động, với thu nhập khoảng 250.000 đồng/người/ngày. Thời gian tới, anh sẽ phối hợp các đơn vị liên quan tại quận Cẩm Lệ đóng gói sản phẩm, tạo thương hiệu để bán tại các cửa hàng, siêu thị.
 
 
Hay ông Nguyễn Thành Lâm - phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) được 2 lần vay vốn Quỹ HTND quận với tổng số tiền 100 triệu đồng để đầu tư cây giống, vật liệu, mở rộng quy mô sản xuất. Hiện cơ sở của ông tại ngã ba đường Đinh Gia Trinh - Văn Tiến Dũng có khá đông người đến mua chậu cảnh, giá bán mỗi chậu từ 30.000 - 500.000 đồng. Mỗi năm, ông trồng khoảng 1.200 các loại hoa cúc, thược dược, vạn thọ để bán vào vụ Tết. Trừ mọi chi phí, ông Lâm thu lời khoảng 160 triệu đồng/năm.
 
 
Nhận thấy nhu cầu sử dụng chả cá thác lác của người dân ngày càng tăng, ông Cao Văn Tới - xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) vay 50 triệu đồng Quỹ HTND huyện đầu tư hồ nuôi cá và chế biến chả cá. Năm 2022, ông Tới tiếp tục vay 50 triệu đồng Quỹ HTND để đầu mở rộng thêm 4 hồ với khoảng 15.000 cá thác lác. Hiệu quả từ mô hình nuôi, bán chả cá thác lác giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định, thu nhập trung bình từ 25 đến 30 triệu đồng/tháng.
 
 
Thực hiện Chương trình ủy thác với ngân hàng CSXH, đến nay tổng dư nợ do Hội quản lý đạt 964,353 tỷ đồng, cho 18.420 hộ vay thông qua 404 Tổ TK&VV; huy động vốn thông qua Tổ TK&VV đạt hơn 50 tỷ đồng.
 
 
Ông Đinh Ngọc Phương ở thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) được vay 30 triệu đồng ngân hàng CSXH đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt, chủ yếu là cá trê. Ban đầu ông chỉ nuôi 1 ao với diện tích 200m², trang trại nuôi cá ngày càng phát triển ổn định, cho năng suất, hiệu quả giúp ông từng bước mở rộng quy mô trang trại. Đến nay, ông đã có 5 ao nuôi cá trê, với diện tích hơn 1.300m². Hiện mỗi năm ông xuất bán ra thị trường hơn 35 tấn cá trê, cho doanh thu khoảng 600 triệu đồng. Trừ mọi chi phí ông lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
 
 
Anh Ngô Văn Ðen ở phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) có vườn diện tích 2,3 công đất trồng gần 100 gốc mận. Mỗi năm, anh Ðen thu hoạch 4 đợt trái, bình quân khoảng 2,5 tấn/đợt với giá thu mua bình quân 6.000 - 30.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí, lợi nhuận từ 50 triệu đồng/năm. Từ năm 2022 đến nay, anh Ðen mướn đất trồng 5 công na Thái đang phát triển tốt và trồng thêm bầu, bí. Được vay 40 triệu đồng ngân hàng CSXH để chi phí mua vật tư, phân, thuốc, mướn nhân công thu hoạch mận đã giúp anh chủ động hơn trong sản xuất.
 
 
Hay chị Nguyễn Thị Hạnh - phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) có trên 20 năm tráng bánh, chuyên bỏ mối bánh ngọt, bánh dừa. Mỗi ngày, chị tráng 2 lò được hơn 2.000 bánh. Trừ mọi chi phí, lợi nhuận khoảng 350.000 đồng. Được vay 45 triệu đồng ngân hàng CSXH, chị Hạnh mua sẵn vật liệu để tráng bánh liên tục và các thiết bị điện như: Máy nạo dừa, ép nước dừa, lò tráng bánh… để tiện hơn trong sản xuất giúp chị nâng cao thu nhập.
 
 
Bên cạnh đó, dư nợ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đến nay đạt trên 17 tỷ đồng tại 7 quận, huyện cho 170 khách hàng là hội viên nông dân với mức lãi suất cho vay 8,5%/năm.
 
 
Nhìn chung, các dự án đều đảm bảo thu hồi nợ gốc phí đến hạn đầy đủ. Nguồn vốn giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó, Hội cũng làm tốt hoạt động xây dựng các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của hoạt động Quỹ HTND, tạo sự đồng thuận tham gia ủng hộ việc vận động đóng góp xây dựng quỹ; tranh thủ tối đa nguồn vốn từ các chương trình phối hợp với các ngân hàng; tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân được vay vốn sản xuất.
Thanh Nhật
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường