Tăng vốn Quỹ- Giảm hộ nghèo
15:31 - 02/08/2024
(Quỹ HTND) – Những năm qua, kênh dẫn vốn từ nguồn Quỹ HTND các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã thực sự trở thành chiếc “phao cứu sinh” giúp nhiều hội viên, nông dân nghèo trong tỉnh vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, trở thành những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương.


 
Hàng năm, để đa dạng hóa các nguồn vốn hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn hiểu về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND. Trên cơ sở đó, Hội ND nhiều huyện cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sớm đưa vào kế hoạch ngay từ đầu năm và trích ngân sách bổ sung nguồn vốn cho Quỹ HTND cùng cấp.

 

Hiện nay, nhiều dự án vay vốn Quỹ HTND đã xây dựng được các mô hình liên kết trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất và giá trị



Đág chú ý, Hội ND các cấp trong tỉnh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 516-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/4/2021 về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 673-QĐ/TTg, ngày 10/5/2011 về đẩy mạnh việc vận động tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND.

 

Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động cho vay và thu hồi nguồn vốn Quỹ HTND được các cấp Hội tập trung chỉ đạo thường xuyên theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, 100% nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh và Trung ương ủy thác được cán bộ Hội ND tỉnh trực tiếp giám sát việc giải ngân, đảm bảo nguồn vốn không bị tồn đọng, trên địa bàn không có nợ quá hạn.

 
Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội triển khai nhiều giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề giúp cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, sáu tháng đầu năm 2024, tăng trưởng Quỹ HTND đạt trên 2.900 triệu đồng (nguồn ngân sách cấp 2.800 triệu đồng, vận động tăng trưởng 132 triệu đồng); nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đang quản lý đạt hơn 44.301 triệu đồng.

 
Cụ thể: Nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương Hội ủy thác 6.840 triệu đồng; nguồn cấp tỉnh quản lí 9.575 triệu đồng; nguồn cấp huyện quản lí 27.886 triệu đồng. Thông qua hoạt động của Quỹ HTND, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập.

 
Hiện, toàn tỉnh đã có 05 đơn vị Hội ND cấp huyện xây dựng, phát triển được Quỹ HTND đạt mức 500 triệu đồng, gồm các huyện: Tuy An, Phú Hòa, Sơn Hòa, thị xã Đông Hòa, thành phố Tuy Hòa.

 
Từ nguồn vốn trên, các cấp Hội đã đôn đốc, chỉ đạo và kịp thời triển khai việc giải ngân tại 169 dự án, với 1.345 lượt hộ hội viên, nông dân vay để tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh; qua đó giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, từ các mô hình, dự án được hỗ trợ triển khai trên địa bàn còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động tại các địa phương.

 
Thông qua nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp đã tạo điều kiện hỗ trợ các hộ gia đình hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi để tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cả về đời sống vật chất và tinh thần. Một số dự án tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Chăn nuôi bò sinh sản tại xã An Hòa Hải (huyện Tuy An); nuôi cá mú thương phẩm ở xã Xuân Lộc (thị xã Sông Cầu); trồng dứa Đồng Din ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa); đánh bắt thủy hải sản trên biển tại xã An Mỹ (huyện Tuy An)...

 
Trong kỳ, các cấp Hội đã tổ chức giải ngân 3.700 triệu đồng cho 105 hộ hội viên, nông dân vay để triển khai thực hiện 84 dự án. Theo đó, từ nguồn vốn ủy thác của Quỹ HTND Trung ương 2.100 triệu đồng đã triển khai tại 04 dự án với 40 hộ hội viên, nông dân vay. Đồng thời, Hội ND các huyện, thị, thành phố cũng đã tiến hành giải ngân xong 1.600 triệu đồng (từ nguồn ngân sách cấp bổ sung và nguồn vận động) thực hiện 04 dự án với 34 hộ vay vốn.

 
Song song với hoạt động hỗ trợ vốn vay, các cấp Hội còn tập trung đẩy mạnh nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân thiết thực và cụ thể như: Làm dịch vụ; tư vấn; dạy nghề, phổ biến khoa học kỹ thuật… Nhờ đó, giúp hội viên, nông dân nâng cao tay nghề, có thêm kinh nghiệm, áp dụng kiến thức mới vào sản xuất đạt hiệu quả. 

 
Nhìn chung, các dự án trong hạn đều được đánh giá mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế, có nhiều dự án vay vốn Quỹ HTND đã xây dựng được các mô hình liên kết trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất và giá trị. Thông qua đó, các cấp Hội vận động hội viên, nông dân thay đổi về nhận thức, chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm để tập trung nguồn lực đầu tư giúp tăng lợi nhuận.
 

Nhờ khai thác hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, nhiều hộ hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tích cực tham gia vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Qua đó, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới cũng như ổn định về kinh tế - xã hội của địa phương.

 
Đến nay, các dự án triển khai đã được nâng quy mô và mức vay, tạo điều kiện cho hộ hội viên, nông dân vay vốn có nguồn lực đầu tư vào sản xuất, đảm bảo tham gia dự án có hiệu quả và trở thành những mô hình điểm. Cùng với đó, các hộ hội viên, nông dân được xét hỗ trợ cho vay vốn đều là những nhân tố quan trọng, luôn hăng hái, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua ở địa phương.

 
Khi các dự án kết thúc chu kỳ vay đều tiến hành việc thu nộp phí và gốc đầy đủ, đúng hạn. Nhiều mô hình, dự án vay vốn Quỹ HTND còn đạt hiệu quả rõ nét trong việc thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và đã được các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục quan tâm nhân rộng. Thông qua hoạt động của Quỹ HTND đã có tác động tích cực, khuyến khích hội viên, nông dân mạnh dạn tổ chức sản xuất hàng hóa theo đúng quy trình kỹ thuật, thúc đẩy việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.

 
Một tấm gương tiêu biểu trong việc phát huy có hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ HTND của tỉnh đó là tổ Hội hợp tác nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa tại địa bàn phường Hòa Vinh (thị xã Đông Hòa). Nhờ được tiếp nguồn vốn vay 400 triệu đồng, các thành viên trong tổ Hội hợp tác đã mạnh dạn đầu tư thêm nguồn lực để phát triển sản xuất.

 
Sau thời gian triển khai thực hiện mô hình trên diện tích canh tác 2 ha của tổ Hội hợp tác, các vụ nuôi tôm đều mang lại kết quả rõ nét khi năng suất tôm nuôi của các hộ thành viên đều đạt từ 600 – 650 kg/vụ, với giá bán tôm thương phẩm từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Đồng thời, năng suất lúa cũng đạt 7 - 7,5 tấn/vụ, hiện giá bán lúa trên thị trường khoảng 7.000 đồng/kg, tổng thu của tổ Hội hợp tác sau 8 vụ sản xuất đạt hơn 1.000 triệu đồng đồng, đã thu hồi được đủ vốn và có lãi hơn 300 triệu đồng.

 
Mặt khác, nhiều hộ nông dân khi tham gia vay vốn đã ý thức được rõ trách nhiệm của mình để có kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể; nhờ biết đầu tư đúng hướng, áp dụng khoa học kỹ thuật đã giúp đem lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Từ các mô hình hiệu quả không những giúp bà con thoát nghèo bền vững, nhiều nông dân còn trở thành những tấm gương hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

 
Hộ gia đình ông Đoàn Văn Bé ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) là một trong những hộ hội viên, nông dân được hưởng lợi nhờ tiếp cận sớm với nguồn vốn vay từ Quỹ HTND. Được các cấp Hội tạo điều kiện xét cho vay 40 triệu đồng, để phát huy những điều kiện sẵn có từ đất đai, nhân lực lao động trong gia đình, ông Bé đã đầu tư mua 2 con bò cái sinh sản về nuôi, mua thêm thức ăn để phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

 
Cùng với nguồn vốn vay, ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn, được hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi nên chỉ sau 3 năm vay vốn, ông đã phát triển được đàn bò lên thành gần 10 con bò, tính theo giá trị trường hiện nay khoảng trên 200 triệu đồng. Bên cạnh mô hình nuôi bò sinh sản, ông còn chăn nuôi thêm heo rừng và thả gà, vịt xung quanh khu vườn của gia đình để tạo nguồn thu nhập ổn định.

 
Gia đình ông Lê Xuân Đạm ở khu phố Phước Hậu 3, phường 9- thành phố Tuy Hòa cũng đã tiếp cận và phát huy tốt nguồn vốn vay từ Quỹ HTND. Được xét cho vay vốn, cộng thêm nguồn lực sẵn có của gia đình, ông đã tập trung cải tạo vườn để đầu tư trồng 1.000 chậu mai và 500 chậu quất. Mô hình hiện giúp gia đình ông thu lãi bình quân từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Hiện ông đang tiếp tục tái đầu tư để mở rộng mô hình, phát triển sản xuất, vươn lên khá giả và có điều kiện mua sắm, xây nhà cửa khang trang.


Nhờ được Quỹ HTND tiếp sức kịp thời, gia đình ông Nguyễn Văn Tâm ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa từ chỗ khó khăn do thiếu vốn sản xuất thì nay đã có thêm điều kiện mở rộng cơ sở sản xuất, thu mua nguyên liệu để làm chổi đót và cọng dừa. Với số vốn vay hơn 30 triệu đồng, ông đầu tư mua 3 tấn nguyên liệu gồm đót và cọng dừa, hàng ngày hai vợ chồng ông chăm chỉ bó chổi để bán.

 
Cần cù, chịu khó nên cơ sở sản xuất chổi đót, chổi dừa của gia đình ông ngày càng phát triển và mở rộng quy mô sản xuất. Ước tính bình quân mỗi tháng, ông nhập về khoảng 70 tấn đót và cọng dừa đảm bảo các công đoạn sản xuất và còn cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất khác trong thôn. Hiện, cơ sở sản xuất của gia đình ông cho ra thành phẩm từ 1.500 - 2.000 chiếc chổi/ngày, lợi nhuận đạt khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm.
 

Thông qua hoạt động của các dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND đã có sự tác động tốt tới hoạt động của các cấp Hội trong tỉnh, nhất là ở cấp cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ Hội các cấp; tổ chức và hoạt động của Hội được nâng lên, có điều kiện tập hợp hội viên, nông dân tích cực tham gia sinh hoạt chi, tổ Hội; thu hút ngày càng đông hội viên, nông dân tham gia vào tổ chức Hội, tham gia đóng góp ủng hộ phát triển nguồn vốn Quỹ HTND. Đồng thời, cán bộ Hội thêm gần gũi với hội viên, nông dân, giúp hội viên, nông dân ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội, từ đó thúc đẩy các phong trào thi đua do Hội phát động thêm phát triển và mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Thanh Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường