(Quỹ HTND) - Bằng nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều mô hình, dự án phát triển kinh tế được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập, đời sống cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế.
|
Các dự án đều được hỗ trợ đúng đối tượng vay, nguồn vốn Quỹ được sử dụng đúng mục đích, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của bà con nông dân |
Được sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cũng như của Hội cấp trên nên nguồn vốn Quỹ HTND được quan tâm phê duyệt và bổ sung vốn hàng năm. Nhờ đó, đã kịp thời hỗ trợ hội viên, nông dân trên địa bàn có thêm nguồn lực, giúp các hộ chủ động hơn trong việc đầu tư xây dựng các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống.
Việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn còn có sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân. Nhờ đó, các hoạt động và phong trào của Hội được tiếp thêm nguồn lực, nội dung ngày càng đi vào chiều sâu.
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Quỹ HTND cấp tỉnh và cấp huyện tăng trưởng 22,715 tỷ đồng, đạt 151,4% chỉ tiêu nghị quyết.
Tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý đạt 40,920 tỷ đồng. Trong đó: Cấp Trung ương ủy thác: 10,55 tỷ đồng; cấp tỉnh: 17,852 tỷ đồng, cấp huyện: 12,518 tỷ đồng.
Nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển kinh tế, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích của Quỹ HTND nhằm vận động xây dựng và tăng trưởng vốn Quỹ.
Thực tế cho thấy, nguồn vốn Quỹ HTND đã kịp thời giúp hội viên, nông dân trong việc đầu tư nguồn lực để xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả, góp phần thiết thực chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương.
Nguồn vốn trên cho 971 hộ vay triển khai thực hiện 177 dự án. Nhìn chung, các dự án sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng đúng mục đích, đã đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Thông qua việc cho vay vốn Quỹ HTND, các cơ sở Hội xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, thành lập các Tổ hợp tác đã góp phần tuyên truyền cho hội viên nông dân các mô hình hay, có hiệu quả để nhân rộng, từ đó tạo mối quan hệ gắn kết giữa hội viên nông dân với tổ chức Hội.
Số lượng Tổ hợp tác và Hợp tác xã do các cấp Hội hỗ trợ thành lập tăng lên theo từng năm với chất lượng ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Nhìn chung, các mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã hoạt động hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế của các hộ thành viên tham gia, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương.
Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể cũng đang được các cấp Hội kết hợp với chỉ đạo triển khai phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi góp phần tăng thêm số hộ khá giàu và giảm hộ nghèo.
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn Hội ND các cấp chủ động tuyên truyền sâu rộng tới hội viên nông dân về kiến thức khoa học và công nghệ, các mô hình, các điển hình tiên tiến của nông dân trong hoạt động sáng tạo cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, chú trọng tuyên truyền về lợi ích xã hội của việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm có chất lượng, an toàn; tuyên truyền hội viên nông dân truy cập và sử dụng mạng Internet giúp nông dân nắm bắt nhu cầu thị trường để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng kiến thức về khoa học, công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Tại nhiều địa phương đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh tế hiệu quả, xây dựng được những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu có sức tiêu thụ và cạnh tranh trên thị trường như: Dự án chăn nuôi bò sinh sản tại xã Hồng Thượng, huyện A Lưới có 12 hộ vay 300 triệu đàn bò phát triển tốt góp phần đưa tổng đàn bò của xã lên 1.000 con cao nhất huyện.
Dự án mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tinh chế dầu tràm tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc có 10 hộ vay 500 triệu đồng vốn Quỹ để mở rộng diện tích, đầu tư lò chưng cất dầu đã cho thu nhập ổn định cao và ổn định, đã đăng ký nhãn hiệu tập thể, diện tích hiện nay gần 30 ha tràm nguyên liệu.
Dự án nuôi ong lấy mật tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền có 12 hộ vay 300 triệu giải quyết việc làm 12 lao động, bình quân tiền công 200.000 đồng/người/ngày.
Dự án chẻ tăm hương tại xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy có 15 hộ vay 300 triệu đồng giải quyết việc làm 30 lao động trong thời gian nhàn rỗi. Dự án nuôi trâu sinh sản tại phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy có 16 hộ vay 1 tỷ đồng, đàn trâu 50 con phát triển tốt.
Tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, 7 hộ hội, viên nông dân được vay 400 triệu đồng vốn Quỹ HTND triển khai dự án nuôi cá lóc đầu nhím thương phẩm. Mô hình giúp hội viên nông dân đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập hộ gia đình.
Từ đó, nhân rộng mô hình để các hộ trong và ngoài địa phương học tập về cách làm ăn có hiệu quả kinh tế. Hiện, mô hình hình thành và phát triển với hơn 35 hộ tham gia với diện tích 1,6ha; sản lượng hàng năm khoảng 450- 600 tấn cung cấp cho thị trường khu vực miền Trung.
Với giá giao động từ 40.000đồng - 45.000 đồng /kg, bà con nông dân thu lãi khoảng 4 tỷ/ ha. Tiêu biểu có các hộ: Ông Mai Thanh Long, Mai Thành, Hầu Văn Thành thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Qua việc triển khai mô hình nuôi cá lóc đầu nhím thương phẩm đã góp phần nâng cao vai trò uy tín của Hội ND các cấp trong việc vận động hội viên nông dân và nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết của Hội các cấp.
Nhờ kịp thời triển khai việc giải ngân nguồn vốn vay từ Quỹ HTND các cấp đã giúp đỡ ngày càng nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập.
Đáng chú ý, những năm gần đây, nhờ phương thức cho vay theo dự án và phát triển các mô hình liên kết sản xuất cũng đã giúp các cấp Hội quản lý, bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Cùng với việc triển khai có hiệu quả Quỹ HTND, các cấp Hội trong tỉnh tích cực phối hợp với chi nhánh ngân hàng CSXH giúp nông dân vay vốn, phát triển sản xuất. Tổng dư nợ ủy thác qua kênh Hội đạt 1.125,4 tỷ đồng, chiếm 28,15% trong tổng dư nợ ủy thác, với 26.117 hộ vay vốn còn dư nợ, thuộc 691 Tổ TK & VV.
Doanh số cho vay từ năm 2018 đến tháng 6/2023 đạt 1.952,7 tỷ đồng với trên 51.312 lượt hộ vay vốn. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách giúp cho 24.538 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 12.896 hộ vay vốn để xây dựng mới và sửa chữa 25.792 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Hiện có 4.706 lao động được vay vốn tạo việc làm; 6.598 hộ gia đình ở xã thuộc vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất kinh doanh; 1.088 hộ vay vốn cho con em là học sinh, sinh viên để trang trải kinh phí phục vụ việc học tập; 300 hộ vay vốn mua máy vi tính và thiết bị phục vụ học tập cho con em là học sinh, sinh viên; 443 hộ vay vốn xây dựng nhà ở, xây dựng nhà phòng chống bão lụt cho hộ nghèo, xây mua nhà ở xã hội; 253 hộ vay vốn trồng rừng thuộc chương trình dự án phát triển lâm nghiệp; 209 đồng bào DTTS xây nhà ở; 42 lao động được vay vốn để trang trải chi phí đi làm việc tại nước ngoài.
Ngoài ra, Hội ND các cấp còn phối hợp với ngân hàng Nông nghiệp & PTNT giúp nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ 329,06 tỷ đồng thông qua 186 Tổ Vay vốn với 3.111 hộ vay và ngân hàng Liên Việt với dư nợ 49,958 tỷ đồng cho 1.977 hộ vay thông qua 101 Tổ Vay vốn.
Bên cạnh đó, các cấp Hội trong tỉnh tích cực phối hợp các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức lồng ghép nhiều nội dung cụ thể thông qua những lớp tập huấn nhằm giúp cho giúp đội ngũ cán bộ Hội các cấp từng bước nâng cao kiến thức về mọi mặt đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong thời kỳ hiện nay.
Hội ND các cấp tổ chức 2.300 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 87.843 lượt hội viên; tổ chức nhiều đợt tham quan học tập trong và ngoài tỉnh về kinh nghiệm tổ chức xây dựng Hội và các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi cho cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở.
Nhiệm kỳ tới, Hội phấn đấu vận động tăng trưởng Quỹ HTND đạt 3,5 tỷ đồng/năm trở lên; tích cực vận động mỗi cán bộ chuyên trách công tác Hội có hưởng lương đóng góp 100.000đồng/người/năm trở lên; mỗi hội viên, nông dân đóng góp tối thiểu 10.000 đồng/người/năm trở lên để bổ sung vào nguồn Quỹ HTND.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác hỗ trợ vốn có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra các mô hình điển hình sử dụng vốn vay có hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững gắn với chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật; tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp với các ngân hàng nhằm giúp hội viên, nông dân tiếp cận thêm nhiều nguồn vốn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống.