|
Từ các mô hình vay vốn giúp nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần hình thành các tổ, nhóm liên kết trong sản xuất, kinh doanh tạo tiền đề để phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp, các chi hội nghề nghiệp trên địa bàn |
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND tỉnh đã thành lập các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp cùng mục đích sản xuất theo quy mô hàng hóa; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX mang lại giá trị kinh tế cao.
Đến nay, tổng nguồn Quỹ HTND toàn tỉnh hiện đạt gần 34 tỷ đồng. Trong đó nguồn ủy thác từ Quỹ Trung ương Hội trên 7 tỷ đồng, Quỹ cấp tỉnh 15,54 tỷ đồng, Quỹ cấp huyện là 11,33 tỷ đồng, tăng 693 triệu đồng.
Sáu tháng đầu năm 2023, Hội ND tỉnh giải ngân 15 tỷ đồng cho 519 hộ vay nguồn Quỹ HTND thực hiện 130 dự án phát triển sản xuất, kinh doanh.
Việc triển khai các dự án vốn vay từ nguồn Quỹ HTND được thực hiện đúng quy định, đầu tư đúng đối tượng, đúng mục đích.
Hội ND tỉnh luôn ưu tiên các dự án vay vốn Quỹ HTND để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và có sự liên kết sản xuất, kinh doanh.Hội ND tỉnh cũng khuyến khích sử dụng vốn theo nhóm hợp tác xã, tổ hợp tác…
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tăng cường việc tuyên truyền và nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, thu hút đông đảo hội viên, nông dân quan tâm, hưởng ứng và làm theo.
Hoạt động công tác Hội và các phong trào nông dân ngày càng thiết thực, cụ thể và đi vào chiều sâu. Qua các năm, các chỉ tiêu thi đua đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, trong đó hoạt động Quỹ HTND các cấp đóng vai trò tích cực trong các hoạt động nói chung của Hội.
Việc triển khai tốt các dự án vay vốn Quỹ HTND và các ngân hàng đã tạo điều kiện cho hội viên mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ, xây dựng nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ.
Điển hình như dự án trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên; dự án trồng lúa nếp tại xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên; chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Xuân Lai, nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà tại các xã Hán Đà, Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình.
Nhiều hộ, sau khi dự án kết thúc, đã nâng mức thu nhập bình quân từ 200 - 300 triệu đồng/năm. Đặc biệt, một số mô hình đạt mức thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Các dự án đã đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Hội ND tỉnh vừa giải ngân 600 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND cho 12 hộ nông dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn thực hiện Dự án "Chăn nuôi cá trắm thương phẩm".
Là một trong 12 hộ hội viên xã Thượng Bằng La được vay vốn Quỹ HTND, bà Bùi Thị Thủy tại thôn Thiên Bữu đầu tư nuôi cá trắm. Có vốn bà mở rộng diện tích ao nuôi, đầu tư thêm con giống. Đồng thời bà cũng luôn tích cực học hỏi và trao đổi kỹ thuật để cá phát triển tốt, phấn đấu sớm hoàn trả vốn vay.
Đến nay, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã giải ngân 3 dự án với số tiền 1 tỷ đồng cho 21 hộ vay tại huyện Lục Yên.
Cấp huyện đã giải ngân 220 triệu đồng cho 6 hộ vay thực hiện dự án chế tác đá phong thủy và nuôi bò tại 2 xã Vĩnh Lạc, Liễu Đô. Đến nay, toàn huyện Lục Yên đang cho 144 hộ vay vốn từ nguồn Quỹ HTND các cấp để thực hiện 28 dự án, tổng dư nợ gần 5 tỷ đồng.
Tại huyện Lục Yên, các dự án vay vốn từ Quỹ HTND đã tạo điều kiện cho hộ hội viên mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ theo hướng liên kết.
Điển hình như: Mô hình chế tác đá phong thủy tại xã Tân Lĩnh, Vĩnh Lạc; nuôi cá lồng ở xã An Phú, nuôi ốc nhồi thương phẩm, cá thương phẩm ở xã Phúc Lợi; trồng na tại xã Tân Lĩnh, sản xuất rau trong nhà màng theo hướng hữu cơ tại thị trấn Yên Thế...
Từ các mô hình, giúp nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần hình thành các tổ, nhóm liên kết trong sản xuất, kinh doanh tạo tiền đề để phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp, các chi hội nghề nghiệp trên địa bàn.
Nhờ có nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế đã phát huy được hiệu quả rõ rệt tiêu biểu như: Dự án “Trồng và chăm sóc quế hữu cơ” tại xã An Thịnh, Huyện Văn Yên.
Xã An Thịnh, huyện Văn Yên nằm ở khu vực Trung tâm của huyện, hầu hết người dân sống dựa vào sản xuất cây nông – lâm nghiệp trong đó quế là cây trồng chủ yếu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cùng với đó việc chăm sóc cây quế không đòi hỏi kỹ thuật cao, thời gian thu hoạch kéo dài đã tạo công ăn việc làm tại chỗ cho nhiều lao động.
So với nhiều cây trồng khác, cây quế đã mang lại cho người dân một nguồn thu lớn và ổn định. Với tiềm năng thị trường hiện nay và nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ quế, đặc biệt là tinh dầu quế ứng dụng trong Y học, chế biến công nghệ thực phẩm trên thế giới là rất lớn và luôn ở mức cung không đủ cầu.
Ngoài vỏ quế thì các sản phẩm phụ từ thân, cành lá hiện nay cũng được bán với giá cao giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ rừng quế, nhiều gia đình có cuộc sống ổn định và trở nên giàu có nhờ cây quế.
Với những lợi thế về đất đai, nguồn lao động tại địa phương và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, Hội ND xã An Thịnh xây dựng mô hình dự án “Trồng và chăm sóc quế hữu cơ” tại chi Hội thôn An Phú, xã An Thịnh, huyện Văn Yên và được Quỹ HTND tỉnh phê quyệt cho vay 500 triệu đồng (với thời gian vay là 36 tháng) để giúp hội viên nông dân đầu tư, mở rộng quy hô sản xuất.
Nguồn vốn được giải ngân cho 10 hộ vay đầu tư trồng và chăm sóc 27,5 ha với khoảng 20 vạn cây quế non.
Sau hơn 1 năm thực hiện dự án các hộ đã tập trung trồng mới hoàn thành hết diện tích theo phương án sản xuất, diện tích quế trồng mới đã dần ổn định, sinh trưởng và phát triển tốt, tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong tổ và các cá nhân lao động thời vụ tại địa phương.
Theo phương án sản xuất đến nay cây trồng phát triển tốt, dự kiến trong 4 năm đầu giá trị mô hình quế là 6.252.000.000 đồng. Như vậy dự kiến đến năm thứ 5 đã thu hồi được chi phí đầu tư của dự án. Từ năm thứ 6 tỉa 1/3 số cây còn lại.
Năm thứ 7 tỉa 1/3 số cây còn lại. Sau đó cây quế phát triển ổn định đến năm thứ 15 tiến hành thu hoạch tổng thể thêm 1,5 tỷ đồng/ha. Với bài toán lấy ngắn nuôi dài, số tiền thu được bà con dùng để chăm sóc quế những năm tiếp theo đến khi thu hoạch (sau 15 năm) mỗi ha quế cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai dự án, Hội ND xã còn phối hợp với Quỹ HTND tỉnh, huyện mời cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc cây cho các hộ vay. Đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc đầu tư sử dụng vốn của các hộ trong quá trình vay vốn.
Hàng quý, thông qua các cuộc sinh hoạt nhóm vay vốn, Hội ND xã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã giới thiệu hướng dẫn tài liệu khoa học kỹ thuật mới cho hộ vay vốn áp dụng vào sản xuất; tư vấn hỗ trợ hội viên, nông dân các thủ tục quy trình thành lập Tổ hợp tác, hướng dẫn việc đăng ký thương hiệu, tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm khi các hộ nông dân có nhu cầu.
Qua 02 năm triển khai dự án, đã thành lập được 02 tổ hợp tác trồng quế hữu cơ để liên kết sản xuất, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau trong việc trồng và chăm sóc cây quế từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống sâu bệnh và giảm kinh phí thuê lao động tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.
Dự án triển khai thực hiện trên địa bàn xã An Thịnh đã kết nạp mới được 10 hội viên, xây dựng được 4,4 triệu đồng quỹ Hội, quá trình thực hiện dự án đã nâng cao trình độ, năng lực quản lý của cán bộ Hội, đa dạng phương thức tập hợp hội viên góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Hội ngày càng vững mạnh, tăng cường sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội.
Thời gian tới, các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mục đích hoạt động, của Quỹ HTND trong việc tạo vốn, hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân vay phát triển sản xuất kinh doanh, gắn với công tác xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.