Kiên Giang: Khẳng định vai trò của các cấp Hội trong hoạt động hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân
(Quỹ HTND) - Bằng nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều nông dân Kiên Giang đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
|
Dự án nuôi tôm - cua từ nguồn vốn Quỹ HTND mang lại thu nhập khá cho các hộ nuôi |
Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng nguồn vốn Quỹ HTND các cấp tại địa phương thời gian qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành kịp thời các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức quán triệt các nội dung văn bản chỉ đạo xây dựng phát triển Qũy HTND tới cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ HTND trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp, sinh hoạt Hội; thường xuyên nêu gương các tập thể, cá nhân đóng góp xây dựng Quỹ, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để cán bộ, hội viên nông dân và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, nội dung hoạt động của Quỹ HTND, tạo sự đồng thuận cao trong việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND.
Bên cạnh việc vận động xây dựng nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội còn chú trọng chỉ đạo công tác cho vay đảm bảo đúng đối tượng, quản lý tốt nguồn vốn vay, thu phí, thu gốc đúng theo hợp đồng vay vốn; Chỉ đạo củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác Quỹ HTND các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Nhờ đó, hiện tất cả 15 huyện, thành phố và 140 Hội Nông dân cấp cơ sở của tỉnh xây dựng, phát triển được Quỹ HTND. Những đơn vị có nguồn vốn tương đối lớn như: huyện Giồng Riềng 6 tỷ đồng, Tân Hiệp 3,5 tỷ đồng, các huyện An Minh, An Biên, thành phố Phú Quốc đều đạt trên 2 tỷ đồng…
Đến nay, tổng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh quản lý đạt gần 60 tỷ đồng. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội tập trung cho vay theo dự án nhóm hộ, đồng thời lồng ghép với các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ và dạy nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát huy tối đa hiệu quả của mô hình sản xuất. Các hộ vay đều phát huy được hiệu quả, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn vốn trên, Ban điều hành Quỹ HTND luôn chú trọng, ưu tiên xây dựng các mô hình vốn vay gắn với lợi thế và hướng phát triển kinh tế địa phương, các xã xây dựng nông thôn mới, các xã có quy hoạch vùng sản xuất, kinh doanh gắn với vận động, hướng dẫn hội viên thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp.
Đến nay, Quỹ HTND tỉnh đã đầu tư xây dựng 42 dự án HTX, 50 dự án tổ hợp tác, 44 dự án chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Nhiều mô hình đã có sức lan tỏa để hội viên nông dân học tập và làm theo, từng bước thúc đẩy phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", qua đó phát triển và tạo niềm tin giữa hội viên với tổ chức Hội.
Điển hình như dự án nuôi cá lồng bè xã Hòn Nghệ và xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương; dự án trồng khóm kết hợp nuôi tôm xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao; dự án nuôi lươn thương phẩm xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng; dự án nuôi bò vỗ béo xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất; dự án nuôi dê thương phẩm xã Mỹ Phước, Hòn Đất; dự án trồng lúa chất lượng cao xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp; dự án trồng lúa chất lượng cao Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành; dự án nuôi tôm - cua cải tiến xã Đông Hưng A, huyện An Minh…
Hay như HTX nông dân làm vườn ấp Chín Ghì, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) cũng là một trong những mô hình kinh tế tập thể được các cấp Hội Nông dân đồng hành phát triển. Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc HTX làm vườn ấp Chín Gì, xã Ngọc Hòa cho biết: HTX đã được 2 lần Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang cho vay nguồn vốn Quỹ HTND với tổng số tiền 700 triệu đồng. Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các thành viên có điều kiện đầu tư cho vườn măng cụt, sầu riêng tốt hơn. HTX đang trong quá trình xây dựng thương hiệu cho măng cụt Cái Bé nên hầu hết đều bón phân hữu cơ vi sinh, hạn chế phun thuốc bảo vệ thực vật.
Có thể nói, hoạt động của Quỹ HTND các cấp ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng hoạt động của Quỹ được nâng lên, Hội có điều kiện thu hút và tập hợp nông dân, thúc đẩy các phong trào nông dân phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh đáp ứng yêu cầu của hội viên, nông dân và nhiệm vụ trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới hiện nay, ngày càng xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn Quỹ HTND. Điều này cũng góp phần khẳng định vai trò của các cấp Hội trong việc xây dựng và phát triển nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.