Thừa Thiên Huế: Hội viên, nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND
16:20 - 26/08/2024
(Quỹ HTND) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Nông dân ở tỉnh đã thực hiện hiệu quả việc hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển các mô hình kinh tế.

Mô hình nuôi cá Chình thương phẩm thực hiện từ nguồn vốn vay Quỹ HTND giúp nhiều hộ thoát nghèo


Theo đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường chỉ đạo Ban Thường vụ Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp và giao chỉ tiêu phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho các huyện, thị, thành Hội.


Việc vận động, huy động nguồn Quỹ HTND từ hội viên nông dân đóng góp theo chỉ tiêu hằng năm được triển khai tích cực. Nguồn vốn Quỹ HTND huy động từ các cấp, ngành tiếp tục hỗ trợ cho nông dân vay kịp thời, giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động. Nguồn vốn cho vay tuy không lớn nhưng giúp nhiều hội viên khó khăn, không có điều kiện thế chấp được tín chấp vay vốn phát triển sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng vay nặng lãi.


Ban Thường vụ HND tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND các cấp, giao chỉ tiêu phát triển nguồn vốn Quỹ HTND năm 2024 cho HND các huyện, thị xã, TP. Huế.


Sáu tháng đầu năm 2024, tăng trưởng Quỹ HTND toàn tỉnh đạt 2,450 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý là 33,285 tỷ đồng. Qua đó giúp nông dân xây dựng được 206 dự án và 997 lượt hộ vay vốn.


Hoạt động hỗ trợ vốn tiếp tục được các cấp Hội quan tâm hỗ trợ cho hội viên nông dân đầu tư phát triển sản xuất. Kết quả, Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh đã thẩm định dự án mai Điền Hòa và giải ngân 4 dự án cây cảnh vinh thanh, xen ghép vinh an, tràm lộc thủy, bò bình thành.


Các cấp Hội để tín chấp cho nông dân vay vốn, dư nợ uỷ thác NHCSXH qua kênh Hội Nông dân đến 31/7/2024 đạt 1.304 tỷ với 27.048 hộ vay vốn còn dư nợ, thuộc 686 Tổ TK&VV, tỷ lệ nợ quá hạn 0,04%.


Dư nợ tại Ngân hàng NN&PTNT đạt 375,333 triệu đồng thông qua 192 tổ vay vốn với 3.390 hộ vay. Dư nợ tại Ngân hàng Liên Việt đạt dư nợ 48,155 triệu đồng cho 1.773 hộ vay thông qua 127 tổ vay vốn.


hàng loạt dự án (DA) được triển khai mang lại hiệu quả bằng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND. Điển hình như DA trồng tràm nguyên liệu ở xã Lộc Thủy (Phú Lộc) với 10 hộ vay 500 triệu đồng. Đến nay, các hộ tham gia DA phát triển được diện tích rừng trồng, đầu ra ổn định và cho thu nhập khá cao.


DA cho vay vốn phát triển một số ngành nghề có lợi thế của địa phương mang lại hiệu quả như sản xuất, kinh doanh cây cảnh, mai vàng tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền; nghề chổi đót, chổi rành, tăm hương ở thị xã Hương Thủy, thành phố Huế; trồng nấm rơm ở huyện Phú Vang, ứng dụng nhà lưới công nghệ cao trong nông nghiệp ở huyện Nam Đông.


Một số DA nuôi thủy sản, nuôi thủy sản xen ghép ở các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền; nuôi tôm trên cát ở huyện Phong Điền mang lại hiệu quả thiết thực. DA nuôi cá lồng ở xã Quảng Phú (Quảng Điền) với 10 hộ vay 300 triệu đồng, giúp mỗi hộ thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm. DA nuôi cá ao hồ ở phường Thủy Phương với 10 hộ vay 300 triệu đồng, mỗi hộ thu nhập 30-40 triệu đồng/năm.


Tại xã Thủy Phù có 10 hộ vay 500 triệu đồng thực hiện DA chăn nuôi bò sinh sản. Qua theo dõi, kiểm tra định kỳ cho thấy, điều kiện tự nhiên tại địa phương phù hợp để chăn nuôi bò, khả năng nhân rộng, tăng đàn cao, giúp bà con có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định kinh tế gia đình.


10 hộ ở xã Quảng Phước (Quảng Điền) được Quỹ HTND tỉnh tạo điều kiện giải ngân cho vay 300 triệu đồng triển khai nuôi thủy sản xen ghép. Đây là mô hình phù hợp với năng lực của người dân, địa phương trong điều kiện thời tiết, môi trường diễn biến ngày càng phức tạp, ứng phó biến đổi khí hậu. Vay vốn từ Quỹ HTND bằng phương thức tín chấp, lãi suất ưu đãi còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất và đời sống.


Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, bà Phan Thị Châu đánh giá, Quỹ HTND là một trong những kênh giúp nông dân dễ dàng tiếp cận, thuận lợi trong việc vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD). DA, mô hình nuôi thủy sản xen ghép của 10 hộ vay vốn 300 triệu đồng từ Quỹ HTND tỉnh thật sự mang lại hiệu quả. Qua các vụ nuôi, các hộ đều có lãi bình quân mỗi vụ từ 30-40 triệu đồng/hộ.


Theo lãnh đạo xã Hương Thọ (TX. Hương Trà, nay là TP. Huế), trong khi đa dạng hóa các kênh cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận, lựa chọn thì Quỹ HTND là kênh phù hợp với nhiều hộ gia đình, nhất là với những hộ không có tài sản thế chấp. Tại xã Hương Thọ có 12 hộ vay 800 triệu đồng từ Quỹ HTND để đầu tư DA trồng, chăm sóc và thâm canh cây thanh trà.


Các hộ vay đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho cây thanh trà và ứng dụng các biện pháp thâm canh, chăm sóc phù hợp đã cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn trước. DA giúp cây thanh trà phát triển bền vững, người dân có nguồn thu nhập ổn định và mạnh dạn mở rộng diện tích.


Thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, nhiều DA, mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Tại xã Thủy Phù (TX. Hương Thủy) có 10 hộ vay 500 triệu đồng nuôi bò sinh sản, hiện đang phát triển tốt, khả năng tăng đàn cao, giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế. Các DA nuôi cá nước lợ ở xã Vinh Hưng (Phú Lộc), trồng sen ở Vinh Thanh (Phú Vang), trồng cao su ở Xuân Lộc (Phú Lộc) có khoảng 30 hộ vay hàng tỷ đồng đã phát huy hiệu quả, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 30-50 triệu đồng/năm.


Tại thị trấn Sịa (Quảng Điền), tiềm năng nuôi cá chình giống và thương phẩm trên địa bàn thị trấn được xác định khá lớn. Đây là loài thủy đặc sản có giá trị cao và thị trường tiêu thụ rộng lớn. Nhiều hộ vùng đầm phá thị trấn có nhu cầu nuôi cá chình, song vốn đầu tư sản xuất luôn là trở lực đối với bà con. Để giúp dân có điều kiện sản xuất, HND thị trấn Sịa đề nghị HND tỉnh hỗ trợ DA nuôi cá chình thương phẩm bằng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND. Theo đó, có 5 hộ được vay 500 triệu đồng thực hiện DA nuôi cá chình, bước đầu mang lại hiệu quả, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.


Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân đều thể hiện sự mong muốn được tăng thời hạn vay lên từ 3-5 năm nhằm phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi cũng như chu kỳ sinh lợi của DA, giúp người vay có điều kiện xây dựng, triển khai mô hình hiệu quả hơn. Với người dân tham gia các DA nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh, nông sản khó tiêu thụ do ảnh hưởng dịch COVID-19 gặp khó khăn trong việc trả nợ có nguyện vọng được tạo điều kiện gia hạn nợ. Ban điều hành Quỹ HTND đang đề xuất, kiến nghị Trung ương HND Việt Nam, HND tỉnh có cơ chế, chính sách gia hạn nợ cho nông dân.


Trước nhu cầu vay ngày càng lớn, HND tỉnh đang triển khai các giải pháp huy động, tăng nguồn vốn cho Quỹ HTND. Các cấp HND tranh thủ huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, các HTX, trang trại, hộ nông dân SXKD giỏi, các nhà hảo tâm. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ qua các DA quốc gia, quốc tế, nguồn ngân sách địa phương bổ sung vào nguồn vốn Quỹ HTND.


Việc triển khai tốt các dự án vay vốn Qũy HTND và các ngân hàng đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ, xây dựng nhiều mô hình kinh doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 


Bên cạnh đó, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, qua đó đã tư vấn, hỗ trợ cho hàng nghìn hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát được Hội ND các cấp chú trọng thực hiện thường xuyên, qua các đợt kiểm tra, các dự án vay vốn Quỹ được thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra, đúng đối tượng, các hộ vay vốn đúng mục đích và mang lại hiệu quả.


Qua hoạt động cho vay vốn từ nguồn vốn Quỹ HTND để thực hiện mô hình dự án, các hoạt động phong trào của Hội cũng không ngừng được đẩy mạnh và phát triển tại địa phương. Quỹ HTND hoạt động với phương châm "phi lợi nhuận”, trở thành kênh tín dụng trợ giúp nông dân vay vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đến nay, nguồn vốn Quỹ HTND đã góp phần xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả cao trên địa bàn.

 
Vốn Quỹ HTND đã góp phần hạn chế tình trạng vay nóng, tín dụng đen trên địa bàn nông thôn, giúp nông dân mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, tạo việc làm, thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Đức Nam
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường