Huy động nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
16:14 - 28/08/2024
(Quỹ HTND) - Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế. Trong đó, Quỹ HTND là một trong những nguồn lực quan trọng, hỗ trợ hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống bà con nông dân.
Việc cho vay Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi để phát triển chăn nuôi góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân


 
Quỹ HTND tỉnh được thành lập vào năm 1996, hình thức cho vay được tiến hành theo phương án sản xuất kinh doanh đề xuất từ nhóm hộ ở cơ sở, kết hợp xây dựng các mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp theo từng đối tượng cây trồng, vật nuôi.


Các cấp Hội thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc, nội dung hoạt động của Quỹ HTND.
 

Phương thức cho vay hiện nay đã phát huy được tính liên kết trong cộng đồng không những tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn gắn bó, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất mà còn tác động tích cực khuyến khích người vay sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, giảm thiểu tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, bảo quản chế biến, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp, mất an toàn vệ sinh lao động, ô nhiễm môi trường.


Để quản lý và và sử dụng nguồn Quỹ HTND có hiệu quả, đúng quy định Hội Nông dân huyện và các cơ sở đã chủ động làm tốt công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, kiểm soát Quỹ khi có sự thay đổi về công tác cán bộ.


Nhờ nguồn vốn Quỹ, hội viên nông dân có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, thu nhập được cải thiện, từng bước vượt khó thoát nghèo.


Qua đó, góp phần vào thành công và lan toả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trở thành điểm sáng trong đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 58.782 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

 
Việc cho vay Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.


Bên cạnh đó, các cấp Hội còn trực tiếp, phối hợp vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, duy trì phát triển các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, các mô hình kinh tế tập thể, Tổ hợp tác, HTX; các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp. Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân.

 
Các dự án Quỹ HTND không vì mục đích lợi nhuận đạt được, thông qua các dự án đã thành lập được 32 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, 2 chi Hội Nông dân nghề nghiệp là nền móng vững chắc của Tổ hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp. Hội Nông dân các cấp đã hướng dẫn, thành lập 9 Tổ hợp tác, 13 Hợp tác xã nông nghiệp.


Hiện toàn tỉnh có gần 170 dự án được đầu tư từ Quỹ HTND, với tổng nguồn vốn hơn 42 tỉ đồng, cho 1.700 lượt hộ vay phát triển kinh tế với mức vay từ 20-50 triệu đồng/hộ.


Trong đó có hơn 7,8 tỉ đồng là vốn ủy thác của Trung ương Hội Nông dân; gần 9,4 tỉ đồng nguồn vốn cấp tỉnh; gần 25 tỉ đồng nguồn vốn cấp huyện. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã giải ngân 8 dự án với 3,7 tỉ đồng cho 80 hộ vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

 
Việc cho vay và quản lý các nguồn vốn vay được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của Điều lệ Quỹ HTND TW và Hội cấp trên; công tác bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng từ chi, tổ Hội; chấp hành nghiêm việc thu phí, thu gốc, không có nợ quá hạn.


Đồng thời tạo điều kiện để nông dân phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có của từng vùng mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu như: Chăn nuôi bò sinh sản tại xã An Hòa Hải (huyện Tuy An), trồng khóm Đồng Din tại thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), đánh bắt thủy hải sản trên biển tại xã An Mỹ (huyện Tuy An), nuôi cá mú thương phẩm ở xã Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu).

 
Nhiều mô hình, dự án liên kết đạt hiệu quả nhờ biết tận dụng tốt lợi thế vùng, phát huy được các thế mạnh của mỗi địa phương cũng đã góp phần hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa nông sản phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.


Bên cạnh việc hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn sản xuất, Hội Nông dân tỉnh luôn tăng cường kiểm tra, giám sát, thu hồi nợ đúng quy định; phối hợp với các ngành tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học  kỹ thuật cho hàng nghìn lượt hội viên, từ đó giúp nông dân nâng cao kiến thức trong sản xuất và phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập.


Thông qua hoạt động Quỹ, nhiều loại hình tổ, nhóm nông dân liên kết, hợp tác giúp nhau gắn với công tác xã hội cũng được hình thành, phát triển, tác động tích cực, khuyến khích người nông dân sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất.


Tổ Hội hợp tác nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa tại phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa là một trong những tổ Hội vay vốn từ Quỹ HTND với số tiền 400 triệu đồng để phát triển sản xuất.


Sau các vụ thực hiện mô hình, kết quả năng suất tôm đạt từ 600-650kg/2ha/vụ với giá bán 200.000-300.000 đồng/kg; năng suất lúa đạt 7-7,5 tấn/2ha/vụ với giá bán 7.000 đồng/kg, tổng thu 8 vụ hơn 1 tỉ đồng, đã thu hồi được vốn và lãi hơn 300 triệu đồng.

 
Tại thị xã Đông Hòa trước đây, do không có vốn ban đầu nên bà con nông dân phải lấy con giống và thức ăn nuôi tôm từ một đầu mối. Đầu mối này bao tiêu cho người dân từ khâu bán giống, thức ăn, đến thu mua tôm thành phẩm, do đó lợi nhuận của nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào người cung cấp và thu mua sản phẩm. Tuy nhiên, từ khi có vốn vay từ Quỹ HTND, nông dân đã tự quyết định nơi mua con giống và thức ăn cho tôm nên lợi nhuận cao hơn.


Cùng với các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ HTND, thời gian qua nguồn vốn từ các ngân hàng cũng là một kênh quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh.


Tính đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với ngân hàng CSXH giải ngân vốn ủy thác hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt tổng dư nợ đạt 1.488.357 triệu đồng với 29.615 hộ vay tại 747 Tổ TK&VV; phối hợp với ngân hàng NN & PTNT tỉnh giải ngân cho vay vốn, nâng tổng dư nợ đạt 1.151.419 triệu đồng với 14.886 hộ vay, 751 Tổ Vay vốn.

 
Để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Phú Yên luôn bám sát các nội dung ủy thác, Nghị quyết của Ban đại diện Hội đồng quản trị ngân hàng, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.


Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội ký kết văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận hợp tác với ngân hàng NN & PTNT, ngân hàng CSXH tỉnh Phú Yên để triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; ủy thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

 
Từ nguồn vốn vay của các ngân hàng đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tại địa phương nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực làm cho số hộ nông dân khá, giàu tăng lên, số hộ nghèo ngày càng giảm.


Điển hình như các mô hình: Nông lâm kết hợp chăn nuôi của ông Bùi Minh Tâm (huyện Sông Hinh); nuôi bò vỗ béo của ông Nguyễn Văn Trung (huyện Phú Hòa); nuôi heo bằng công nghệ khép kín của ông Phùng Hồng Em (thị xã Sông Cầu) thu nhập 2 tỷ đồng/năm; nuôi tôm hùm và tôm thẻ chân trắng, ốc hương tập trung ở các huyện ven biển cho thu nhập cao.


Tại thôn Long Thạch, xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh đã vươn lên phát triển kinh tế từ việc chăn nuôi bò nhờ nguồn vốn 60 triệu đồng của ngân hàng CSXH.


Đến nay, mô hình đã giúp  gia đình chị mới duy trì ổn định mô hình chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Thông qua các nguồn vốn vay trên đã giúp các hộ hội viên nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm của địa phương.


Từ thực tế công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện việc quản lý nguồn vốn Quỹ HTND các cấp giúp hội viên phát triển kinh tế, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh còn thường xuyên triển khai tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Quỹ HTND các cấp; đặc biệt là nghiệp vụ về cho vay và nghiệp vụ tài chính, kế toán Quỹ.


Đồng thời chú trọng công tác sơ kết, tổng kết định kỳ để đánh giá những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, thiếu sót nhằm kịp thời khắc phục; phổ biến nhân rộng các mô hình đạt kết quả tốt. Quan tâm công tác thi đua, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác Quỹ, hội viên sử dụng hiệu quả đồng vốn.


Song song với việc hỗ trợ hội viên, nông dân về nguồn vốn vay, công tác tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con cũng được các cấp Hội triển khai thực hiện thường xuyên.


Mặt khác, các cấp Hội trong tỉnh còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân tăng cường việc kết nối liên kết trong sản xuất, cung ứng vật tư, cây, con giống, xây dựng thương hiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm.


Có thể khẳng định, công tác Hội ở những nơi có dự án Quỹ HTND ngày càng được củng cố vững mạnh, hội viên, nông dân phấn khởi, tích cực tham gia phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đội ngũ cán bộ Hội các cấp năng lực nghiệp vụ ngày càng được nâng lên, có điều kiện tiếp cận với kiến thức quản lý tài chính trong quá trình tổ chức triển khai dự án và hoạt động nhận ủy thác tại địa phương.

 


Hồng Lạc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng