Bình Thuận: Nâng cao thu nhập nhờ vốn Quỹ
10:12 - 21/02/2024
(Cổng ĐT HND)- Những năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp đã xây dựng được nhiều mô hình dự án phát triển sản xuất hiệu quả trong hội viên, nông dân. Qua đó, giúp hàng nghìn hộ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. 
Nhìn chung, các hộ vay vốn Quỹ HTND sử dụng đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, trả nợ gốc và phí đúng hạn.


Đến nay, dư nợ Quỹ HTND đạt trên 42 tỷ đồng, cho 2.125 hộ vay thực hiện 352 dự án. Trong đó, Quỹ cấp tỉnh, Trung ương cho vay đầu tư tập trung vào các xã nông thôn mới của tỉnh, các tổ hợp tác, tổ liên kết, mô hình sản xuất do Hội hướng dẫn xây dựng, thành lập. Các dự án Quỹ cấp tỉnh và huyện cho các hộ vay mua bán nhỏ phục vụ nông thôn khá hiệu quả, giúp các hộ có vốn kinh doanh không phải vay ngoài lãi suất cao, nhờ đó cuộc sống đã vươn lên khá giả.
 
 
Nhìn chung, các hộ sử dụng vay vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, trả nợ gốc và phí đúng hạn. Một số dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng, chăm sóc cây thanh long, cây ăn trái ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, TP Phan Thiết; trồng cao su, điều, trồng sen lấy hạt kết hợp nuôi cá, nhân giống lúa xác nhận ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh; chăn nuôi bò Vĩnh Tân, Phú Lạc, Bình Thạnh (huyện Tuy Phong); trồng và chăm sóc cây trôm, cây nho, cây bưởi ở huyện Tuy Phong.
 
 
Tiêu biểu như: Chăm sóc cây thanh long có các hộ Hoàng Ngọc Đạo (huyện Hàm Thuận Nam), Nguyễn Văn Phong (thành phố Phan Thiết), Nguyễn Hữu Phận (huyện La Gi); nhân giống lúa, trồng cây tiêu có các hộ Hồ Quang Hùng, Nguyễn Thị Tám (huyện Tánh Linh); chăn nuôi bò sinh sản như các hộ Bùi Thị Minh Linh (huyện Đức Linh), Nguyễn Thành Đông (huyện La Gi), Ngô Xuân Hải (huyện Phan Thiết)... Thu nhập bình quân của hộ vay vốn dự án Quỹ tăng thêm 15 - 20 triệu đồng/năm.
 
 
Năm 2023, 10 hộ nông dân ở xã Phong Phú (huyện Tuy Phong) được vay 500 triệu đồng Quỹ HTND Trung ương ủy thác thực hiện Dự án trồng táo trong nhà lưới. Tham gia dự án, các hộ vay sẽ đầu tư lưới vào vườn táo để phòng ngừa dịch bệnh, bón phân theo quy trình nhằm tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao kinh nghiệm của dự án, từng bước nhân rộng diện tích cây táo trên địa bàn...
 
 
Nhờ áp dụng chuyển đổi số 4.0, thông qua điện thoại thông minh, các hộ trồng táo chăm sóc cây theo hướng hữu cơ, đảm bảo không tồn dư thuốc BVTV trên quả táo. Các hội viên còn tham gia tổ Hội nghề nghiệp cây táo, qua Zalo trên điện thoại thông minh mọi thắc mắc về chăm sóc cây táo được các thành viên trong nhóm chia sẻ ngay, rất tiện lợi. Bên cạnh đó, táo trong nhà lưới được bảo vệ "tuyệt đối" nên các loại côn trùng gây hại, nhất là ruồi vàng không thể xâm phạm được quả.
 
 
Táo Phong Phú có màu xanh, đẹp mắt, vị ngọt thanh, giòn, mùi thơm trong miệng nên được nhiều người thích. Hiện dự án đang đi đúng hướng, với giá táo tương đối ổn định từ 10.000-12.000 đồng/kg (bán tại vườn), giúp bà con có thu nhập ổn định.
 
 
Để nguồn vốn Quỹ HTND phát huy được hiệu quả, các cấp Hội phối hợp với các ngành hàng năm tổ chức trên 1.000 lớp tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho gần 100.000 lượt hội viên, nông dân như: Trồng, chăm sóc, cải tạo vườn điều; cao su, lúa, rau an toàn, thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; nuôi tôm, cá, lươn không bùn, sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật an toàn trên cây trồng...
 
 
Các dự án Quỹ HTND còn mang lại hiệu quả về mặt xã hội. 10 năm qua đã giải quyết việc làm cho hơn 2.200 lao động, đặc biệt tạo việc làm cho các lao động yếu thế như các dự án chăn nuôi, trồng thanh long, trôm, các loại cây ăn trái. Quỹ HTND còn góp phần tích cực giảm hộ nghèo trong 96 xã nông thôn mới của tỉnh xuống chỉ còn 4.806 hộ, đạt tỷ lệ 2,34%.
 
 
 Thực hiện hoạt động uỷ thác của ngân hàng CSXH, các cấp Hội đã cho 30.944 hộ hội viên, nông dân vay với tổng dư nợ đạt 1.285.196 triệu đồng thông qua 640 Tổ TK&VV. Trong đó, cho vay hộ nghèo 48.316 triệu đồng, hộ cận nghèo 119.203 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo 217.595 triệu đồng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 61.622 triệu đồng.
 
 
Thực hiện thỏa thuận với ngân hàng NN&PTNT, đến nay tổng dư nợ đạt 3.010,14 tỷ đồng (tăng 128,14 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022) với 966 tổ vay vốn và 24.058 thành viên.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục phát huy việc xây dựng và thực hiện Đề án Quỹ theo Nghị định số 37 của Chính phủ để lan tỏa nguồn vốn xoay vòng đến nhiều hội viên, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tiến Hiệp
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Liên kết trong chăn nuôi dê nhốt chuồng