Quảng Bình: Nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa nhờ vốn Quỹ
15:15 - 25/01/2024
(Quỹ HTND)- Năm 2023, Quỹ HTND các cấp trong tỉnh tăng 9.505 triệu đồng, trong đó: Quỹ HTND tỉnh được ngân sách cấp 7 tỷ đồng; Quỹ cấp huyện được cấp 1.500 triệu đồng; Hội ND cấp xã vận động tăng 780 triệu đồng (ngân sách cấp 300 triệu đồng, ủng hộ ngoài ngân sách 311 triệu đồng). Đến nay, tổng nguồn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đạt 56.564 triệu đồng, tăng 9.505 triệu đồng so với năm 2022.
Các dự án vay vốn Quỹ được đầu tư đúng hướng, đúng đối tượng góp phần phát triển kinh tế gắn với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.


Hiện nguồn Quỹ HTND tỉnh đạt 38.470 triệu đồng; quỹ cấp huyện 12.589 triệu đồng; cấp xã vận động 5.504 triệu đồng. Trong đó, có 7/8 Quỹ HTND huyện đạt trên 01 tỷ đồng, điển hình như huyện Bố Trạch đạt 2,93 tỷ đồng. Có 130/150 cơ sở xây dựng được Quỹ HTND, trong đó năm 2023 có 91 cơ sở được ngân sách địa phương cấp.
 
 
Trong năm, Quỹ HTND tỉnh đã cho 519 hộ vay 24,9 tỷ đồng thực hiện 72 dự án. Trong đó, nguồn Trung ương ủy thác cho 186 hộ vay 7.800 triệu đồng triển khai 16 dự án; nguồn tỉnh cho 333  hộ vay 17.100 triệu đồng triển khai 56 dự án. Quỹ HTND các huyện, thành phố, thị xã cho 86 hộ vay 4.015 triệu đồng triển khai 44 dự án. Hội ND cấp xã cho 75 hộ vay 654 triệu đồng (bình quân 8 - 15 triệu đồng/hộ).
 
 
Đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác đạt 15.550 triệu đồng, cho 367 hộ vay thực hiện 32 dự án; nguồn Quỹ HTND tỉnh đạt 38.470 triệu đồng, cho 743 hộ vay thực hiện 123 dự án; nguồn Quỹ HTND cấp huyện đạt 12.468 triệu đồng cho 302 hộ vay triển khai 187 dự án; nguồn cấp xã 5.107 triệu đồng cho 521 hộ vay.
 
 
Trong năm, Hội ND tỉnh đã thu hồi 17.700 triệu đồng tại 16 dự án nguồn vốn Quỹ HTND Trung ương ủy thác và 45 dự án nguồn Quỹ HTND tỉnh; gia hạn 15 dự án nguồn Quỹ tỉnh 3.810 triệu đồng. Quỹ HTND cấp huyện thu hồi 2.610 triệu đồng tại 31 dự án đến hạn; không phát sinh nợ quá hạn.
 
 
Nhìn chung, các dự án vay vốn Quỹ được đầu tư đúng hướng, đúng đối tượng góp phần phát triển kinh tế gắn với xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Một số mô hình tiêu biểu như: Các dự án chăn nuôi bò lai ở xã Liên Thủy, Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy), nuôi tôm theo hướng công nghệ cao ở xã Hàm Ninh, nuôi cá lồng trên sông Kiến Giang - xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh); sản xuất mộc mỹ nghệ ở phường Phú Hải (thành phố Đồng Hới), chăn nuôi bò lai ở các xã Tây Trạch (huyện Bố Trạch); chăn nuôi bò lai ở phường Quảng Long (thị xã Ba Đồn)…
 
 
Để có được kết quả trên, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, triển khai Nghị định 37 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ HTND; Quyết định 1990 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại ngân hàng CSXH, Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động như: Thông qua hội nghị chuyên đề, đối thoại, tập huấn, sinh hoạt chi, tổ Hội; đăng 23 tin, bài về hoạt động Quỹ HTND, hoạt động phối hợp với ngân hàng CSXH trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài truyền thanh, truyền hình, website Hội ND tỉnh...
 
 
Bên cạnh đó, Hội ND các cấp đã tổ chức 9 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 710 cán bộ Hội, trong đó có chuyên đề nghiệp vụ Quỹ HTND, hoạt động ủy thác cho cán bộ Hội cơ sở và Ban Quản lý Tổ TK&VV. Ban Thường vụ, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh còn phối hợp với Quỹ HTND Trung ương, Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, triển khai Nghị định 37/2023/NĐ-CP, ngày 24/6/2023 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ HTND cho hơn 150 cán bộ Hội, Quỹ HTND của 32 tỉnh, thành phố giúp cán bộ Hội nắm vững được các nội dung của Nghị định để thực hiện có hiệu quả.
 
 
Để giúp các hộ vay vốn sử dụng vốn có hiệu quả, trước và sau khi giải ngân, các hộ vay được Hội ND cơ sở hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức tham quan một số mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi trong tỉnh. Trong năm, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức được 869 lớp tập huấn nghiệp vụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 18.918 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.
 
 
Điển hình như 06 hộ hội viên Hội ND xã Quảng Kim được vay 300 triệu đồng Quỹ HTND huyện thực hiện dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” (50 triệu đồng/hộ) trong thời gian 3 năm. Trong đó, hội viên Lê Thị Hòa ở thôn 5 đã mua bò giống, sửa chuồng trại, mua thuốc thú y phục vụ chăn nuôi. Hiện gia đình chị có 03 con bò sinh sản, năm 2023 đã sinh ra 03 con bê, trừ mọi chi phí, chị thu lãi 25 - 30 triệu đồng và có kế hoạch tăng đàn bò để thoát nghèo bền vững.
 
 
Tương tự, ông Chu Quốc Việt hiện đang nuôi 05 bò cái, 05 con bê và có 10 con chăn thả khu vực đồi núi gần nhà. Qua khảo sát của Hội ND xã, tất cả hội viên vay vốn từ Quỹ HTND đều có đàn trâu, bò phát triển tốt, thu nhập từ nghề chăn nuôi giúp các gia đình vượt qua khó khăn, bắt đầu có tích lũy để phát triển.
 
 
Thực hiện chương trình phối hợp với ngân hàng CSXH, đến nay 146/150 Hội ND xã, phường, thị trấn thực hiện ủy thác. Hiện tổng dư nợ qua tổ chức Hội đạt 1.812.725 triệu đồng (tăng 220.291.17 triệu đồng so với năm 2022), cho 30.894 hộ vay thông qua 819 Tổ TK&VV. Trong đó, 761 Tổ xếp loại tốt (chiếm 92,92%), 43 tổ xếp loại khá (5,25%). Có 819/819 tổ tham gia gửi tiền tiết kiệm, đạt 100%. Các hộ vay chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn... nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện và dần ổn định cuộc sống.
 
 
Anh Cái Viết Thoản ở thôn Hòa Bình, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) được vay 50 triệu đồng ngân hàng CSXH đầu tư mua cua giống về nuôi. Vụ đầu tiên anh bán được 500 con cua, thu lãi ròng vài chục triệu đồng. Hiện anh đang thả nuôi 6.000 con cua rào và 3.000 con cua Cà Mau, xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024 mang lại nguồn thu nhập khá.
 
 
Bên cạnh đó, anh còn xây dựng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Mỗi năm anh thả nuôi 300 nghìn tôm thẻ chân trắng, đem lại thu nhập ổn định hơn 150 triệu đồng. Mô hình nuôi thủy sản tôm, cua mang lại cho anh nguồn thu nhập ổn định hơn 200 triệu đồng/năm.
 
 
Hay như chị Nguyễn Thị Hải Lục ở thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa) được vay 100 triệu đồng đầu tư trồng 3,5ha cây keo lai và chăn nuôi gia súc gia cầm. Để lấy ngắn nuôi dài, chị đầu tư chăn nuôi lợn, gà để tăng thu nhập, từ đó kinh tế gia đình ngày càng được cải thiện. Năm 2024, dự kiến cây keo lai đủ 5 năm sẽ cho thu hoạch. Hiện gia đình chị Hải đã thoát nghèo, có thu nhập kinh tế ổn định.
 
 
Trong năm, các cấp Hội đã thực hiện kiểm tra hoạt động Quỹ HTND, việc chấp hành các công đoạn ủy thác, Thông tư 69 của Bộ Tài chính và các quy định, hướng dẫn của Trung ương Hội… theo chuyên đề hoặc kiểm tra lồng ghép với các nội dung, chương trình công tác Hội theo định kỳ. Hội ND tỉnh đã tiến hành kiểm tra 8/8 đơn vị cấp huyện, 8 cơ sở và 8 Tổ TK&VV; phối hợp với ngân hàng CSXH kiểm tra tại huyện Bố Trạch và xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch), 01 Tổ TK&VV và 05 hộ vay vốn ngân hàng CSXH. Qua kiểm tra cho thấy, các mô hình xây dựng từ nguồn vốn Quỹ HTND hầu hết đều phát huy hiệu quả, các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện trả phí vay, tiền gốc đầy đủ, đúng hạn theo quy định; nguồn Quỹ cấp tỉnh và trung ương không phát sinh nợ quá hạn; nợ quá hạn ngân hàng CSXH giảm còn 0,08%.
 
 
Các nguồn vốn trên đã xây dựng các mô hình nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; sản xuất nông sản, hàng hóa đạt chất lượng; góp phần tích cực xây dựng các tổ hợp tác, chi, tổ Hội nghề nghiệp nhằm nâng cao quy mô sản xuất và sản xuất hàng hóa, thúc đẩy các hình thức kinh tế tập thể, liên kết, hợp tác sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Đình Toản
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Đa dạng sản phẩm chế biến để mở rộng thị trường