Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ HTND
08:12 - 08/10/2024
(Quỹ HTND) – Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, nhiều hội viên, nông dân đã thay đổi tư duy từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, tăng giá trị nông sản.
 Quỹ HTND là một kênh dẫn vốn quan trọng, nhanh chóng, thuận lợi, giúp nông dân có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh




Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, Hội ND các cấp đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai thực hiện. Đặc biệt, ưu tiên đối với những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay.


Đồng thời, các cấp Hội thường xuyên phối hợp với các ban, ngành có liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân.


Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả.


Chính vì vậy, thời gian qua từ nguồn vốn vay Quỹ đã góp phần xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả cao tại địa phương. Với những cách làm hiệu quả, Hội ND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát số hộ hội viên, nông dân cần được vay vốn.


Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ hội viên; xây dựng các dự án mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế tại địa phương, giúp hội viên vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống.


Hội ND tỉnh đã tích cực chỉ đạo, điều hành và quản lý tốt nguồn vốn Quỹ HTND; thực hiện tốt công tác vận động, xây dựng và phát triển Quỹ. Dựa trên cơ sở nhu cầu vay vốn của hội viên, nông dân, Hội ND tỉnh đã khảo sát địa bàn, đánh giá khả năng phát triển sản xuất kinh doanh, lợi nhuận đem lại và hướng dẫn lập dự án vay vốn cho các mô hình vay vốn nhóm hộ.


Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã thực hiện giải ngân gần 4 tỷ đồng cho 90 hộ vay thực hiện 9 dự án, nâng tổng số dư nợ đến nay gần 39 tỷ đồng cho trên 950 hộ vay thực hiện 127 dự án phát triển sản xuất.


Các cấp Hội Nông dân ưu tiên cho vay nguồn tín dụng này theo nhóm hộ liên kết sản xuất, mô hình mới, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa...


Các dự án trước khi giải ngân vốn đều được thẩm định kỹ lưỡng từ cơ sở, đảm bảo tính khả thi, đúng đối tượng và đúng mục đích. Lãnh đạo Hội Nông dân cấp xã là chủ dự án nên gắn rõ trách nhiệm trong quản lý, giám sát hội viên sử dụng đúng mục đích, tạo sự liên kết giữa các hộ vay.


Trong quá trình triển khai vay vốn, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nhận vay vốn cùng nhau liên kết để sản xuất theo hướng hàng hóa.


Từ đó đã có nhiều dự án tiêu biểu như: Trồng rau an toàn ở phường Ỷ La (TP.Tuyên Quang); nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang ở các xã Khuôn Hà, Thượng Lâm (huyện Lâm Bình); chăn nuôi gà giống, dê xã Lang Quán, trồng bưởi xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn); chăn nuôi hươu (TP. Tuyên Quang); trồng và chăm sóc bưởi ở các xã của huyện Yên Sơn; nuôi trâu sinh sản kết hợp cày kéo ở các xã của huyện Chiêm Hóa, nuôi cá đặc sản trên sông Lô ở phường Nông Tiến, nuôi gà đặc sản Tân Tạo, xã Đội Cấn (TP.Tuyên Quang).


Quỹ HTND là một kênh dẫn vốn quan trọng, nhanh chóng, thuận lợi, giúp nông dân có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng cho hội viên nông dân, thu hút tập hợp nông dân vào tổ chức Hội.


Ngoài mang lại nguồn vốn kịp thời để giúp các hộ phát triển kinh tế hiệu quả, nguồn vốn đã tạo động lực quan trọng giúp nông dân xây dựng các chi, tổ Hội nông dân nghề nghiệp thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất, kinh doanh hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng công tác giảm nghèo tại địa phương.


Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã phối hợp hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề và hỗ trợ tiêu thụ nông sản.


Đồng thời, chủ động và tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trích ngân sách bổ sung cho Quỹ HTND; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nguồn ngoài ngân sách; phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo các nguồn vốn vay sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.


Việc xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế, giúp cải thiện, nâng cao đời sống hội viên nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững tại các địa phương. Nguồn vốn Quỹ HTND trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân tỉnh xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình điểm.


Tiêu biểu như: Mô hình nuôi hươu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm của anh Quan Văn Tiệp ở phường Tân Hà, TP.Tuyên Quang. Anh là gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Được vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, gia đình anh đã có vốn xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, mua thêm con giống tăng quy mô chăn nuôi.


Hiện nay, khu chuồng chăn nuôi hươu của gia đình anh Tiệp thường xuyên duy trì từ 70 - 100 con hươu. Bên cạnh việc bán hươu giống, đàn hươu của gia đình anh còn cho khai thác nhung. Mô hình nuôi hươu mang lại thu nhập khá cho anh từ bán hươu giống, hươu thịt và nhung hươu.


Ngoài ra, 4 hộ gia đình khác trong dự án vay vốn Quỹ HTND nuôi hươu cũng được vay 150 triệu đồng. Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND, anh Tiệp cùng các hộ gia đình đã thành lập Hợp tác xã Hươu sao Tuyên Quang. HTX đã tạo được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ hươu.


Đến nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện những mô hình hay, mang lại giá trị kinh tế và đạt lợi nhuận cao, góp phần giải quyết việc làm, từng bước ổn định đời sống cho các hộ hội viên, nông dân.


Cùng với đó, việc triển khai các mô hình, dự án còn giúp hội viên, nông dân trong tỉnh có thêm điều kiện được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đem áp dụng vào sản xuất để gia tăng sản lượng và thu nhập, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.


Thông qua các cấp Hội Nông dân, gia đình ông Phạm Ngọc Hải nông dân trồng bưởi ở thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn được vay 40 triệu đồng từ Quỹ HTND. Nguồn vốn đó giúp gia đình ông có có thêm kinh phí để đầu tư thâm canh cây bưởi. Vườn bưởi của gia đình ông đã phát triển lên quy mô 500 cây bưởi các loại.


Năm vừa qua, gia đình ông có nguồn thu 300 triệu đồng từ bán bưởi quả, trừ chi phí còn lãi khoảng gần 200 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn vay từ nguồn Quỹ HTND gia đình bà Bàn Thị Sâm ở thôn Soi Hà, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn đã có thêm vốn mua phân bón, máy móc làm cỏ vườn bưởi.


Trước đây, việc làm cỏ vườn bưởi chủ yếu bằng tay, rất vất vả, tốn nhân lực, nhưng từ ngày gia đình bà được vay vốn Quỹ, bà đã mua máy cắt cỏ, việc làm cỏ cũng nhanh hơn, đỡ vất vả hơn, đặc biệt hiệu suất cao hơn. Ngoài trồng bưởi, gia đình bà còn trồng na, hồng nhân hậu...


Ước tính, tổng doanh thu của gia đình đạt trên 650 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình bà có trên 1.200 cây bưởi, bình quân mỗi năm thu trên 7 vạn quả.


Được biết, hiện nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục vận động, hướng dẫn các hộ hội viên có mô hình chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh sản xuất thực hiện các quy trình, thủ tục để tiếp tục giải ngân vốn vay Quỹ HTND.


Qua thực tế triển khai cho thấy, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, trả gốc và phí đầy đủ, đúng hạn, không có hiện tượng xâm tiêu, chiếm dụng vốn.


Hoạt động của Quỹ HTND đã phát huy tích cực trong hỗ trợ nông dân Tuyên Quang xây dựng các mô hình kinh tế phát triển theo hướng liên kết, ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy công tác tập hợp nông dân vào Hội, nông dân ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội.


Tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã triển khai và xây dựng một số mô hình sản xuất với quy mô lớn từ nguồn vốn vay Quỹ HTND đang cho thấy phát huy hiệu quả rõ nét cả về qui mô và lợi nhuận đạt được. Đây cũng là cơ sở vững chắc để các cấp Hội hướng dẫn hình thành các mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn.


Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập 37 chi Hội Nông dân nghề nghiệp, 247 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản.


Trong đó, có 47 Tổ Hội nghề nghiệp tham gia hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị và sản xuất sản phẩm OCOP của địa phương. Ngoài ra, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập được 35 HTX, 75 Tổ hợp tác góp phần nâng cao chất lượng, phát triển lĩnh vực kinh tế tập thể ở địa phương.


Các chi, tổ Hội nghề nghiệp được thành lập dựa trên nguyên tắc “5 cùng” đó là cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi).


Từ đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ hội viên, nông dân cùng ngành nghề liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thúc đẩy việc hình thành, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.


Với mong muốn cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, chi Hội Nông dân nghề nghiệp chăn nuôi thủy sản thôn 2, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn được thành lập với 32 thành viên.


Ngay sau khi được thành lập, từ nguồn Quỹ HTND  hỗ trợ cho 10 hộ vay vốn với số tiền vay 30 triệu đồng/hội viên. Có vốn, các hộ đã thực hiện đầu tư chăm sóc, chuyển đổi trong chăn nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế của hộ gia đình.


 Ông Nguyễn Tiến Bằng-thành viên của chi Hội được vay vốn Quỹ HTND đã đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi với diện tích mặt nước trên 6 sào, phân ra làm 3 ao.


Trước đây cả 3 ao của gia đình ông đều nuôi cá thịt, giờ đây đã chuyển đổi 01 ao nuôi cá sang nuôi ba ba, 01 ao sang nuôi ốc nhồi. Sau 01 năm thực hiện mô hình, bước đầu cũng đã có hiệu quả kinh tế cho gia đình.


Nguồn vốn HTND trở thành điểm tựa giúp hội viên, nông dân tỉnh xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phát triển, tăng trưởng nguồn vốn của Quỹ HTND bên cạnh sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giúp hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND. 
 
 
 

Thành Tuyên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường