|
Cùng với việc giải ngân nguồn vốn vay, các cấp Hội hướng dẫn, khuyến khích nông dân chuyển đổi phương thức sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản đạt chất lượng và mang lại lợi nhuận cao
|
Công tác xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ HTND là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội ND tỉnh, nhiệm kỳ 2018- 2023, do đó hàng năm Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND cấp tỉnh và giao chi tiêu cho các đơn vị cấp huyện tham mưu cấp ủy, UBND cùng cấp bổ sung nguồn vốn Quỹ HTND.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa hoạt động Quỹ HTND đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hội viên, nông dân nhằm tạo sự đồng thuận, đóng góp, ủng hộ tăng trưởng nguồn vốn được các cấp Hội tích cực triển khai.
Ban Thường vụ ND dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tham mưu với UBND cùng cấp tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh. Nhằm nâng cao hiệu quả các dự án vay vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh tập trung đầu tư các mô hình kinh tế theo thế mạnh từng vùng, từng địa phương, nhờ đó phát triển được nhiều mô hình kinh tế liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Nguồn Quỹ HTND đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Để nguồn vốn Quỹ HTND phát huy hiệu quả, Hội ND tỉnh luôn chú trọng công tác huy động xây dựng Quỹ, quản lý, điều hành, thẩm định dự án và giải ngân nguồn vốn bảo đảm thực hiện đúng quy trình, thủ tục quy định. Đồng thời, Hội cũng sẽ lựa chọn những mô hình vay vốn phù hợp, có tính khả thi, đảm bảo phát huy hiện quả nguồn vốn và có khả năng nhân rộng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân đã chú trọng việc cho vay vốn theo các dự án, mô hình điểm có sự liên kết của các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, chi Hội, tổ Hội nghề nghiệp hoặc các nhóm hộ cùng sản xuất một loại sản phẩm.
Đến nay, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tăng trưởng hơn 5,4 tỉ đồng nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt trên 82 tỷ đồng, cho vay gần 400 dự án với hơn 2.300 hộ vay.
Hiện 15/15 Hội Nông dân huyện, thị xã, thành phố phát triển được nguồn vốn Quỹ HTND và có nguồn vận động Quỹ đạt trên 1 tỉ đồng. Các cấp Hội cho hơn 331 hộ vay hơn 12 tỉ đồng triển khai các dự án phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong đó nguồn vốn Trung ương phân bổ đã giải ngân 2 dự án, nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác đã giải ngân 7 dự án, còn là nguồn vốn cấp huyện quản lý. Bên cạnh đó, Quỹ HTND các cấp thu hồi 13,8 tỉ đồng của 370 hộ vay tại 52 dự án phát triển sản xuất kinh doanh.
Thông qua hoạt động cho vay vốn, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã thành lập 947 chi Hội, 4.238 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, là nền móng vững chắc của Tổ hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp. Hội đã thành lập hơn 1.256 Tổ hợp tác, 208 Hợp tác xã, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Nhằm hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh phối hợp Hội Nông dân các cấp xây dựng các dự án vay vốn phát triển sản xuất; đồng thời, thẩm định, giải ngân kịp thời nguồn vốn.
Hội cũng tập huấn kỹ thuật và kỹ năng quản trị tổ chức sản xuất giúp nông dân phát triển sản xuất; đẩy mạnh chuyển đổi số; tham gia sử dụng dịch vụ thương mại điện tử; đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Vốn Quỹ HTND cũng là cầu nối tạo điều kiện để các cấp Hội thực hiện tốt việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh cơ cấu tập trung.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn khuyến khích nông dân vay vốn Quỹ HTND tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản.
Nhằm nâng cao hiệu quả các dự án vay vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh đã tập trung đầu tư các mô hình kinh tế theo thế mạnh từng vùng, từng địa phương, nhờ đó mà phát triển được nhiều mô hình kinh tế liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Điển hình như các mô hình trồng lúa ứng dụng công nghệ cao tại các huyện: Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Tân Thạnh; các mô hình trồng rau theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An; dự án nuôi bò sinh sản tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ.
Nhìn chung, nguồn vốn Quỹ HTND được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả, giúp đỡ cho hội viên nông dân có điều kiện đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện lao động, đất đai của từng vùng, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng có giá trị, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Quỹ HTND, ông Huỳnh Văn Hữu Hiệp ở xã Long Cang, huyện Cần Đước đã có điều kiện để đầu tư sản xuất. Ông là điển hình nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND.
Theo đó, có vốn ông đã đầu tư mua giống, hệ thống tưới tự động, phân bón để sản xuất rau màu.Ngoài ra, ông Hiệp còn được Hội Nông dân tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau màu. Nhờ đó, vườn rau của ông phát triển tốt.
Các loại rau màu mà ông thường trồng là dưa leo, bầu, bí, khổ qua. Trung bình mỗi năm, ông sản xuất từ 3-4 vụ, lợi nhuận mỗi vụ đạt từ 40-70 triệu đồng. Nhờ đó, ông đã hoàn trả vốn đúng hạn và tiếp tục vay vốn mới để mở rộng quy mô sản xuất.
Bên cạnh đó, nguồn vốn từ Quỹ HTND được Hội Nông dân huyện Tân Thạnh triển khai hiệu quả, giúp bà con nông dân có điều kiện để chuyển đổi, phát triển sản xuất. Điển hình như anh Lê Trọng Nghĩa (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) đã chuyển đổi nuôi cá tra sang trồng mít Thái và sầu riêng sau nhiều vụ nuôi cá tra giống bị thua lỗ.
Được vay 100 triệu đồng của Quỹ HTND, anh đã đầu tư lấp ao, mua cây giống. Đồng thời, anh còn tiến hành cải tạo đất. Hiện nay, anh Nghĩa đã thu hoạch được 1 đợt mít với sản lượng khoảng 15 tấn, còn sầu riêng thì được hơn 1 năm tuổi và phát triển tốt. Mô hình hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình anh.
Đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Bến Lức đã vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND đạt hơn 12 tỉ đồng, trong đó gồm vốn Trung ương, tỉnh, huyện. Nguồn vốn Quỹ đã hỗ trợ các hộ gia đình trên địa bàn huyện triển khai thực hiện 30 dự án trồng trọt, chăn nuôi nhằm gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Hội Nông dân xã Bình Đức, huyện Bến Lức đang quản lý 1 dự án Quỹ HTND với số tiền 560 triệu đồng, có 11 hộ vay vốn. Các hội viên vay vốn chủ yếu đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ. Từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ nông dân có điều kiện mở rộng quy mô, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Nguồn vốn Quỹ giúp hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế. Trong quá trình bình xét cho vay, Hội Nông dân huyện, xã khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và các điều kiện khác để phát huy hiệu quả.
Để phát triển nguồn vốn Quỹ HTND, Hội Nông dân xã Thạnh Lợi đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND. Hội đang quản lý nguồn vốn 97 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã tranh thủ Quỹ HTND của Trung ương, tỉnh để giải ngân cho 3 dự án trồng chanh ứng dụng công nghệ cao, có 30 hộ vay ở ấp 2, ấp 5, ấp 6 với sồ vốn 1,5 tỉ đồng. Từ nguồn vốn trên, bà con nông dân đầu tư hệ thống tưới, phun bằng xuồng máy chạy trong kênh, mương, từ đó giảm thời gian, chi phí thuê nhân công phun tưới. Nhìn chung các hộ vay đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả.
Được Hội Nông dân xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh tạo điều kiện vay vốn 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND để phát triển sản xuất, kinh doanh, chị Lê Thùy Trinh đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc và mở rộng cơ sở làm nhang. Cũng từ đó, cuộc sống gia đình chị từng bước ổn định hơn.
Hiện nay, cơ sở làm nhang của chị Trinh có 3 máy xe nhang. Mô hình tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Bên cạnh đó, chị còn giao nguyên liệu đến một số hộ có sẵn máy để họ gia công.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị sản xuất được 300-450 thiên nhang (mỗi thiên 1.000 cây) để giao cho khách hàng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh việc cho vay vốn, Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho nông dân.
Qua các hoạt động thiết thực của Hội ND tỉnh đã giúp hội viên nông dân, nhất là hộ nghèo sử dụng vốn hiệu quả, có thêm điều kiện mở rộng quy mô phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Nguồn vốn Quỹ trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân tỉnh xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề và hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Đồng thời, chủ động và tích cực tham mưu với chính quyền trích ngân sách bổ sung cho Quỹ HTND; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nguồn ngoài ngân sách; phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế, giúp cải thiện, nâng cao đời sống hội viên nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa phương.