Đòn bẩy từ vốn Quỹ HTND
16:14 - 28/08/2024
(Quỹ HTND)  - Với sự hỗ trợ tích cực từ nguồn vốn Quỹ HTND, thời gian qua, Hội Nông dân Đăk Nông đã thực hiện tốt việc hỗ trợ  sử dụng vốn vay giúp hội viên, nông dân đầu tư xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Nguồn vốn Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống cho hội viên, nông dân


 
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh luôn xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của nguồn vốn Quỹ HTND các cấp, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội và phong trào nông dân.


Nguồn vốn ngày càng lớn mạnh đã giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên, nông dân trên địa bàn trở nên thuận lợi, có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.


Để nguồn Quỹ HTND phát huy hiệu quả tối đa, với số vốn được cấp bổ sung hàng năm, Ban điều hành Quỹ HTND căn cứ vào nhu cầu của hội viên, chỉ đạo Hội ND các cấp tiến hành khảo sát, bình xét, lựa chọn và hướng dẫn các hộ xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh; thẩm định trước khi giải ngân.


Các mô hình vay vốn Quỹ HTND phần lớn đều đạt hiệu quả, người vay tăng thu nhập. Thông qua những mô hình phát triển sản xuất không những tạo việc làm, tăng thu nhập cho những hộ trực tiếp tham gia dự án mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề thủ công, làng nghề truyền thống.

 
Tính đến tháng 6/2024, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đạt gần 66 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ HTND T.Ư ủy thác đạt gần 11 tỷ đồng, Quỹ HTND cấp tỉnh là trên 22,6 tỷ đồng, Quỹ HTND cấp huyện là trên 32 tỷ đồng.


Có được kết quả trên là nhờ hàng năm, Ban vận động Quỹ HTND tỉnh đã kịp thời ban hành các kế hoạch vận động ủng hộ xây dựng Quỹ và tích cực triển khai thực hiện đến từng cơ sở Hội. Hội ND các huyện, thành phố cũng chủ động tham mưu với cấp ủy cùng cấp và nhận được sự quan tâm, ủng hộ.

 
Nguồn vốn vay Quỹ HTND các cấp đã góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả ở khu vực nông thôn.


Đã có nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được hình thành tại nhiều địa phương trong tỉnh, góp phần tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng, khẳng định được thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao và xây dựng, phát triển thành các sản phẩm OCOP có chất lượng. Thông qua nguồn Quỹ HTND, nhiều mô hình kinh tế thiết thực đã được triển khai hiệu quả, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.


Hiện nay, trên địa bàn huyện Cư Jút có 17 dự án được vay vốn từ Quỹ HTND, với tổng số tiền 5,3 tỷ đồng. Với thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng, phí vay thấp và được hỗ trợ kỹ thuật, nguồn Quỹ HTND đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Quỹ HTND của Hội Nông dân huyện Cư Jút còn cho nhiều hộ dân vay vốn phát triển trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.


Không những được vay vốn lãi suất ưu đãi các hội viên còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và xử lý bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Vì vậy mà các mô hình, dự án phát triển ổn định mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.


Là 1 trong những hộ sử dụng hiệu quả vốn vay Quỹ HTND, anh Phan Văn Hoàng ở thôn Tân Ninh, xã Nam Dong được Quỹ HTND của Hội Nông dân huyện Cư Jút cho vay 50 triệu đồng phát triển chăn nuôi. Có vốn, anh đã đầu tư mô hình nuôi dê nhốt chuồng.


Ngoài vốn vay Quỹ HTND, anh còn được Hội ND huyện hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi nên đàn dê sinh trưởng tốt, phát triển đàn nhanh.


Đến nay, đàn dê của gia đình anh Hoàng có 70 con, chủ yếu là dê sinh sản. Mỗi năm dê sinh sản 2 lứa, bán dê thịt và dê giống, trừ chi phí mỗi năm gia đình ăn thu lợi khoảng 100 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế của gia đình anh ngày càng ổn định.


Hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ HTND đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, phát triển kinh tế hiệu quả. Điển hình như hộ bà Hoàng Hải Yến tại thôn Tân Ninh, xã Nam Dong, huyện Cư Jút bắt đầu chăn nuôi dê từ năm 2018, nhưng nguồn vốn không nhiều nên chỉ mua được 6 con dê giống.  


Thấy đàn dê phát triển, muốn mở rộng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi, bà Yến được vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND tiếp tục đầu tư mô hình. Đến nay, đàn dê của gia đình bà đã có trên 100 con. Mỗi năm gia đình bà thu về khoảng 200 triệu đồng.


Từ nguồn vốn Quỹ HTND, mô hình trồng rau an toàn của ông Nguyễn Văn Giới ở bon U3, thị trấn Ea T'ling, huyện Cư Jút ngày càng phát triển. Có vốn, ông đã đầu tư trồng rau an toàn.


Đồng thời, gia đình ông được cán bộ Hội Nông dân huyện đến tận vườn tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật vườn rau xanh tốt bán giá cao hơn rau ngoài chợ. Trừ chi phí, mỗi năm, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng. Giá rau bán ra ổn định đầu ra, kinh tế gia đình ông Giới ngày càng ổn định.


 
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nin, ở thôn 8, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp, trước đây có điều kiện kinh tế khó khăn. Sau khi được vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND, kinh tế gia đình ông đã có nhiều đổi thay. 


Nguồn vốn này đã giúp gia đình ông có điều kiện áp dụng khoa học, đầu tư phân bón vào sản xuất nông nghiệp. Hiện, gia đình ông có 5 ha cà phê, năng suất đạt 4 tấn/ha/vụ; 1 ha hồ tiêu đạt 5 tấn/ha/vụ. Các loại cây ăn trái, chanh dây của gia đình đều cho năng suất cao. Đến nay, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 800 triệu đồng. Mô hình của gia đình tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

 
 Công tác quản lý nguồn vốn từ Quỹ HTND luôn được các đơn vị chú trọng, đồng thời thường xuyên tuyên truyền đến hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn hỗ trợ.


Từ đó, bà con nông dân phát huy tốt nguồn vốn vay, đồng thời tích cực tham gia đóng góp xây dựng nguồn vốn Quỹ, giúp nguồn vốn Quỹ tăng trưởng nhanh. Đơn vị quản lý vốn vay chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích sản xuất. Nhờ đó đã nâng cao hiệu quả vốn vay, mang lại giá trị thiết thực với bà con nông dân.


Nhờ có nguồn vồn Quỹ HTND, nhiều cơ sở Hội đã thành lập các nhóm hội cùng mục đích sản xuất theo quy mô hàng hóa; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX mang lại giá trị kinh tế cao.


Đến nay, Hội hỗ trợ thành lập 273 tổ hợp tác, 160 HTX nông nghiệp. Trong đó, các cấp Hội ND trực tiếp hướng dẫn thành lập là 73 HTX, 254 Tổ hợp tác. Nông dân Đắk Nông đang làm chủ trên 1.085 trang trại. Các trang trại đang tạo tiền đề để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, liên kết. Từ đó, đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu hàng hóa đặc trưng của tỉnh. 


Thực hiện Nghị định số 37/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND, Hội Nông dân tỉnh đã giao Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân chủ trì tham mưu xây dựng đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND tỉnh Đăk Nông theo Nghị định 37. Thực hiện lấy ý kiến góp ý của các sở, ban, ngành, UBND các huyện/thành phố để hoàn thiện trình HĐND tỉnh thông qua.


Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Quỹ HTND Trung ương tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ huyện, và cơ sở về thực hiện Nghị định 37/2023/NĐ-CP của Chính Phủ và công tác xây dựng quản lý điều hành Quỹ HTND; nhiệm vụ giải pháp nâng cao chất lượng chương trình phối hợp với ngân hàng CSXH.


Đồng thời kiểm tra các hộ vay vốn và quản lý, điều hành Quỹ HTND tại xã Quảng Tâm huyện Tuy Đức. Qua công tác kiểm tra các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Quỹ HTND đã phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và đời sống cho hội viên, nông dân.


Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp Hội trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên, nông dân. 


Nhờ có nguồn vốn Quỹ, nhiều cơ sở Hội đã thành lập các nhóm hội cùng mục đích sản xuất theo quy mô hàng hoá; xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả.


Nhờ mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, nông dân Đắk Nông đã nâng cao giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp từ 64,7 triệu đồng/ha lên 71,5 triệu đồng/ha. Sản phẩm của bà con nông dân ngày càng đa dạng, phong phú. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường.


Toàn tỉnh hiện có 60 sản phẩm của 54 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, cơ sở sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP.


Trong đó, có 7 sản phẩm đạt 4 sao, bao gồm: Bơ núi lửa Krông Nô (HTX Nông nghiệp dịch vụ bơ núi lửa Krông Nô); bưởi Sang’s Farm (HTX Nông nghiệp thương mại, dịch vụ Sang’s Farm); cam sành núi lửa và quýt đường núi lửa (HTX Nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú); Hạt điều rang muối (Công ty TNHH Hồng Đức); gạo ST24 Krông Nô (HTX sản xuất lúa gạo Buôn Chóah); cà phê bột Đắk Đam (HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An).


Đóng góp vào thành công nền nông nghiệp của tỉnh phải kể đến phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi do Hội ND phát động trở thành “điểm sáng”, lan toả đã thu hút nông dân vào tổ chức Hội.


Hàng năm, có hơn 32.000 lượt hộ nông dân trong tỉnh đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó hơn 18.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. 
 

Thời gian tới, Hội ND các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND; xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và xây dựng dự án mới, phù hợp tình hình thực tế địa phương; quan tâm huy động các nguồn lực nhằm tăng cường nguồn vốn, giúp thêm nhiều hội viên khó khăn được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
 
 
 
 
Tiến Vui
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng