Hội viên, nông dân khấm khá nhờ nguồn vốn Quỹ HTND
14:22 - 08/02/2024
(Quỹ HTND) - Những năm qua, Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã làm tốt công tác tuyên truyền và quản lý nguồn vốn vay, cho vay đúng đối tượng giúp nhiều hội viên, nông dân xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức trồng trọt nhằm nâng cao giá trị cây trồng



Việc thực hiện dự án đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội trong việc điều hành và quản lý, được các cấp ủy, chính quyền địa phương nơi thực hiện các dự án đánh giá cao. Qua hoạt động cho vay vốn từ nguồn vốn Quỹ HTND để thực hiện mô hình dự án, các hoạt động phong trào của Hội cũng không ngừng được đẩy mạnh và phát triển tại địa phương.


Quỹ HTND được triển khai thực hiện với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.


Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. 


Điển hình như các dự án: Trồng cây đào cảnh tại xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn đã xây dựng thành công Hợp tác xã trồng đào cảnh và vùng cây cảnh của huyện Triệu Sơn; trồng rau quả chất lượng cao trong nhà lưới tại xã Nga Thành, huyện Nga Sơn đã xây dựng thành công Hợp tác xã sản xuất rau, quả chất lượng cao Nga Thành và 02 sản phẩm (dưa vàng và dưa chuột) của hợp tác xã đạt sản phẩm OCOP; ươm giống cây công nghiệp tại xã Vạn Hòa và dự án trồng cây ăn quả tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống đã xây dựng thành công Hợp tác xã giống cây lâm nghiệp xã Vạn Hòa và Hợp tác xã cây ăn quả Yên Mỹ; nuôi ong mật đã góp phần phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở xã Hà Đông, huyện Hà Trung; nuôi chim bồ câu thương phẩm tại xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi của địa phương, hướng tới sản xuất hàng hóa…


Các dự án góp phần vào nâng cao thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã; xây dựng các sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn thực phẩm, phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm chủ lực của các địa phương trong tỉnh.


Các hộ vay vốn luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn đúng mục đích, nên các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và vươn lên làm giàu.


Ngoài ra, Hội ND các cấp còn thường xuyên nêu gương các tập thể, cá nhân đóng góp xây dựng Quỹ, các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả giúp cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ hơn về mục đích, nội dung hoạt động của Quỹ HTND nhằm xây dựng và phát triển nguồn vốn.


Để giúp các hội viên, nông dân phát triển kinh tế, các cấp Hội đã xây dựng kế hoạch vận động cán bộ, hội viên, nông dân xây dựng nguồn vốn; tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Quỹ trong các cuộc họp, sinh hoạt chi Hội.


Đồng thời, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị và lấy việc xây dựng Quỹ là tiêu chí quan trọng đánh giá, xếp loại tổ chức Hội hàng năm; tham mưu cho chính quyền địa phương cấp ngân sách bổ sung Qũy HTND cùng cấp.


Ban điều hành Quỹ HTND đã phân bổ và quản lý tốt các nguồn vốn ủy thác theo quy định. Bên cạnh đó, hàng năm, các cấp Hội thường xuyên quan tâm, chú trọng tới công tác vận động, xây dựng và phát triển nguồn vốn giúp Quỹ HTND liên tục tăng trưởng.


Hiện, nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh đạt 62,734 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ cho 2.398 hộ vay triển khai thực hiện 624 dự án phát triển sản xuất. Cùng với đó, Hội tổ chức tín chấp và ủy thác với các ngân hàng cho 176.005 hộ nông dân vay với tổng dư nợ gần 16 nghìn tỷ đồng.


Các dự án đã và đang xây dựng hàng trăm mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Hầu hết, các dự án vay vốn Quỹ HTND đều chỉ đạo thành lập được tổ hợp tác hoặc HTX, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.


Việc thực hiện dự án vay vốn lần đầu yêu cầu 100% các dự án thành lập được tổ hợp tác liên kết sản xuất và tổ hội nông dân nghề nghiệp, tiến tới xây dựng, thành lập được HTX và chi Hội nông dân nghề nghiệp; việc cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích nên các dự án đều đạt hiệu quả cao và có tiềm năng nhân rộng.


Bên cạnh đó, các cấp Hội còn gắn kết việc cho vay vốn với các chương trình khác, như: Khuyến nông, lâm, đào tạo nghề; phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân, tạo điều kiện cho các hộ tham gia dự án tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất hiệu quả.


Hội còn phối hợp tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 345.398 lượt người; phối hợp cung ứng 33.174 tấn phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân; trực tiếp vận động, hướng dẫn xây dựng, thành lập mới 179 THT, 36 HTX và thành lập được 149 doanh nghiệp mới.


Từ nguồn vốn Quỹ HTND, các cấp Hội thành lập mới 15 THT, 05 HTX, thành lập mới 14 tổ hội Nông dân nghề nghiệp và 06 chi Hội ND nghề nghiệp; hướng dẫn, giúp đỡ các hộ vay vốn ở 10 dự án có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, VietGAP.


Nhiều chi, tổ Hội ND nghề nghiệp đang là tâm điểm của việc gắn kết, đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân như: Trồng rau an toàn tại phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa; nuôi cá lồng tại thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân); nuôi ốc nhồi tại xã Hà Sơn, huyện Hà Trung; trồng dưa vàng trong nhà màng tại thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa; nuôi trồng thủy sản đồng quê" tại xã An Nông, huyện Triệu Sơn; nuôi ong lấy mật" tại xã Thành Kim và thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành; trồng cây đào cảnh tại xã Xuân Du, huyện Như Thanh; nuôi tôm tại xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa.


Qua việc đầu tư cho vay theo dự án hội viên, nông dân trên địa bàn xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn trong nông nghiệp, nông thôn; góp phần chuyển biến nhận thức của nông dân trong việc tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; nâng cao được năng suất lao động, tăng thu nhập cho bà con.


Từ thành công của các chi hội, tổ Hội ND nghề nghiệp, thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng thêm các mô hình, góp phần nâng cao khả năng định hướng, hỗ trợ của tổ chức hội đối với hội viên nông dân trong phát triển kinh tế; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.


Nhờ biết tập trung khai thác thế mạnh vùng một cách hợp lý, nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, đang được các cấp Hội tuyên truyền và tiếp tục nhân rộng. Một số dự án khi triển khai đã mang lại tính khả thi cao nhờ việc khảo sát đúng hướng.


Bên cạnh đó, các cấp Hội còn đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, vận dụng các mô hình hay, những kinh nghiệm quý để từng bước hình thành vùng sản xuất mang lại hiệu quả cao. Năm 2023, các cấp Hội Nông dân Thanh Hóa đã phát động trên 357.000 hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi.


Với việc đưa nguồn vốn Quỹ đến với bà con, Hội ND đã khẳng định vai trò của Hội. Qua đó, hoạt động của mạng lưới Hội tại cơ sở ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả tập hợp nông dân. Nhờ nguồn vốn Quỹ, hội viên có vốn làm ăn, thu nhập cao từ cây trồng, vật nuôi và vượt khó thoát nghèo.


 

Xuân Hòa
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường