TP. Hà Nội: Vốn Quỹ hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả
(Quỹ HTND) - Hiện nay, tại thành phố Hà Nội nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã triển khai kịp thời đến các hội viên, tiếp sức, đồng hành cùng hội viên nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu thông qua những mô hình điểm.
|
Các hộ dân trồng ổi trên địa bàn được vay vốn Quỹ HTND để mở rộng sản xuất mang lại năng suất tốt |
Hằng năm, Hội Nông dân thành phố tham mưu đổi mới nội dung, phương thức vận động quyên góp, ủng hộ xây dựng Quỹ. Từ nguồn lực hỗ trợ, các cấp Hội Nông dân vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Hàng năm, bên cạnh sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp ủy và chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các cấp Hội Nông dân thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giúp hội viên, nông dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển nguồn Quỹ HTND.
Mặt khác, các cấp Hội tích cực huy động sự ủng hộ, đóng góp từ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các tổ chức, cá nhân; đồng thời, tranh thủ từ các chương trình, dự án để giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đạt hiệu quả.
Thông qua nguồn Quỹ HTND, hàng nghìn lượt hộ nông dân toàn tỉnh đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên doanh, liên kết phát triển theo hướng hàng hóa, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình giá trị kinh tế cao; phát triển mới các chi hội, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.
Các cấp Hội tích cực tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị định số 37/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ gắn với xây dựng, phát triển, quản lý nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân.
Được sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố trong việc lãnh đạo, chỉ đạo UBND các cấp hàng năm bổ sung nguồn ngân sách cho Quỹ Hỗ trợ nông dân, trong 9 tháng đầu năm 2024 Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn Thành phố tăng trưởng 43 tỷ 883,4 triệu đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn Thành phố đạt 828 tỷ 814,5 triệu đồng; có 451 dự án đã được phê duyệt, giải ngân với số tiền 219 tỷ 368 triệu đồng, cho 5.382 hộ vay vốn.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai tốt chương trình phối hợp với các chi nhánh NHNo&PTNT,Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ nông dân vay vốn. Dư nợ Ngân hàng CSXH tại thời điểm 31/5/2024đạt 3.904 tỷ 138,77triệu đồng, cho 72.260 hộ vay; dư nợ NHNo&PTNT đạt 1.305 tỷ 829 triệu đồng, cho 11.756 hộ vay.
Dư nợ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt đạt 23 tỷ 480 triệu đồng cho 286 hộ vay thuộc 32 tổ liên kết vay vốn. Trong đó: Gia Lâm: 21.593 triệu đồng cho 253 hộ vay thuộc 24 tổ liên kết vay vốn; Đông Anh: 1.887 triệu đồng cho 33 hộ vay thuộc 07 tổ liên kết vay vốn
Thông qua việc triển khai các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn vay từ các ngân hàng đã tạo điều kiện để nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn nông thôn.
Các cấp Hội còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ; cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND. Theo đó, các cấp Hội phối hợp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho gần 133.200 hội viên nông dân, cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, rau an toàn, chăn nuôi gia súc gia cầm và các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; tổ chức các hội nghị đầu bờ hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho rau màu, lúa vụ Xuân, triển khai các mô hình trình diễn trong sản xuất nông nghiệp.
Hội còn tham mưu với các cấp chính quyền và phối hợp với các ngành chức năng hỗ trợ 3.911 tấn phân bón các loại; 161 tấn thức ăn chăn nuôi; 72 tấn cây, con giống các loại và gần 2,1 tấn thuốc bảo vệ thực vật cho hội viên nông dân sản xuất ước trị giá trên 63,2 tỷ đồng (nổi bật tại các huyện Gia Lâm, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây…).
Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng số cho nông dân; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông nghiệp, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử cho 4.800 hội viên tham gia.
Hội Nông dân thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị Hội xây dựng các mô hình sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân” theo Quyết định 4098/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 của UBND Thành phố Hà Nội; Tuyên truyền, vận động hỗ trợ 7.400 hộ nông dân có tài khoản trên các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh hỗ trợ vốn, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề và chuyển giao khoa học kỷ thuật cũng được các cấp Hội thực hiện thường xuyên nhằm tăng hiệu quả nguồn vốn vay giúp nông dân được hỗ trợ toàn diện để phát triển sản xuất.
Trong 9 tháng đầu năm 2024 các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề cho 1.312 hội viên nông dân về chăn nuôi, thú y, kỹ thuật trồng cây ăn quả, trồng rau an toàn, chế biến thực phẩm, may công nghiệp, gỗ dân dụng; tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 891 hội viên, nông dân (nổi bật các huyện: Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm, Thành Trì, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa và Thanh Oai).
Hội tích cực xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục được phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, có sức lan tỏa, đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, hội viên, nông dân có điều kiện tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Thông qua việc đóng góp sức người, sức của trong xây dựng các công trình công cộng, làm đường giao thông nông thôn, tu sửa nạo vét kênh mương, các hoạt động bảo vệ môi trường được tăng cường. Từ đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững và có chiều sâu.
Phong trào thi đua SXKD giỏi trở thành động lực, phát huy trí tuệ của nông dân vào công cuộc hiện đại hóa nông thôn với nhiều mô hình hiệu quả, tiêu biểu. Thông qua hoạt động SXKD của các HTX đã tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế tập thể, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên và cộng đồng dân cư.
Các cấp Hội tuyên truyền,phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, vận động nông dân đăng ký hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, qua phát động đã có 259.715 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (bằng 75% so với tổng số hộ hội viên). Trong đó cấp Trung ương là 1.002 hộ; cấp Thành phố là 6.120 hộ; cấp huyện, thị xã là 58.068 hộ; cấp cơ sở là 259.715 hộ.
Các cấp Hội tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tổ chức Hội nghị “Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp Thành phố năm 2024 nhằm tạo diễn đàn cho nông dân giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh. Chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân huyện Quốc Oai thành lập và ra mắt câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Quốc Oai với 45 hộ tham gia.
Hội Nông dân thành phố Hà Nội chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, hướng dẫn thành lập hợp tác xã và tổ hợp tác, trong đó có các mô hình kinh tế tập thể được hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ HTND.
Hội Nông dân các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín, Chương Mỹ, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Sóc Sơn đã cử lãnh đạo tham gia Tổ thành viên Liên minh Hợp tác xã Thành phố.
Đến nay Hội Nông dân các huyện, thị xã đã phối hợp hướng dẫn thành lập được 14 chuổi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hướng dẫn thành lập mới được 267 tổ hợp tác với 2.640 thành viên; vận động thành lập được 15 hợp tác xã với 167 thành viên (một số hợp tác xã tiểu biểu như: Hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản tại thôn Ngũ Luân, xã Đại Hùng huyện Ứng Hòa với 46 thành viên tham gia; Hợp tác xã nông nghiệp Xứ Đoài tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai với 17 thành viên tham gia; Hợp tác xã Nông nghiệp và Dược liệu Tự Nhiên, huyện Thường Tín với quy mô 15ha, có 8 thành viên tham gia...).
Các cấp Hội phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó có 41 sản phẩm OCOP do Hội Nông dân hỗ trợ xây dựng được công nhận.
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục tham mưu thành phố đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quỹ. Hội ND các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quỹ HTND bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; phấn đấu tăng trưởng nguồn Quỹ đạt từ 5 tỷ đồng trở lên; chủ động khảo sát nhu cầu sử dụng vốn của hội viên, nông dân, xây dựng các mô hình, dự án cho vay vốn Quỹ HTND. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.