Quảng Trị: Triển khai trên 350 mô hình sản xuất nông - lâm - thủy sản
(Quỹ HTND)- Thời gian qua, Quỹ HTND các cấp đã giải ngân 24,91 tỷ đồng cho hội viên vay triển khai 352 mô hình nông – lâm – thủy sản. Bên cạnh đó, đến nay tổng nguồn vốn chương trình hỗ trợ nông dân tín chấp vay vốn qua các ngân hàng CSXH, ngân hàng NN&PTNT đạt 2.233,8 tỷ đồng, cho 32.895 lượt hộ nông dân vay. Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
|
Hội đã cho hội viên vay vốn triển khai 104 mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với định hướng phát triển kinh tế ở cơ sở, đặc biệt là mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh. |
Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, Hội phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật gắn với ứng dụng công nghệ số cho 75.492 lượt hội viên, nông dân.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, Hội đã cho hội viên vay 28,3 tỷ đồng triển khai 104 mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với định hướng phát triển kinh tế ở cơ sở, đặc biệt là mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh như: Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, mô hình hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị… Các mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp hội viên, nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo cho các hộ trực tiếp tham gia mô hình.
Ông Hoàng Ngọc Rạng ở thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) được vay vốn ưu đãi từ Quỹ HTND và ngân hàng CSXH huyện Cam Lộ phát triển mô hình chăn nuôi trâu kiểu mới. Trên diện tích 150 m2 , ông xây 2 dãy chuồng, 1 kho chứa thức ăn để nuôi gần 30 con trâu theo hình thức vỗ béo. Khác với cách chăn nuôi truyền thống, ông Rạng cho trâu nghe nhạc, ăn bã bia, tắm phun sương hàng ngày. Mỗi con trâu nuôi theo hình thức này sau 3 tháng là có thể xuất bán với giá từ 40-60 triệu đồng, cho lãi bình quân hơn 5 triệu đồng/con. Mô hình chăn nuôi hiệu quả được nhiều nông dân tìm đến tham quan, học tập.
Hay bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - thôn Phan Xá Phường, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ) được Hội tạo điều kiện vay vốn ngân hàng CSXH và ngân hàng NN&PTNT huyện để mở rộng mô hình kinh tế tổng hợp: Chăn nuôi lợn rừng, trồng cây cao su tiểu điền và kinh doanh đá grannit. Đến nay, mô hình của bà cho lợi nhuận trên 1,5 tỉ đồng/năm; giải quyết việc làm cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, bà Nhung còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hỗ trợ vốn vay không lấy lãi cho các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thời gian tới, các cấp Hội tập trung huy động hỗ trợ vốn và các nguồn lực xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, tạo ra sản phẩm nông sản đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm cho thị trường trong và ngoài nước, đem lại hiệu quả kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho hội viên, nông dân.