Vốn Quỹ HTND giúp xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn
16:38 - 01/03/2024
(Quỹ HTND) - Những năm qua, Quỹ HTND Nghệ An là một trong những nguồn tín dụng quan trọng trợ giúp nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập.
Cùng với các kênh hỗ trợ khác, nguồn vốn của Quỹ HTND các cấp đã tiếp sức, đồng hành cùng hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của Hội, góp sức làm chuyển biến bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của địa phương



Nhờ được vay vốn từ Quỹ HTND, nhiều gia đình khó khăn, thiếu vốn đầu tư phát triển kinh tế đã xây dựng được các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao.


Các cấp Hội đã đẩy mạnh xây dựng Quỹ HTND, tăng trưởng nguồn vốn đạt 9.800 triệu đồng; tăng cường phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ nông dân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, kết quả: Nhận ủy thác qua ngân hàng CSXH với tổng dư nợ 3.500 tỷ đồng; phối hợp với ngân hàng NN&PTNT tín chấp cho nông dân vay vốn đạt hơn 2.700 tỷ đồng.


Để quản lý nguồn vốn Quỹ HTND, Ban Thường vụ, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã sâu sát, cụ thể, tuân thủ các quy định của Điều lệ Quỹ và pháp luật của Nhà nước.


Các cấp Hội thực hiện tốt các khâu từ lựa chọn mô hình đầu tư, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân cho vay; kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án tại cơ sở; đặc biệt là phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho Hội cấp dưới và các cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ vậy, hầu hết các hộ hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả đồng vốn.


Hàng năm, công tác quản lý hoạt động cho vay và thu hồi nguồn vốn Quỹ HTND được các cấp Hội tập trung chỉ đạo thường xuyên theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, 100% nguồn vốn Quỹ HTND của tỉnh và Trung ương ủy thác được cán bộ Hội ND tỉnh trực tiếp giám sát việc giải ngân, đảm bảo nguồn vốn không bị tồn đọng, trên địa bàn không có nợ quá hạn.


Cùng với các kênh hỗ trợ khác, nguồn vốn của Quỹ HTND các cấp đã tiếp sức, đồng hành cùng hội viên vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của Hội, góp sức làm chuyển biến bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của địa phương.


Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cùng Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh luôn bám sát các chủ trương, định hướng của tỉnh để kịp thời có chỉ đạo, định hướng việc đầu tư cho hội viên, nông dân vay vốn.


Nhờ sự trợ lực từ nguồn vốn Quỹ HTND, đã có hàng nghìn lượt hội viên, nông dân trong tỉnh được hỗ trợ về vốn, đầu tư trong phát triển sản xuất, kinh doanh; biết liên kết với nhau để cùng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị giúp tạo ra nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao.



Các hội viên vay vốn chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ. Thông qua nguồn vốn cho vay của Quỹ đã hỗ trợ hàng nghìn lượt hộ nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình giá trị kinh tế cao, tập hợp được nông dân, phát triển mới các chi Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp.


Cũng từ nguồn vốn vay, các hộ nông dân đã có điều kiện đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu; tạo việc làm cho nhiều lao động, hỗ trợ nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.



Song song với việc hỗ trợ hội viên, nông dân về nguồn vốn vay, công tác tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con cũng được các cấp Hội triển khai thực hiện thường xuyên. 


Tại địa phương, các mô hình vay vốn Quỹ HTND đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con nông dân với mức thu nhập bình quân của mỗi lao động thường xuyên từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, lao động thời vụ cho thu nhập từ 200 - 300 ngàn đồng/ngày công, đã góp phần thực hiện thành công chủ trương giảm nghèo bền vững của địa phương. Đây là một trong những yếu tố góp phần phát triển hội viên nhằm xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.


Hội ND tỉnh đã giúp nông dân trên địa bàn tiếp cận nhiều nguồn vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao, tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn trên địa bàn. Trong đó, có Qũy HTND do Hội Nông dân tỉnh trực tiếp quản lý.


Nhờ nguồn vốn từ Qũy HTND hàng trăm dự án được triển khai, những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao được hình thành. Dưới sự quản lý của Qũy HTND tỉnh các hoạt động cho vay đối với các dự án đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đối với các dự án hết hạn, hoạt động thu hồi vốn cũng được thực hiện đầy đủ, không có nợ quá hạn, đạt tỷ lệ 100%.


Các loại hình cho vay chủ yếu gồm: Chăn nuôi trâu bò sinh sản, chăn nuôi trâu bò hàng hóa, chăn nuôi dê sinh sản; trồng cây có múi như cam, bưởi; nuôi trồng thủy sản; chế biến nước mắm; sản xuất mỹ nghệ, sản xuất mộc dân dụng, trang trại tổng hợp…


Trong thời gian qua, Qũy HTND tỉnh tập trung vào những mô hình, dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, hoặc hàm lượng khoa học kỹ thuật lớn điển hình như mô hình nguồn giống mới, năng suất cao, hiệu quả. Đồng thời tăng tính liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.


Đặc biệt là những mô hình mà tổ chức hội làm cầu nối, để doanh nghiệp và nông dân bắt tay, ký kết với nhau sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị góp phần phát triển kinh tế tập thể. 


Muốn bền vững thì phải liên doanh, liên kết. Đây cũng là cách để giải quyết triệt để bài toán được mùa mất giá, được giá thì mất mùa. Đảm bảo đầu ra ổn định, giá trị cao, tăng thu nhập cho người nông dân. Hội Nông dân huyện Yên Thành cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu lươn đồng Phan Thanh.


Đến nay, từ nguồn vốn vay được tiếp cận, nhiều hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2022, làng Phan Thanh được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là "Làng nghề chế biến lươn".


Từ khi tổ Hội Nông dân nghề nghiệp chế biến lươn đồng được thành lập ở làng Phan Thanh, xã Long Thành, huyện Yên Thành các thành viên trong tổ Hội được tiếp cận nguồn vốn từ Qũy HTND. Bước đầu 10 thành viên trong tổ Hội được vay 500 triệu đồng từ nguồn vốn Qũy HTND. Từ đó, các gia đình có thêm vốn đầu tư mua sắm máy móc chế biến lươn đồng.


Có máy móc mới, năng suất được tăng lên, các thành viên trong tổ Hội nghề nghiệp cũng trao đổi kinh nghiệm, thị trường tiêu thụ, liên kết với nhau trong quá trình sản xuất, chung tay xây dựng thương hiệu lươn đồng làng Phan Thanh.


Sản phẩm lươn đồng làng Phan Thanh không ngừng được nâng cao về chất lượng, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng. Hoạt động của tổ Hội nghề nghiệp trở nên sôi nổi, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn.


Trung bình mỗi ngày gia đình chị Nguyễn Thị Ngân một trong những cơ sở chế biến lươn đồng nổi tiếng ở làng Phan Thanh thu mua và chế biến khoảng 250 - 300 kg lươn đồng. Khách hàng của chị giờ mở rộng khắp các thị trường ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.


Từ nguồn vốn Qũy HTND, anh Bùi Đình Hội ở xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc đã giúp anh đạt được những thành công nhờ đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, trong trang trại công nghệ cao của mình anh Hội trồng nho, dưa lưới, dưa chuột…


Trung bình mỗi năm gia đình anh Hội thu hoạch hơn 50 tấn các loại hoa quả sạch. Mô hình thu lợi nhuận gần nửa tỷ đồng. Đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 5 lao động nông thôn.


Bên cạnh đó, Hội ND các cấp cũng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ thêm về khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu từ đó phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND.


Qua đó, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được xây dựng trên khắp địa bàn tỉnh được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận. Đồng thời xây dựng kinh tế tập thể, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nâng cao thu nhập cho người dân.



Để đảm bảo nguồn vốn được giải ngân đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, tạo cơ hội phát triển Quỹ HTND, theo định kỳ, các cấp Hội còn phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành việc kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng nguồn vốn của các hộ dân.


Qua kiểm tra, các hộ hội viên, nông dân đều sử dụng tốt nguồn vốn vay, bảo đảm về thời gian đóng phí vay, nhiều nông dân đã có cuộc sống ổn định hơn, chủ động trong sản xuất.


 
Để tăng hiệu quả nguồn vốn vay, Ban điều hành Quỹ HTND tỉnh đã gắn hoạt động cho vay vốn với công tác hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập các tổ, nhóm liên kết để cùng sản xuất một loại nông sản hàng hóa. Từ đó, nhằm khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển sang phương thức sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm giúp đem lại năng suất, hiệu quả và giá trị kinh tế cao hơn.


Thông qua, nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ HTND đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp các hộ nông dân vượt khó vươn lên, xây dựng và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển ngành nghề và các hình thức kinh tế tập thể ở nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương trong tỉnh.



 
Ngọc Mỹ
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng