Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn vay cho nông dân
15:41 - 02/08/2024
(Quỹ HTND) –Những năm qua, Quỹ HTND Tây Ninh là một trong những nguồn tín dụng quan trọng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập.
 Vốn Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế và trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương



 
Đến nay, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trên địa bàn tỉnh đã tăng trưởng 955.187.902 đồng, trong đó: Nguồn ủng hộ đạt: 249.170.000 đồng, nguồn bổ sung từ kết quả hoạt động đạt 706.017.902 đồng.


Nguồn vốn Quỹ HTND đã giúp hội viên, nông dân có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế và trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.


Thông qua nguồn vốn Quỹ HTND đã có 883 hộ vay 22.063 triệu đồng triển khai thực hiện 54 dự án phát triển sản xuất. Trong đó: Nguồn vốn Trung ương có 89 hộ vay 2.385 triệu đồng triển khai 5 mô hình dự án;  nguồn vốn tỉnh có 281 hộ vay  7.625 triệu đồng thực hiện 15 dự án nguồn vốn huyện có 513 hộ vay 12.053 triệu đồng thực hiện 34 dự án.


 Nguồn vốn được đầu tư cho những hội viên nông dân đang có nhu cầu sản trồng chăm sóc mãng cầu, cao su, sầu riêng, chăn nuôi bò, baba, phát triển các ngành nghề truyền thống. Phương thức cho vay thực hiện theo mô hình dự án nhóm hộ.
 
Bên cạnh đó, Hội tiếp tục theo dõi tình hình sử dụng các nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đôn đốc thu lãi, trả gốc đúng hạn.


 Hội phối hợp với ngân hàng CSXH hỗ trợ cho nông dân vay vốn tổng dư nợ đạt 1.920 tỷ 685 triệu đồng. Đặc biệt Hội Nông dân các cấp đã phát động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện “Tuần lễ gửi tiết kiệm, chung tay vì người nghèo” năm 2024, tổng số tiền gửi huy động được trong đợt cao điểm đạt 20.445,54 triệu đồng.


Các cấp Hội phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định và giải ngân với tổng dư nợ cho vay qua Tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý là 2.639 tỷ 815 triệu đồng; phối hợp Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt hỗ trợ giải ngân mới được 2 tỷ 750 triệu đồng cho các hộ nông dân vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tổ chức tổng kết công tác phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Tây Ninh năm 2023 với 50 cán bộ, nhân viên của 2 đơn vị tham dự.


Nhằm nâng cao hiệu quả đồng vốn, Hội đã phối hợp với các ngành khuyến nông, bảo vệ thực vật, khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp tổ chức 38 buổi tư vấn, hội thảo khoa học kỹ thuật cho 1.557 hội viên, nông dân; tổ chức 18 lớp tập huấn khuyến nông cho 743 hội viên, nông dân dự; 13 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho 463 hội viên, nông dân.


Thông qua các nguồn lực hỗ trợ nông dân có ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp như: hỗ trợ học nghề, vốn tín dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm thông qua các kênh xúc tiến thương mại các cấp Hội đã xây dựng 09 mô hình khởi nghiệp.


Để nguồn vốn Quỹ HTND phát huy hiệu quả, giải ngân đúng đối tượng, Hội Nông dân các cấp lựa chọn những mô hình sản xuất có tính khả thi, đặc biệt là ưu tiên các hội viên, nông dân tham gia vào các HTX để triển khai thực hiện, đẩy mạnh quá trình liên kết, sản xuất quy mô lớn theo hướng kinh tế nông nghiệp bền vững, góp phần tích cực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.


Tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 65 HTX/1.988 thành viên, 223 tổ hợp tác/3.197 thành viên do Hội Nông dân các cấp tham gia vận động, hướng dẫn thành lập.


Đồng thời, Hội tiếp tục khuyến khích, động viên, duy trì các mô hình kinh tế tập thể đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn.


Nổi bật là Hợp tác xã Nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh; Hợp tác xã kinh doanh rau an toàn và HTX dịch vụ nông nghiệp 124 Quỳnh Anh xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu; Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến (huyện Tân Châu), Hợp tác xã rau an toàn Thanh Phước (huyện Gò Dầu); Tổ hợp tác trồng hành xã Tiên Thuận, tổ nuôi dế xã Lợi Thuận, Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu VietGAP với diện tích trên 25 ha ở xã Suối Đá, Huyện Dương Minh Châu; Tổ hợp tác trồng môn xã Trường Hòa (huyện Hòa Thành); Tổ hợp tác cây ăn quả ấp Năm trại (huyện Hòa Thành), Tổ liên kết trồng rau sạch Tân Phong (huyện Tân Biên)...


Các cấp Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, gắn phát triển kinh tế tập thể với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia sản xuất tập trung, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, tư vấn chuyên môn và tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp.


Đến nay, xây dựng được 514 chi Hội nghề nghiệp với 93.092 thành viên và 4.147 tổ Hội/98.191 thành viên. Nổi bật có tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoa lan cây cảnh tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu hoạt động hiệu quả, các hội viên sinh hoạt được chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong kỹ thuật trồng, đầu ra sản phẩm.


Nguồn vốn Quỹ HTND các cấp  được quản lý, điều hành hoạt động chặt chẽ, đúng với điều lệ, quy chế quản lý Quỹ; trên địa bàn không có hiện tượng nợ xấu, nợ quá hạn và chiếm dụng vốn.


Bên cạnh hoạt động vay vốn, các cấp Hội tích cực phối hợp thực hiện tốt công tác hỗ trợ nông dân về thông tin về thị trường; xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, vận động nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung hiệu quả kinh tế cao theo quy hoạch của tỉnh, hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm; chú trọng bảo vệ hàng hóa đã có thương hiệu giúp hội viên, nông dân phát huy hiệu quả  nguồn vốn.


Nhờ nguồn vốn vay kết hợp với kiến thức KHKT được trang bị, nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã triển khai thành công các dự án. Các dự án vay vốn Quỹ HTND đều mang tính khả thi và có hiệu quả cao về kinh tế, phát huy được thế mạnh của hội viên, nông dân trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn.


Nguồn vốn trên đã giúp nhiều hội viên, nông dân phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, từng bước vượt qua khó khăn, phấn đấu trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đến nay, các cấp Hội phát động được 72.879 hộ hội viên, nông dân đăng ký hộ nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Thông qua phong trào, Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả trong nông dân.


Điển hình như: Ông Nguyễn Văn Dứt - huyện Bến Cầu với mô hình nuôi chồn hương; ông Trần Quốc Bảo - huyện Châu Thành với  mô hình trồng cao su, sản xuất lúa; ông Tống Văn Đức - Dương Minh Châu  với mô hình kinh doanh phân bón, trồng nhãn, sầu riêng; ông Lê Thanh Liêm - huyện Gò Dầu với mô hình sản xuất phôi và trồng nấm mối đen hữu cơ; ông Nguyễn Văn Trở - thị xã Trảng Bàng với mô hình trồng hoa lan; bà Lê Thị Ngân Tâm - thị xã Hòa Thành với mô hình sản xuất, kinh doanh nghề làm nhang, thương hiệu Vạn Linh Hương.


Thông qua việc thực hiện các dự án vay vốn Quỹ HTND, công tác phối hợp các ngân hàng đã góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.


Đồng thời, tập hợp đông đảo hội viên, nông dân vào tổ chức Hội, góp phần xây dựng Hội vững mạnh, từng bước nâng cao vị thế và vai trò của tổ chức Hội tại cơ sở.


Tổ 8, tổ 9, ấp Phước An xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu là địa bàn giáp ranh với lòng hồ Dầu Tiếng. Cuộc sống chủ yếu của bà con dựa vào đánh bắt thủy sản trong lòng hồ Dầu Tiếng. Trong quá trình đánh bắt, cá lớn bán cho thương lái, cá nhỏ cá tạp bán cho các hộ dân làm thức ăn cho gia súc, gia cầm để tận dụng thêm nguồn lợi từ đánh bắt.


Với đặc tính là động vật ăn tạp, ít bệnh, dễ nuôi cùng với nguồn thức ăn (cá tạp) có sẵn nên nghề nuôi ba ba dần dần hình thành và phát triển.


Thời gian đầu, các hộ nuôi còn nhỏ lẻ, hầm nuôi còn đơn sơ, năng xuất chưa cao, thời gian Ba ba sinh trưởng và phát triển khá chậm, từ 16 đến 20 tháng mới có thể thu hoạch, một số hộ dân gặp khó khăn về tài chính thường phải vay mượn bên ngoài với lãi suất cao, một số hộ phải bán ba ba nhỏ, chưa đủ trọng lượng nên giá cả thấp dẫn đến bị thua lỗ.


 Hội Nông dân xã Phước Ninh tiến hành khảo sát thực tế tình hình sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn tổ 8, tổ 9 ấp Phước An, xét thấy nghề nuôi ba ba phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, từ đó Hội Nông dân xã tham mưu với Đảng ủy xã xin chủ trương thành lập tổ Hội nghề nghiệp nuôi ba ba ở tổ 8, tổ 9, ấp Phước An. Bước đầu tổ Hội nghề nghiệp thành lập được 32 thành viên, qua nhiều năm phát triển đến nay được 106 thành viên.


Tổ đã xây dựng được quy chế và tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng nhằm trao đổi kinh nghiệm về đặc tính, bệnh tật, cách phòng trị bệnh để nghề nuôi ba ba ngày càng phát triển.


Để mô hình tổ Hội nghề nghiệp nuôi ba ba đạt kết quả cao, Hội Nông dân xã Phước Ninh tổ chức cho một số thành viên trong tổ đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình nuôi Ba ba ở tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, phối hợp cùng với trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật tập huấn kỹ thuật nuôi Ba ba và các biện pháp phòng bệnh.


Để đảm bảo đầu ra cho ba ba thương phẩm, Hội Nông dân xã đã liên kết, giới thiệu Công ty TNHH Ba ba Tiền Hậu, Thành phố Hồ Chí Minh ký kết hợp đồng bao tiêu thu mua ba ba thương phẩm với giá ổn định. Đồng thời, cung cấp con giống sạch cho nông dân an tâm sản xuất.


Bên cạnh việc hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện cho nông dân phát triển bền vững, Hội Nông dân xã đã lập đề án và được Hội Nông dân huyện hỗ trợ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương với số tiền 300.000.000 đồng, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân của Tỉnh 500.000.000 đồng, đã giải quyết cho 27 hộ vay đến nay đã thực hiện được 03 chu kỳ với 81 lượt hộ vay.


Với lợi thế địa hình được thiên nhiên ban tặng, sự hỗ trợ Hội Nông dân các cấp, sự hỗ trợ của địa phương cùng với tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi của các thành viên đã tạo điều kiện thuận lợi cho tổ Hội nghề nghiệp phát triển và mở rộng quy mô.


Đến nay đã phát triển được 85 hầm, mỗi hầm trên 500 con, thời gian nuôi được rút ngắn từ 14 đến 18 tháng, giảm chi phí nuôi khoảng 15% so với trước, giá cả ba ba luôn được ổn định.


Lợi nhuận bình quân mỗi hầm trên 200 triệu đồng (một hầm khoảng 1.000 con). Tổ Hội nghề nghiệp nuôi Ba ba đã tạo công ăn việc làm cho trên 200 lao động ở địa phương, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững, một số hộ trở thành hộ khá, giàu điển hình như hộ ông Trần Văn Tư, ông Lê Văn Hiến, bà Nguyễn Thị Kim Phụng…


Từ những kết quả trên mô hình tổ Hội nghề nghiệp nuôi ba ba đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con nông dân, tăng hộ khá, giảm hộ nghèo góp phần cùng với địa phương hoàn thành chương trình xã nông thôn mới.


 Bên cạnh đó, các cấp Hội còn đẩy mạnh việc  kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn vay. Hội phối hợp với các ngân hàng kiểm tra 153 cuộc, 237 tổ Tiết kiệm và Vay vốn hộ nghèo, tổ liên kết sản xuất với 1.617 hộ vay.


Riêng Hội Nông dân tỉnh phối hợp ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức Đoàn kiểm tra công tác ủy thác với ngân hàng CSXH năm 2024 tại 9 đơn vị cấp huyện, 9 cơ sở Hội, 9 tổ Tiết kiệm và Vay vốn và 45 hộ vay), kiểm tra hộ vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được 110 cuộc, 882 hộ vay vốn.


Kết quả kiểm tra cho thấy Hội Nông dân các huyện và cơ sở Hội đã bám sát sự chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh, tuyên truyền những thay đổi về lãi suất trong chính sách tín dụng ưu đãi; không có trường hợp nào vi phạm, sử dụng vốn đúng mục đích.


Các mô hình, dự án được triển khai từ nguồn vốn Quỹ đã tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, thúc đẩy người dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng nhằm tạo ra các loại nông sản hàng hoá, dịch vụ đạt chất lượng cao.


Qua đó, khẳng định được vai trò, vị thế của các cấp Hội trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới nhằm thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Hội trong hệ thống chính trị.


Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ HTND; phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ  vốn giúp  hội viên, nông dân  góp phần tăng cường nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh, gia tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
 
 

Hà Tuyên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường